Phát biểu tại Hội nghị công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 26/11 tại Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng lưu ý: Các hội/quỹ nghiên cứu những văn bản mới của Đảng, Nhà nước, quán triệt chủ trương tinh gọn bộ máy, soi chiếu vào đơn vị của mình để khi có phương án thì sẵn sàng thực hiện. Qua đó thể hiện một quyết tâm chính trị mạnh mẽ của cả hệ thống với chủ trương lớn này.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho hay, Chính phủ rất trăn trở khi hơn 70% ngân sách chi cho nuôi bộ máy. Hiện cả nước có khoảng 2,5 triệu người hưởng lương ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu. Ảnh: CK |
Cũng theo ông Thắng, chủ trương tinh gọn bộ máy thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn và cảm hứng này phải được truyền đi từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương, địa phương đến các thành phần xã hội, người dân.
Ông Thắng cho biết, đầu tháng 12/2024 sẽ có hội nghị toàn quốc về nội dung tinh gọn bộ máy; quý 1/2025 sẽ triển khai; tháng 5/2025 sẽ hoàn chỉnh.
Hiệu lực, hiệu quả của các hội không đồng đều
Tại hội nghị, đại diện Vụ Đoàn thể Nhân dân-Ban Dân vận Trung ương đã thông tin về Quyết định 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Bí thư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương (Quyết định 118).
Quyết định này nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.
Quyết định 118 cũng nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập, chưa đồng bộ trong tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng. Cụ thể như: Công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của hội chưa chặt chẽ, thiếu chế tài để xử lý vi phạm pháp luật; còn nhiều đầu mối quản lý nhà nước; thiếu cơ chế kiểm soát việc thành lập các đơn vị trực thuộc, các pháp nhân thuộc tổ chức hội…
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: CK |
Tại hội nghị, đại diện Vụ Tổ chức phi chính phủ-Bộ Nội vụ thông tin về Nghị định 126 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, và nghị định 136 sửa đổi Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội và quỹ từ thiện. Hai nghị định mới nêu rõ quan điểm, việc thành lập và hoạt động các hội/quỹ “không vì mục tiêu lợi nhuận”.
Thứ trưởng Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, thời gian qua, hoạt động của các hội cơ bản tuân thủ pháp luật, điều lệ. Hội thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, phù hợp với xu hướng…
Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả của các hội không đồng đều, có những hội vận động thành lập bằng được nhưng hoạt động rất mờ nhạt, không có cơ chế hoạt động, thậm chí thành lập hôm trước trước hôm sau đã có đơn từ.
“Quản lý hội có nhiều vấn đề, đặc biệt hội thành lập các pháp nhân trực thuộc, thiếu cơ chế quản lý, giám sát, để tự hoạt động, cũng có hiện tượng mất đoàn kết, đơn thư khiếu nại, tranh chấp.
Việc tiếp nhận tài trợ của các hội rất phong phú, về cơ bản tốt, hiệu quả, nhưng đâu đó có việc lợi dụng, thiếu công khai minh bạch, thực hiện không đúng mục đích”, ông Thắng nói.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng đề nghị các cơ quan bộ ngành nâng cao trách nhiệm, làm tốt công tác quản lý nhà nước, phối hợp với địa phương hướng dẫn, triển khai các quy định liên quan. Đặc biệt, cần siết chặt quản lý việc cấp phép, tư cách pháp nhân của các hội/quỹ.
Cùng đó, ông Thắng kỳ vọng các hội nâng cao vai trò quản lý chặt chẽ, chấn chỉnh kết nạp hội viên, hết sức chú ý quản lý danh sách, hồ sơ hội viên…
Theo Bộ Nội vụ, đến cuối năm 2023, cả nước có 71.891 hội (603 hội hoạt động phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh; 71.288 hội hoạt động phạm vi địa phương) và 3.167 quỹ (99 quỹ hoạt động phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh; 3.068 quỹ hoạt động phạm vi địa phương).