Trịnh Trà My đã kiếm đủ huy chương cho sự “đăng quang” nghệ sỹ ưu tú, danh hiệu cao quí không dễ đạt được với nghệ thuật xiếc: 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc qua hai kì liên hoan xiếc quốc tế được tổ chức tại Liên bang Nga (2012) và Tây Ban Nha (2014).
Trà My sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ cô là diễn viên xiếc kỳ cựu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, một trong những nghệ sỹ đã đưa màn biểu diễn lắc vòng trở nên quen thuộc với công chúng. Thuở bé, cô thường đứng trong cánh gà xem mẹ biểu diễn. Thời của mẹ cô, xiếc đang trong thời kỳ thịnh vượng, những tràng pháo tay của khán giả sau mỗi tiết mục của nghệ sỹ, đã hình thành trong cô ước mơ lớn: Trở thành diễn viên xiếc. Là người trong nghề, mẹ cô hiểu rõ gian truân và hi sinh của một diễn viên xiếc. Nhưng chẳng ai cản nổi giấc mơ của My, khi cô bé “dọa” bố mẹ: “Không cho con trở thành diễn viên xiếc, con bỏ học”. 12 tuổi, Trịnh Trà My chính thức gắn bó đời mình với nghiệp xiếc, bắt đầu bằng 5 năm đào tạo chính quy trong Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Duyên “xuất ngoại”
Tôi gặp Trà My khi cô vừa trở về sau chuyến lưu diễn 16 tháng với tư cách cá nhân tại Pháp. Chuyến đi quá dài khiến cô nhớ nhà, nhớ khán giả quê hương đến độ: “Năm nay, tôi sẽ ở nhà, để đóng góp cho xiếc Việt. Tôi sợ đi nhiều, đi lâu, đồng nghiệp và khán giả quên mình”.
So với những đồng nghiệp cùng hoặc khác thế hệ, Trịnh Trà My may mắn được xuất ngoại liên tục nhờ tham gia những cuộc thi quốc tế cùng những lời mời biểu diễn khắp nơi. Những chuyến đi của cô thường kéo dài vài tháng cho đến trên một năm, thậm chí cô có thể ký hợp đồng biểu diễn nhiều năm ở nước bạn, rồi tiến tới định cư, song cũng giống như nhiều nghệ sỹ khác, với Trà My, quê hương vẫn là “chùm khế ngọt”.
“Nhờ luyện tập vất vả nên trong cuộc sống, các nghệ sỹ xiếc, dù nam hay nữ, đều không ngại khó, ngại khổ”.
Nghệ sỹ Trịnh Trà My
Ở Việt Nam, mỗi buổi biểu diễn phục vụ công chúng của cô tại rạp xiếc quốc gia, chỉ trị giá bằng vài tô phở bình dân, song ra nước ngoài biểu diễn, xiếc có giá hẳn. Nhưng nếu chỉ vì tiền, một cô gái Hà Nội có nhan sắc, không dại chọn xiếc làm nghiệp.
Với người trong nghề và những ai yêu mến xiếc cái tên Trịnh Trà My không xa lạ. Ngay từ khi chập chững vào nghề, cô đã được “chọn mặt gửi vàng” để “đem chuông đi đánh xứ người”, tại Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2012, tổ chức ở Nga. Ngay vị huấn luyện viên cũng không nghĩ cô làm nên chuyện, chỉ mong cô có trải nghiệm, để học hỏi và lớn lên. Chẳng ai ngờ khi tiết mục đế kiếm trên dây lụa của cô gái 19 tuổi đến từ Việt Nam, đã chinh phục ban giám khảo khó tính. Họ đã đồng loạt đứng dậy cổ vũ cho nghệ sỹ trẻ khi tiết mục của cô kết thúc. Huy chương Vàng đã gọi tên cô, trước sự ngỡ ngàng và hân hoan của chính cô cùng đồng nghiệp, gia đình.
