Bà bầu bảo tàng

Bà bầu bảo tàng
TP - Trong khoảng 5 năm gần đây danh tiếng Bảo tàng Phụ Nữ VN (BTPNVN) cùng nữ giám đốc thành công trong hành trình cải tổ đã được công chúng biết đến. Cũng là một sự lạ khi văn hóa xem bảo tàng của dân ta chưa cao, và bảo tàng nói chung vẫn bị chê là khô khan, thiếu hấp dẫn.

Vào cuối năm 2015 vừa qua dân trong nghề và du khách yêu thích bảo tàng một lần  nữa tò mò trước hiện tượng thăng hạng bình chọn ngoạn mục của Bảo tàng Công an Hà Nội trên TripAdvisor sau 2 tháng khánh thành. Tác giả của dự án cải tạo nâng cấp BTCAHN chính là giám đốc BTPNVN- Nguyễn Thị Bích Vân.

Khi hỏi chuyện chị Bích Vân về việc đắt sô dự án nâng cấp bảo tàng, trong đầu người đối thoại không tránh khỏi ý nghĩ “hẳn chị kiếm bộn phần trăm?”.

Câu chuyện “lăn như bi” với nghề, hoàn cảnh càng khó càng say nghề, tiết kiệm từng xu cho nhà nước, không thèm tư túi của bà bầu bảo tàng khiến một số người cho là “ca” gàn dở, lập dị.

Xông pha mà phải tỉ mỉ tinh tế

Sau hai mươi năm làm nhân viên, trưởng phòng rồi lên vị trí phó giám đốc tại BTPNVN thời kỳ mậu dịch, cơ hội đến với chị Bích Vân  khi Hội LHPNVN có quyết định nâng cấp toàn phần bảo tàng. Chị Vân được bổ nhiệm làm giám đốc đúng vào lúc chuyển giao giữa hai giai đoạn thoát xác và tái sinh của bảo tàng.

Bà bầu bảo tàng ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhận “Giải thưởng “Điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2014”.

Nghề bảo tàng, đúng như ý của “ông trùm” bảo tàng PGS.TS Nguyễn Văn Huy, không chỉ làm việc trên hiện vật không thôi, mà nó là một tổ hợp tất cả các công việc. Nó như một xí nghiệp. Giai đoạn bốn năm nâng cấp, chị Vân  có lẽ phải kiêm nhiều vai nhất có thể. Chủ công trình quản lý 12 gói thầu liên quan đến xây dựng, chịu trách nhiệm  mỹ thuật, tổ chức nội dung, huấn luyện tay nghề cho nhân viên, bản thân tự mầy mò học hỏi cập nhật cách làm bảo tàng kiểu Tây. Làm việc mỗi ngày từ 12-14 tiếng. Bình thường 8-9 giờ tối chị mới được về, phát sinh thì 2-3 giờ sáng vẫn lang thang ở công trường đợi đón xe chở tượng, tác phẩm trang trí. Có nhiều đêm về  nhà chị bật khóc vì cô con gái hai tuổi không chịu nhận mẹ.

“Chị Bích Vân không chỉ yêu nghề, giỏi nghề mà còn là người có tâm trong công việc. Vừa sáng tạo lại vừa có khả năng tỉ mỉ chi tiết đó là hai mặt tưởng như rất đối nghịch ở người làm công trình văn hoá”.     

Bà Nguyễn Ánh Tuyết

(Phó chủ tịch Hội LHPNVN, giám đốc tiền nhiệm BTPN)

“Từ bỏ tư duy cũ bằng cách học”, chị Vân cuốn các đồng nghiệp vào nghiên cứu, tìm tư liệu trong cả bốn năm xây dựng “vỏ” bảo tàng. Cả tập thể rầm rập chuẩn bị hàng tháng trời tư liệu cho một đợt vẻn vẹn 4-5 ngày tư vấn của chuyên gia nước ngoài. Chị Vân học được rất nhiều từ chuyên gia thiết kế Pháp. Họ kỹ tính và không thỏa hiệp với bất kỳ chi tiết lỡ cỡ nào. Chọn màu sơn cho một kệ tủ có lúc mất tới 4 tháng. Một màu đỏ chẳng hạn phải đưa ra 5 phương án. Có lô sơn phải gửi từ trong TP HCM ra họ mới gật.

Thay đổi cách tiếp cận sự kiện và kể chuyện cho mỗi hiện vật là bước ngoặt quyết định giải cứu những bảo tàng đang chết. BTPNVN hầu như không sở hữu hiện vật đắt tiền hay cổ vật mà hấp dẫn bởi cách xâu chuỗi những vật chứng đơn giản, sống động thành câu chuyện có giá trị. Theo mô hình này, không chỉ bảo tàng Phụ nữ mà nhiều bảo tàng ở VN đã lột xác và hồi sinh. 

