Thầy Vàng Hoàng Sa

Thầy Vàng tận tụy truyền sử Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh Ảnh: Nguyễn Thành
Thầy Vàng tận tụy truyền sử Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Thầy giáo Trần Văn Vàng (54 tuổi) giáo viên trường THCS Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi) bỏ nhiều thời gian, công sức lặn lội sưu tầm sách, tài liệu biên soạn chương trình học sử địa phương và lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa đưa vào chương trình dạy học cho hàng ngàn học sinh ở Quảng Ngãi.

> Con chữ Nậm Nơn
> Những giáo viên không có thưởng Tết

Dáng mảnh khảnh, giọng nói nhỏ nhẹ, thầy Vàng đã 34 năm gắn bó với bục giảng. Chương trình Sử địa phương do thầy dày công biên soạn lại lần đầu tiên được áp dụng cách đây gần 5 năm.

Thầy Nguyễn Công Tiến, Phó hiệu trưởng trường THCS Đức Chánh, kể: Năm 2007, thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc đưa chương trình sử địa phương cho học sinh lớp 6 đến lớp 9, trường phân công tổ chuyên môn do thầy Vàng làm tổ trưởng biên soạn chương trình. Gần 1 năm sau, chương trình hoàn thành, được đánh giá cao bởi độ công phu, ý nghĩa và sức hút đối với học sinh.

Điều đặc biệt, lần đầu tiên những bài giảng về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thầy Vàng đưa vào dạy cho học sinh lớp 7. Thầy Vàng kể, từ năm 2007, để thu thập tài liệu, thầy đã đến tất cả các bảo tàng, thư viện, các nhà thờ tiền nhân ở Quảng Ngãi.

Riêng bài giảng tiết thứ 56 “Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa” là khó khăn nhất, bởi thời điểm đó các tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa vẫn còn ít và khan hiếm. Lặn lội ra đảo Lý Sơn để tìm hiểu về Hải đội Hoàng Sa, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tìm gặp hậu duệ của Phạm Hữu Nhật - người phụng mệnh triều đình ra khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

Suốt gần một năm trời thầy bỏ tiền túi trang trải những chuyến đi dài ngày, để ghi chép, sao chụp lại từng trang tư liệu cổ, bản đồ, sắc phong… liên quan đến chủ quyền biển đảo của ta làm tư liệu, hình ảnh trực quan sinh động cho học sinh.

Riêng cuốn Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư - bản đồ vùng Quảng Ngãi do Đỗ Bá soạn ra giữa thế kỷ 17 thầy cất công tìm kiếm nhiều nơi nhưng chưa ra.

Thầy đau đáu không biết ai có cuốn này để ghi chép chụp hình lại làm tư liệu cho bài giảng thêm hấp dẫn. Bởi “Nói có sách, mách có chứng” học sinh mới đam mê với môn Sử, càng trực quan bao nhiêu càng cuốn hút.

Kết thúc mỗi bài giảng, thầy Vàng lại đưa ra những câu hỏi cho học sinh: Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào? Vì sao có đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ? Vì sao Lý Sơn có lễ khao lề thế lính Hoàng Sa... Mỗi tiết học, học sinh đều hăng say giải đáp.

Thấy thầy ngược xuôi vất vả, vợ có lúc than phiền. Nhưng rồi thầy được sự ủng hộ tuyệt đối của cả nhà, nhất là 3 đứa con đang độ tuổi ăn học. “Nhiều khi cũng buồn lắm, nhiều người kể cả công chức nhà nước nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa còn mập mờ, lúng túng. Lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa là lịch sử của cả dân tộc, đáng lẽ phải đưa vào giảng dạy từ lâu”. 

Năm 2008, chương trình học sử địa phương và lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy ở huyện Mộ Đức. Năm học 2012 - 2013, chương trình được áp dụng cả tỉnh Quảng Ngãi, trong đó nội dung bài giảng về Hoàng Sa, Trường Sa của thầy Vàng thu hút sự quan tâm, thán phục của mọi người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.