Năm 2014, cô tiếp tục được cử dự thi ở một liên hoan xiếc quốc tế tại Tây Ban Nha, qui tụ nhiều quốc gia tham gia với trên 40 tiết mục tranh tài, tiết mục của Trà My lại tiếp tục “rinh” hai huy chương bạc. Khác với ở ta, những huy chương vàng, bạc… trong các kỳ liên hoan nghệ thuật thường được ví như “cơn mưa”, những kỳ liên hoan xiếc quốc tế lớn mà Trà My may mắn được tham gia, giải vàng, bạc thường rất “tiết kiệm”: 3 vàng, 3 bạc, thế thôi. Với 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc quốc tế, Trịnh Trà My đã đủ tiêu chuẩn xét danh hiệu nghệ sỹ ưu tú. Song cô phải chờ 4 năm sau mới đủ tuổi nghề. Nhưng My chưa bao giờ tự bằng lòng. Vẫn chỉ với một tiết mục “đế kiếm”, ngày ngày cô luôn nghĩ tới cách làm mới, làm phong phú hơn tiết mục của mình. Chẳng hạn, sau khi thử thách với ly, cô lại dùng kiếm nghịch bóng, tạo ra tiếng nổ, khiến khán giả giật mình thích thú.
Trịnh Trà My không nhận mình tài năng mà luôn luôn thừa nhận: “Tôi là người may mắn trong sự nghiệp”. Bởi ở các cuộc thi tầm cỡ quốc tế, cô thấy: “Người ta toàn mang đến tiết mục kinh khủng cả. Về kỹ thuật, về phong thái biểu diễn, tôi không bằng đồng nghiệp nước ngoài được. Tiết mục “đế kiếm trên dây lụa” của tôi được thích chẳng qua vì người ta chưa được xem bao giờ”. Ai đã từng xem Trà My biểu diễn “đế kiếm” sẽ nghi ngờ những lời nói của cô ấy. Kỹ thuật không tuyệt, làm sao có thể treo người lơ lửng trên khoảng không, múa may, uốn dẻo đủ kiểu vẫn giữ được thanh kiếm dài gần 1m, nặng chừng 1 kg trong miệng, đã thế mũi kiếm còn bị thách thức bởi bộ li thủy tinh xếp chồng lên nhau? Đồng nghiệp thế hệ trước, đồng thời là sếp của cô, NSƯT Tống Toàn Thắng, chàng Thạch Sanh nổi tiếng của làng xiếc Việt, từng ca ngợi Trà My thế này: Cô ấy không chỉ là người giỏi nghệ thuật, chăm chỉ nỗ lực hết mình cho sự nghiệp mà còn là người hòa đồng, khiêm tốn, lễ phép.
Trịnh Trà My (thứ 2, trái sang) nhận huy chương vàng tại Yakutsk, Nga năm 2012.
Bí mật hàm vuông
Cô hỏi tôi: “Chị có thấy hàm của My bị “bạnh” ra không?”. Thực tình, vì tôi mải ngắm vẻ xinh xắn, dễ thương của cô mà quên không để ý từng bộ phận trên gương mặt. Quan sát kỹ, tôi hơi bất ngờ, bèn chống chế: “Em có biết nàng Scarlett trong “Cuốn theo chiều gió” có điểm đặc biệt gì khiến gương mặt cô ấy trở nên cực kỳ hấp dẫn và sống động không?”. Trà My ngơ ngác, tôi đáp: “Scarlett được nhà văn vẽ: Vuông hàm mà lại nhọn cằm. Cho nên, em hãy yêu đặc tính hàm vuông của mình, đừng lăn tăn gì”. Thì ra, trời không nặn cô giống nhân vật trong tiểu thuyết nổi tiếng của Mỹ mà là nghiệp xiếc đã biến gương mặt cô thành ra như vậy. Bước sang năm thứ 3 ở trường xiếc, cô đã được giáo viên chọn để luyện tiết mục. Gần chục năm liên tục rèn luyện và biểu diễn “đế kiếm” đã khiến hàm của người con gái bỗng thành ra vuông.