Lăn đi tìm từng người khách

Cuối năm 2011, sau 10 tháng mở cửa đón khách với tòa nhà sửa mới và nâng cấp nội dung BTPNVN vẫn vắng ngơ vắng ngắt. Cán bộ bảo tàng lo lắng, tiếc cho đống tiền dự án và công sức cả tập thể đổ vào 4 năm qua. Nhà văn Nguyên Ngọc gặp chị Vân góp ý: “Bảo tàng các chị làm tốt lắm nhưng tôi thấy cái tường rào cao, xa cách thế thì khách người ta sẽ ngại vào”. Chị Vân lúc đó mới giật mình, cả cái sân lớn vẫn đang cho thuê làm bãi đậu ô tô.  Từ ngoài đường nhìn vào thấy nhếch nhác. Bảo tàng xây xong còn thừa khá tiền, có người bảo chị nếu cần giải ngân cho hết họ bày cách cho nhưng chị từ chối. “Nếu tôi là người vơ vét, nhân viên của tôi sẽ ngoảnh lưng lại ngay. Tham tí chênh lệch trong đấu thầu chả được gì mà còn phải trả giá. Luật nhân quả mà. Mình cứ xây đắp, cống hiến đi “nước nổi lo chi bèo chẳng nổi””.

Giám đốc quyết định bỏ nốt số tiền  còn lại từ dự án vào cải tạo không gian ngoài bảo tàng. “Bản sắc màu đặc trưng  mà chúng tôi lựa chọn cho bảo tàng đã tạo hiệu ứng chú ý”. Nhìn từ ngoài, những ô kính màu từ cổng thống nhất phong  cách với các mảng kính màu lớn ốp trang trí tòa nhà. Quán café trong sân  giờ cũng trở thành điểm đến khá nổi tiếng  nhờ bố cục hợp lý và tầm nhìn dễ chịu. 

Cùng với cải tạo cảnh quan, chị Vân có quyết định táo bạo khi kết hợp với Trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ và phát triển Văn hoá (A&C) do quĩ Ford tài trợ xây dựng chuyên đề Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm - Đẹp - Vui.  Đây vốn là đề tài khá nhạy cảm  trong thời điểm hầu đồng chưa chính thức được phép hoạt động. Cơn sốt tham quan gian “Mẫu” đã đưa BTPNVN lên một đẳng cấp mới trong top 3 BT hút khách nhất VN. Chuyên đề giống như một công trình khoa học vừa như tác phẩm nghệ thuật đã được giữ lại vĩnh viễn tại BTPN.

Chị Vân kể “Ngày nào tôi cũng lăn vào gặp từng khách tây, hỏi họ có thích hay chê gì ở bảo tàng. Nếu họ thích tôi nhờ họ mách hộ với bạn bè khi về nước. Tháng 9/2012, BTPNVN bất ngờ nhận được bằng chứng nhận “Điểm du lịch hấp dẫn nhất năm 2012” do TripAdvisor (Trang mạng  du lịch  uy tín nhất thế giới, trụ sở tại Mỹ) trao tặng.

Nhiều người nghĩ BTPNVN chỉ nhắm vào khách tây, trên thực tế 70% là khách Việt. Quan sát thấy nhu cầu khách tăng vào ngày nghỉ, nữ giám đốc quyết định mở cửa 7 ngày mỗi tuần và không nghỉ trưa như nhiều điểm tham quan  khác. Lượng khách tăng vọt và nhân viên cũng tăng thu nhập. Năm 2010, BTPN chỉ có 50 khách mỗi ngày, sau 5 năm đã chạm mốc 300 ngàn khách/năm (trung bình 700 khách/ngày).

Hợp đồng với giám đốc công an

Năm 2014, nhận chịu trách nhiệm dự án thiết kế nâng cấp BTCAHN , chị Vân vừa hào hứng vừa lo lắng. Thời gian và mức tiền đưa ra rất eo hẹp, chị và ekip phải nhận thiết kế toàn bộ hình thức và nội dung của bảo tàng mà trước đó thực ra mang tính chất nhà truyền thống của CAHN. “Ông Nguyễn Đức Chung lúc đó là Giám đốc Công an HN là người tâm huyết với văn hóa nhưng vô cùng bận và cũng vô cùng kỹ tính”.

Bà bầu bảo tàng ảnh 2

Phụ nữ trẻ chiếm số đông trong khách tham quan bảo tàng.

