Khi đồ giả vào “Ngôi đền thiêng”

Bức tranh “Trừu tượng” bị coi là giả mạo vẫn được treo tại triển lãm.
Bức tranh “Trừu tượng” bị coi là giả mạo vẫn được treo tại triển lãm.
TP - Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM được dân mỹ thuật coi là “Ngôi đền thiêng”, nhưng tranh bị coi là đồ giả cũng lọt vào.

Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM luôn được giới trong nghề đánh giá cao bởi quá trình hoạt động lâu năm cũng như kinh nghiệm của những người điều hành nơi đây. Với hơn 21.000 hiện vật, trong suốt 27 năm hoạt động, bảo tàng đã có được nhiều bộ sưu tập quý giá như: Ký họa kháng chiến, tác phẩm của các họa sĩ trường Đông Dương, Gia Định; tác phẩm của Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu, Kim Bạch, Đinh Rú, Quách Phong… phản ánh những nét đặc trưng cơ bản của mỹ thuật TPHCM và khu vực Nam bộ… Hằng năm, nơi đây thu hút vài  trăm ngàn người tới tham quan. Tháng 5/2012, bảo tàng được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Vì thế, dân mỹ thuật luôn coi nơi đây là “Ngôi đền thiêng” nên chỉ có những gì tinh tuý nhất, trong sáng nhất mới có thể được đặt chân vào.

Mới đây, khi Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM tổ chức triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” với 17 bức của Bộ tứ huyền thoại Nghiêm-Liên-Sáng-Phái cùng một số họa sỹ khác của Trường Mỹ thuật Đông Dương một thời như Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ…, dư luận cho rằng đây là tranh giả. Căn cứ hồ sơ của triển lãm, đây là những bức tranh do nhà sưu tập tranh Vũ Xuân Chung sở hữu. Các tác phẩm này đã được chuyên gia thẩm định mỹ thuật Jean - Francois Hubert thuộc Trung tâm đấu giá Christie’s International Hong Kong, thẩm định.

Họa sĩ Thành Chương khi đi xem triển lãm đã phát hiện bức tranh mang tên “Trừu tượng” được ký tên Tạ Tỵ là do chính ông vẽ năm 1972. Bằng chứng của những người có trách nhiệm đưa ra như bức ảnh chụp 4 họa sĩ cùng bức tranh phía sau đã bị họa sĩ Thành Chương bác bỏ vì chúng chỉ là tấm ảnh được chỉnh sửa bằng Photoshop. Còn giấy chứng nhận do chuyên gia Hubert xác nhận cho bức tranh thì cũng chưa đủ để làm bằng chứng, bởi ông Hubert dù có uy tín nhưng cũng chỉ là một cá nhân.

Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Trong Tạo, người từng gặp ông Jean - Francois Hubert, nói: “Tôi cho rằng, ông Hubert bị lừa bởi một vài người sưu tập tranh ở Việt Nam. Họ lừa ông bằng cách đưa một tấm ảnh giả có bức tranh trong đó mà trước đó họ đã khéo léo dùng kỹ thuật để xử lý”. Theo ông Tạo, ông Hubert từng nói là ông rất khó chịu với “phong trào” làm tranh giả mang tên các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng. “Ông ấy bảo chuyện này có thể làm cho nền Mỹ thuật Việt Nam sớm lụi tàn”, ông Tạo nói. 

Trong cuộc họp ngày 19/7, Hội đồng giám định chất lượng tranh tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” xem xét và khẳng định, trong số 17 bức tranh trưng bày tại triển lãm, có tới 15 bức không phải là do chính tác giả đứng tên thực hiện, 2 bức còn lại là bị mạo danh.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thành viên Hội đồng thẩm định, cho biết, khi xem các bản trưng bày tại triển lãm, ông cảm thấy chúng quá tệ. “Tôi cho rằng, chúng tệ đến mức không phải chỉ giới chuyên môn mới có thể nhìn ra mà công chúng cũng không khó khăn lắm để nhận thấy là đồ giả”, ông nói. Trước ý kiến của các nhà chuyên môn, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM quyết định tạm giữ cả 17 bức tranh sau khi kết thúc triển lãm vào ngày 21/7, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để làm rõ.

Sau khi có thông tin như thế, ông Vũ Xuân Chung, chủ nhân bộ sưu tập, bất ngờ xuất hiện đe dọa họa sĩ Thành Chương. Ông Chung cho rằng, họa sĩ Thành Chương không được phép đụng vào bức tranh “Trừu tượng” với lý do ông đã phải mua tác phẩm với giá cao tại Paris.

Ngày 20/7, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM chính thức gửi văn bản xin lỗi đến công chúng vì đã chấp thuận để triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” diễn ra tại bảo tàng khi thông tin chưa đủ tính xác thực. Văn bản nêu rõ, 15 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM không phải là bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện. Hai bức tranh trong bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc). Trước mắt, bảo tàng sẽ tạm giữ tất cả 17 bức tranh để phục vụ công tác điều tra.

Có thể bị lừa

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, đại diện Hội Mỹ thuật tham gia Hội đồng thẩm định các tác phẩm trong triển lãm, trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.

Đánh giá của ông sau khi xem các bức tranh trong triển lãm?

Thú thực tôi không thể xem lâu, vì những bức tranh này bị làm giả lộ liễu, tranh vẽ rất xấu, bút pháp vụng về và không phải là bút pháp của các họa sĩ bậc thầy của đất nước. Cảm giác của tôi là không thể chấp nhận một triển lãm gắn với tên tuổi các danh họa mà lại treo những bức tranh rất kém về chất lượng như vậy.

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến một triển lãm bê bối như vậy?   

Tôi được biết triển lãm này ban đầu được ban tổ chức đánh giá rất cao, đặt nhiều kỳ vọng đem tới các tác phẩm của các danh họa hàng đầu đất nước, nguồn tranh lại từ nước ngoài đem về, chuyên môn thì Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM rất tin tưởng vào các nhà sưu tập và chuyên gia nước ngoài hỗ trợ nhà sưu tập. Tuy nhiên, tranh giả là một vấn nạn không dễ giải quyết, có thể bản thân các nhà sưu tầm, các chuyên gia cũng bị đánh lừa.

Sự thật việc họa sĩ Thành Chương suýt bị nhà sưu tập hành hung?

Hội đồng họp kín để đánh giá chất lượng thật giả của các bức tranh nên không mời nhà sưu tập tới dự, chỉ bao gồm các nhà quản lý, các nhà chuyên môn và đại diện các cơ quan liên quan. Việc nhà sưu tập xuất hiện và gặp họa sĩ Thành Chương rồi xảy ra xích mích như báo chí đưa tin là chuyện xảy ra bên ngoài cuộc họp của hội đồng.

Gia đình các họa sĩ phản ứng thế nào về triển lãm?

Gia đình các họa sĩ và các nhà sưu tập đều rất buồn và phản ứng mạnh mẽ về việc triển lãm hàng loạt tranh giả và tranh mạo danh. Họa sĩ Thành Chương đã đến tận triển lãm để bày tỏ quan điểm, còn nhiều người khác biết tin cũng rất phẫn nộ, vì một số bức tranh nổi tiếng hiện vẫn thuộc quyền sở hữu và được lưu giữ trong một số bộ sưu tập.

Cảm ơn ông.

Trần Nguyễn Anh (thực hiện)

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...