Chẳng nói Việt Nam mà ở trên thế giới, chắc tỉ lệ nữ chọn nghiệp xiếc cũng không cao. Đã thế, Trịnh Trà My lại chọn gắn bó với khoảng không, nguy hiểm trông thấy rõ ràng. Không ai xem cô biểu diễn lại không lo lắng thay. Người nghệ sỹ có thể tuột tay khỏi dải lụa, rơi xuống. Hay mũi kiếm sắc nhọn kia, chỉ trong một tích tắc lơi lỏng, có thể quay lại “tấn công” cơ thể diễn viên. Cho nên, ngay từ đầu vào, lớp cô có 60 người, sang năm thứ 3, bước vào chuyên ngành, rụng dần, chỉ còn 22 người. Có người thôi học, do lực học không đáp ứng nhưng không ít người do thua cuộc trước sự vất vả của nghề: “Sái chân tay, đau cơ, ê ẩm là chuyện quá bình thường khi luyện tập”. Trong quá trình tập “đế kiếm” cô thường phải lót áo dày trong ngực, để đề phòng tai nạn bị kiếm đâm. Để có 6,7 phút “đùa” với kiếm trên sân khấu, đã mắt khán giả, cô đã phải trả giá bằng những cơn đau ê ẩm của răng và cổ, mỗi khi trái gió trở giời. Thời gian đầu luyện tập, xương hàm đau buốt đến mức cô không nhai nổi cơm. Đã có lúc My dao động với nghề vì sự khổ luyện nhưng đến bây giờ, đã quen với khổ, thành ra sướng không quen. Để được thăng hoa cùng xiếc, bớt những âu lo “cơm áo gạo tiền”, Trịnh Trà My đang theo học ngành kế toán của một trường đại học. Cô muốn nghề kinh doanh sẽ là nghề tay trái, để nghề tay phải được sống trọn với đam mê.
Xiếc làm khổ gái xinh nhưng cũng đền đáp cô ấy nhiều điều thú vị: Danh tiếng và những chuyến xuất ngoại mở mang đầu óc. Thêm một điều nữa mà cô phải cảm ơn xiếc: “Nhờ luyện tập vất vả nên trong cuộc sống, các nghệ sỹ xiếc, dù nam hay nữ, đều không ngại khó, ngại khổ”. Kết thúc cuộc trò chuyện với tôi, cô lại vội vã trở về rạp xiếc để luyện tập cho chương trình mới chào mừng ngày quốc tế thiếu nhi 1.6. Guồng quay tất bật nhưng cô yêu sự bận rộn, bởi vì những khi nhàn nhã, cô thấy cuộc sống tẻ nhạt, hết ra đường lại về nhà mà ngày vẫn chưa chịu qua.
Khán giả Việt thiếu “sôi”
"Ở nước ngoài, diễn viên làm một động tác, kể cả không cần kỹ thuật lắm, người ta cũng cổ vũ để diễn viên vui hơn. Hay như diễn viên chỉ cần chào, họ đã cổ vũ. Còn ở Việt Nam, nhiều lúc diễn nhiệt tình mà khán giả vẫn thờ ơ làm nghệ sỹ cũng buồn. Những khi diễn viên diễn hỏng, khán giả nước ngoài vẫn chấp nhận và khích lệ, còn ở sân khấu trong nước, nếu diễn hỏng không phải chuyện đơn giản”, Trà My tâm sự. Về độ tuổi khán giả tới rạp xiếc, theo Trà My, tây và ta cũng khác nhau. Ở nước ngoài, nhiều khán giả lớn tuổi mua vé vào rạp thưởng thức xiếc, không thiếu những người cao tuổi hẳn hoi vẫn thích xem xiếc. Còn ở Việt Nam, phần lớn cha mẹ “tháp tùng” con mình tới rạp xiếc.
Cách thưởng thức nghệ thuật của khán giả nước ngoài và khán giả Việt khác nhau, dẫn đến sự thể hiện tình cảm và giao lưu với khán giả của nghệ sỹ cũng khác nhau : “Ở nước ngoài, tôi có thể nháy mắt, nhìn vào mặt họ, hôn gió với họ… Ở nước mình, xem ca sỹ hát thì người ta hú nhưng xem xiếc thì khán giả ít biểu lộ tình cảm. Cho nên khi khán giả không đủ “sôi”, tôi cũng chỉ chào khán giả theo bài bản, còn khi khán giả đủ độ “sôi”, tôi sẽ nhìn vào họ, cười tít mắt”.
Trong mỗi chuyến lưu diễn dài ngày, Trà My có mẹ đi theo, vừa làm quản lý, vừa hỗ trợ cô trong công tác hậu trường.