Thấy gì sau triển lãm tranh giả?

Chữ ký giả còn rất mới trên nền tranh cũ.
Chữ ký giả còn rất mới trên nền tranh cũ.
TP - Với một nền khoa học hình sự như ngày nay chúng ta có, việc giám định bằng các phương pháp lí, hóa, cơ học trên các bức tranh giả là điều không còn khó khăn nữa. Nhưng có lẽ cái vướng ở đây là những qui chế đặc thù cho riêng mĩ thuật.

Suốt hơn tuần lễ vừa rồi báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực vào một triển lãm được tổ chức ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Với tên gọi “Những tác phẩm từ châu Âu về”, triển lãm bày 17 bức tranh của các danh họa gạo cội Việt Nam từ Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng cho đến Nguyễn Tiến Chung, Sĩ Ngọc, Tạ Tỵ.

Chuyện một nhà sưu tập chọn nơi danh giá như Bảo tàng Mỹ thuật để trưng bày bộ sưu tập của mình dường như đã là một thông lệ khắp trong Nam ngoài Bắc. Ngoài việc ở đấy an ninh hoàn hảo ra nó còn ngầm cho ta biết một chuyện khác. Cái nơi trưng bày oai vệ ấy như một lần nữa chứng minh cho người xem về độ tin cậy của tác phẩm nguyên bản. Tất nhiên chỉ với những người xem bình thường. Dân nhà nghề biết quá rõ ngay cả chính tác phẩm bảo tàng treo trong phòng trưng bày của mình cũng khá nhiều phiên bản. Tương đối đáng tin là do chính các tác giả tự sao chép lại tranh tượng của mình. Chẳng đáng tin lắm khi những tranh tượng ấy được thuê thợ chép lại kể cả thợ thuyền ấy được đào tạo bài bản. Tuyệt đối nghi ngờ khi những tác phẩm treo trong bảo tàng ấy chưa bao giờ có một dòng chú thích nào nói về việc nguyên bản hay phiên bản.

Tranh tượng giả mang theo nó cả danh dự một nền văn hóa và những quan hệ xã hội hết sức phức tạp. 

Giờ đây, khi đã có thông cáo ngày 19/7 của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh với nội dung “… - 15 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM là không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện. - 02 bức tranh trong Bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (HS. Tạ Tỵ và HS. Sỹ Ngọc)”. Giới mỹ thuật tạm thời có thể an tâm khi đã có kết luận bước đầu.

Triển lãm đầy tai tiếng này đã gây không ít bức xúc cho các họa sĩ, gia đình họ và toàn thể công chúng yêu mỹ thuật Việt Nam. Chỉ cần nhìn qua ảnh thôi, người cầm bút các thế hệ học trò của những bậc thày này đã có thể kết luận đó là những bức tranh giả được sao chép kém cỏi đến mức khó tin. Đặc biệt hơn, trong số ấy có vài tác phẩm đã in đậm trong trí nhớ nhiều thế hệ cũng được làm giả. Điều này chứng tỏ người tổ chức làm đồ giả đã quá coi thường trình độ của các họa sĩ đương đại. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn còn gay gắt cho rằng “…tôi cảm thấy bị xỉ nhục”. Khủng khiếp hơn nữa, người ta đã trắng trợn tẩy xóa tên của họa sĩ Thành Chương để thay vào đó một chữ kí Tạ Tỵ hết sức nghuều ngoào không giống ngay cả chỉ một chữ kí mà thôi.

Đã có kết luận sơ bộ bằng cảm quan rất đáng tin cậy của những họa sĩ, nhà nghiên cứu uy tín Việt Nam, công việc còn lại cũng không hề ít nếu như chúng ta quyết tâm làm trong sạch thị trường mỹ thuật hôm nay. Những lùm xùm tranh giả đã nảy sinh khá lâu và có nguy cơ phát triển mạnh rất có thể là một đòn chí tử với những cây bút lương thiện nước nhà. Nó nhanh chóng làm mất đi một thị trường còn non trẻ. Nó nhanh chóng tiêu diệt nốt những cảm xúc cuối cùng của người cầm bút. Nguy hiểm nhất, nó làm mất niềm tin của công chúng yêu mỹ thuật vào những giá trị bản nguyên.

Nhà chức trách đang lúng túng với tranh giả, dù đã phát hiện được nhãn tiền. Nó có được coi như sản xuất hàng giả để mà áp dụng luật hình sự cho tội danh này? Bởi vì hàng giả chỉ mang ý nghĩa tài chính là chủ yếu. Tranh tượng giả mang theo nó cả danh dự một nền văn hóa và những quan hệ xã hội hết sức phức tạp. Mặt khác, tranh trong bộ sưu tập cá nhân này là để trưng bày mà không bán tại đây nên chưa thể coi nó là “hàng hóa”. Việc thu hồi tranh giả và tiêu hủy liệu có áp dụng như với hàng giả được hay không? Chúng ta đều chưa có qui định. Bởi vì ta vẫn cấp đăng kí cho các cửa hàng chép tranh và thu thuế hẳn hoi. Và cửa hàng chép tranh trên phố mở tràn lan cũng chưa bao giờ có qui định nào về một hợp đồng bản quyền với tác giả.

Đọc lại bản “Quy chế hoạt động triển lãm mỹ thuật và gallery” dài tha thướt của Cục Bản quyền tác giả-Bộ VH – TT – DL ta cũng thấy thiếu vắng một đề mục hết sức quan trọng. Quy chế này chủ yếu tập trung vào vấn đề nội dung tư tưởng có chống lại Nhà nước hay không; Tác phẩm mang trưng bày có suy đồi trái thuần phong hay không; Có tuyên truyền bạo lực hoặc gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc hay không”; Vân vân… Không có một chữ nào nói đến việc giám định thật giả cho tác phẩm mỹ thuật. Vì vậy khi có chuyện xảy ra, các hội đồng giám định cũng được thành lập một cách tùy hứng. Nghĩa là lúc lập, lúc không mà không phải là chuyện bắt buộc.

Từ trước đến nay những vụ làm tranh giả của các họa sĩ Đào Hải Phong, Lê Thiết Cương, Văn Thơ, Bùi Xuân Phái, Đỗ Phấn, Lê Thanh Sơn v.v… mới chỉ dừng ở mức độ cá nhân lẻ tẻ. Giờ đây có hẳn một triển lãm toàn tranh giả chứng tỏ công nghệ làm giả đã có nhiều biến chuyển theo chiều hướng gia tăng về cấp độ và qui mô. Công chúng có quyền đặt nghi vấn về cả một đường dây làm tranh giả có móc nối với ngoại quốc. Không biết những người quản lí văn hóa đã đặt thành vấn đề nghiêm trọng hay chưa và giải quyết khủng hoảng này như thế nào?

Việc bảo tàng đứng ra tổ chức các sưu tập cá nhân được thực hiện theo cách thức như cho thuê mặt bằng bán bún vịt liệu có đáp ứng được tiêu chí chuyên môn hay không? Dù rằng đội ngũ cán bộ bảo tàng có không ít họa sĩ nhưng họ chưa bao giờ được giao nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm về sự thật giả của tác phẩm được trưng bày. Hoặc nếu giao thì họ có dám nhận không?

Câu chuyện chắc chắn sẽ còn rất dài.       

7/2016

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.