Thể chế hóa cơ chế sàng lọc, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Nội vụ cho biết, Luật Cán bộ, công chức hiện hành đã bộc lộ hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Theo đó, một số chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ cần tiếp tục thể chế hóa, bảo đảm thực hiện bằng quy định của luật.

Còn khoảng trống về "đạo đức công vụ"

Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và đang được lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân.

Theo Bộ Nội vụ, sau 5 năm được sửa đổi, bên cạnh những kết quả đạt được, luật này đã bộc lộ hạn chế nhất định, cần tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Trong đó, một số chủ trương mới của Đảng về công tác cán bộ cần tiếp tục thể chế hóa, bảo đảm thực hiện bằng quy định của luật, như: Cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế sàng lọc, thay thế cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, năng lực hạn chế, uy tín thấp.

Thể chế hóa cơ chế sàng lọc, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp ảnh 1

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: QH

Sửa đổi Luật Cán bộ, Công chức nhằm xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; bảo vệ đối với những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay khi có kế hoạch.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng chỉ ra rằng, một số quy định của luật chưa thống nhất, đồng bộ với quy định của Đảng, như thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức trong giới thiệu ứng cử, tái cử, cho thôi giữ chức vụ, kiểm soát quyền lực… Hay về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, luật hiện hành chưa có quy định về tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ tương ứng với quy định của Đảng.

Bộ Nội vụ dẫn chứng, theo Quy định số 80 của Bộ Chính trị: Cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian 12 tháng đối với hình thức kỷ luật khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo và 60 tháng đối với hình thức kỷ luật cách chức (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật).

Tuy nhiên, Luật Cán bộ, công chức hiện quy định: Cán bộ, công chức bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng; bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực...

Ngoài ra, cơ quan trình sửa đổi cũng cho rằng, thực tiễn hiện đã phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được pháp luật quy định, như: Các quy định cụ thể về đạo đức công vụ; biểu hiện hành vi và chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức vi phạm quy định về đạo đức công vụ; chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi bị kỷ luật…

Xây dựng nền công vụ thực tài

Bộ Nội vụ nhấn mạnh, cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, quyết định mọi việc, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Do vậy, yêu cầu và cơ chế quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cần được nghiên cứu, quy định phù hợp với thực tiễn quản lý trong giai đoạn hiện nay.

“Từ những căn cứ chính trị, pháp lý và để khắc phục những bất cập trong thực tiễn nêu trên thì việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức là cần thiết”, Bộ Nội vụ cho hay.

Theo Bộ Nội vụ, mục tiêu sửa đổi luật lần này nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo Kết luận số 50 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.

Việc sửa đổi luật cũng nhằm xây dựng nền công vụ thực tài và cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu có đủ năng lực năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó, việc sửa Luật Cán bộ công chức cũng nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức theo hướng thực chất, “vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được”.

MỚI - NÓNG