Bộ Nội vụ đề nghị sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Nội vụ đề nghị xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nhằm hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Bộ Nội vụ cho biết, ngày 19/6/2015, Quốc hội đã ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và các chủ trương, định hướng của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta.

Trong bối cảnh hiện nay, nước ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi phải cải cách, đổi mới tổng thể tổ chức, hoạt động của chính quyền nhà nước từ Trung ương đến địa phương.

Bộ Nội vụ đề nghị sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế ảnh 1

Đề nghị sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Nội vụ, mục tiêu chung của việc xây dựng luật này là thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới; tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và đồng bộ với các luật về tổ chức bộ máy: Tổ chức Chính phủ, Quốc hội, Tòa án, Viện kiểm soát nhân dân; các luật có liên quan quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương.

Trên cơ sở đó, đáp ứng yêu cầu của quản trị quốc gia, quản trị địa phương trong tình hình mới. Theo đó, yêu cầu bộ máy chính quyền địa phương phải tinh gọn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế phối hợp chặt chẽ.

Đồng thời, phát huy sự tham gia của các chủ thể trong quản trị địa phương, đảm bảo tính công khai, trách nhiệm giải trình, ứng dụng công nghệ trong hoạt động của chính quyền địa phương gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

Thực hiện thống nhất mô hình chính quyền đô thị

Theo Bộ Nội vụ, mục tiêu cụ thể lần sửa đổi này nhằm quy định rõ việc phân định thẩm quyền và phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương.

Phân định rõ sự khác biệt về mô hình tổ chức, bộ máy, nhân sự giữa chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo hướng giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương. Thực hiện thống nhất mô hình chính quyền đô thị trong cả nước.

Ngoài ra, mục tiêu khác cũng được hướng đến là tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước.

Đề xuất 6 nhóm chính sách

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Nội vụ đề xuất 6 nhóm chính sách xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi):

Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương.

Chính sách 2: Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp trên nguyên tắc ''chính quyền địa phương cấp nào giải quyết sát thực tiễn, hiệu quả hơn thì giao chính quyền địa phương cấp đó thực hiện''; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền.

Chính sách 3: Hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; đẩy mạnh cơ chế liên kết vùng.

Chính sách 4: Hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp.

Chính sách 5: Hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của UBND các cấp.

Chính sách 6: Hoàn thiện quy định về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.