Trong 13 tháng cộng tác, mỗi lần gặp ông Chung chỉ có 5-6 phút để trao đổi với đối tác. Xuống công trình đang tu sửa ông Chung soi kỹ từng chi tiết. Miết tay vào mép tường trát không phẳng hoặc mặt gỗ sơn gợn ông bắt làm lại cho đến hoàn hảo thì thôi. Từ hệ thống kính chịu lực đến chậu cây cảnh trang trí phải có chữ kỹ của chị Vân ông Chung mới xuất tiền. “Tôi yêu công trình này như con, kinh nghiệm 30 năm trong nghề và tinh hoa học được từ BTPNVN dồn hết vào đây”. Ba ngày trước lễ khánh thành, chị Vân bị một phen thót tim. Giám đốc Chung bỗng từ chối nghiệm thu vì phòng số 5B “Công an Hà Nội từ thời kỳ đổi mới đến nay (1986-2015)” quá sơ sài: “Tôi đã trót in giấy mời rồi chứ không thì phải hoãn lễ khánh thành lại”. Cơn tự ái nghề nghiệp nổi lên, trong 3 ngày liền chị Vân cùng ekip chỉ ngủ vài tiếng, còn đâu tập trung vào “phá tung” phòng 5B, tăng thêm nội dung, sửa nội thất. Khó nhất là đưa thêm tư liệu mà không gian không bị rối và vụn. Kết quả là những đoàn khách đầu tiên của lãnh đạo Bộ Công an và  Bộ Văn hóa đã dành  những lời khen nức lòng cho toàn bộ công trình. Các đồng nghiệp nhận xét: “Rất khó thấy tướng Chung cười thế mà hôm khánh thành ông ấy vui, cười suốt”.

PGS, TS Nguyễn Văn Huy đã viết vào sổ bình luận sau khi tham quan BT CAHN: “Có thể coi đây là một mẫu mực trong việc xây dựng bảo tàng ở VN. BT trưng bày sinh động, hấp dẫn mang lại hơi thở mới cho các BT chuyên ngành ở nước ta”. Chị Bích Vân đã chụp lại lời khen của “ông trùm” khó tính và lưu vào ipad để động viên ekip đồng hành suốt ngần ấy năm qua.

Nhiều người gặp chị Vân ngoài đời có chung nhận xét rằng không dễ để kết nối một phụ nữ vẻ mặt mẫn cán, không trang điểm, ăn mặc mộc mạc như cán bộ thời bao cấp với thiết kế màu sắc bắt mắt và sang trọng của hai bảo tàng ăn khách mà chị gây dựng.

Thời điểm hiện tại, dường như nữ giám đốc không bớt bận so với hồi “cải tổ”. Sau cú đúp thành công với hai mẫu bảo tàng khác hẳn nhau, bà bầu bảo tàng rất đắt sô. Đi đâu chị cũng mang theo một tập hồ sơ tài liệu của một cơ số “nhà truyền thống” đang rục rịch nâng đời. Hỏi chị “có thể tiết lộ cơ quan đó?” chị cười hiền lành: “Bao giờ xong thì mình mới nói được”.

Bí quyết truyền cảm hứng

Trong thời điểm bế tắc chiến lược lôi kéo khách, chị Vân và ban lãnh đạo rất hoang mang không biết nên bắt đầu từ đâu. Dùng PR truyền thông hay quảng cáo thông qua các tour du lịch? “Nhờ câu chuyện của một chuyên gia tôi như bừng tỉnh ”. Một bảo tàng huyện ở Thụy Sĩ khánh thành, truyền thông bài bản cũng chẳng thấy khách đến. Nhóm sáu nhân viên quyết định chọn mười đối tượng phụ nữ về hưu, đến từng nhà để trò chuyện. Họ dành 10 tháng, đến nhà gặp từng người, kể chuyện cách họ làm bảo tàng, câu chuyện về tư liệu cụ thể. Cuối cùng 10 cụ bà đã đồng ý đến xem. Thấy hay mỗi cụ lại gọi bạn bè, họ hàng mình đi xem. Sau một thời gian du khách đến huyện là tìm tới bảo tàng đó. Kết thúc rất có hậu. Bảo tàng mới coong không  như địa điểm văn hóa giải trí khác. Không có chuyện vừa mở cửa khách đã ùn ùn. “Mình phải có gì đó để giữ chân một vài người khách lẻ tẻ đầu tiên. Chính họ sẽ làm PR tự nguyện cho bảo tàng bằng cách truyền tai nhau”. Theo chị Vân đây là câu chuyện hay nhất, kiến thức làm nghề thiết thực nhất, lời động viên truyền cảm hứng nhất mà chị từng có.

Nhìn dáng người gầy nhỏ, da xanh xao vượt qua được 4 năm cải tổ cả vỏ và ruột cho BT, nữ chuyên gia thiết kế người Pháp đã nói với chị :  “ Vân ơi mày đã làm được nhiều việc hơn một người đàn ông. Tao sẽ bảo đàn ông bảo tàng khác sang học mày”. 

MỚI - NÓNG