Lạc bước giữa Bảo tàng Thời gian

TP - Ba mươi nghìn chiếc đồng hồ mới chỉ là một mảng trong khối hiện vật khổng lồ mà một nhà sưu tập kín tiếng đang thiết lập hồ sơ trưng bày trong biệt thự riêng của ông. Với tất cả sự chăm chút cẩn trọng của gia chủ, chưa rõ tới khi nào, bảo tàng tư nhân này mới chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Bộ sưu tập khủng chưa công bố

Ngày cuối tuần đầu tháng năm, một trí thức từng chu du khắp năm châu để viết sách về du lịch hẹn đưa tôi đến một nơi mà theo trí thức này: “Chắc chắn nhà báo lác mắt! Tôi chưa từng biết cá nhân nào trên thế giới sở hữu số lượng đồng hồ lớn cỡ đó, mà chỗ này không phải ai cũng đặt chân đến được!”.

Lạc bước giữa Bảo tàng Thời gian ảnh 1

Mỗi chiếc một vẻ đẹp riêng

Lạc bước giữa Bảo tàng Thời gian ảnh 2

 Một cặp đồng hồ cổ.

Lạc bước giữa Bảo tàng Thời gian ảnh 3

Bản đồ thế giới được điểm bằng đồng hồ 

Cách nội thành Sài Gòn hơn chục cây số, khi chúng tôi đi qua, nhiều khu đầm lầy rộng mênh mông tiếp nối nhau ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh vẫn đang được xe máy hối hả san ủi, tôn nền, cải tạo thành ruộng vườn dưới sự điều hành từ xa của một ông chủ mà dân quanh vùng thường gọi là ông “Long Bonsai”.

Biệt thự rộng hàng nghìn mét vuông, ba tầng lầu xây theo lối kiến trúc Pháp của ông Long nằm sau những dãy chậu bonsai bề thế, trị giá tiền tỷ. Tòa nhà hút mắt khách phương xa trước tiên ở đôi rồng khổng lồ vàng chói ấn tượng ngự trên vòm cửa. Bước vào bên trong, tôi như bị chôn chân trước cơ man các loại đồng hồ đông tây kim cổ được trưng bày khắp nơi, phần lớn trong số đó tuyệt đẹp, tinh xảo.

Cả 3 tầng lầu dành tới hàng chục gian phòng trưng bày 3 vạn chiếc đồng hồ lớn nhỏ đủ kích cỡ. Từ những pho tượng nam nữ thần Hy Lạp, La Mã nâng đồng hồ trên tay, nằm trên giường đồng hồ, đến những chiếc đồng hồ tạo dáng như cây đàn, chiếc đèn, tủ gương, chuỗi trang sức; Từ những chiếc đồng hồ đơn độc, đến những cặp đồng hồ quấn quýt song hành như đôi tình nhân, hay trọn bộ đồng hồ đi kèm lư hương đèn ngủ đặt trên những giá đỡ sang trọng... Và biến tấu đầy sáng tạo về cách trưng bày,  không chỉ có đồng hồ cất tủ, đồng hồ để bàn, mà còn có những mảng tường lớn dùng đồng hồ và dây xích bạc làm điểm nhấn, phân giới địa danh cho những tấm bản đồ huy hoàng từng vùng miền, tỉnh thành của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Dày công quy tụ bảo vật

Chỉ riêng đồng hồ thôi, đã đủ khiến du khách phải ngắm mê mải. Nhưng đâu chỉ có đồng hồ? Trong tòa nhà này còn có nhiều bộ mặt bàn gỗ quý nguyên tấm đường kính cực khủng đặt ở nhiều căn phòng; những bộ bàn ghế gỗ hóa thạch thân sần sùi mặt mài đen bóng, nặng trịch khó nhấc nổi đặt hờ hững ở các góc sân; không ít căn phòng lớn đầy ắp đồ gốm được bày trên những kệ tủ gỗ trắc cẩn khảm tinh vi.

Sau cánh cửa gắn biển “Thanh triều- The Quing Dynasty 1644-1911”, là hàng hàng lớp lớp tủ kệ chạm trổ chứa đựng hàng nghìn bình đĩa, tô chén hoa văn cổ xưa, nhiều chiếc còn nguyên vẹn, màu men lộng lẫy. Dưới tầng hầm, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Cty Du lịch Lửa Việt Tour, người hướng dẫn chỉ cho tôi thấy những dãy kệ có tới hàng nghìn chiếc tô màu men sáng, không có đế úp chồng lên nhau.

“Cái gì đây, chị biết không? Hồi đầu mới nhìn, tôi tưởng loại bát lấy mủ cao su. Sau mới biết đó là chén Tống. Loại chén mời rượu, mời trà thế kỷ 12-13 phải bưng uống cho hết, vì không có đế để đặt xuống được. Có lẽ phải trục vớt cả chuyến tàu đắm mới ra nổi chừng này hàng”.

Lạc bước giữa Bảo tàng Thời gian ảnh 4

Phòng cổ vật gốm đời nhà Thanh

Lạc bước giữa Bảo tàng Thời gian ảnh 5

 Ông Mỹ trong kho chén Tống.

Tôi thắc mắc: Làm sao chứng minh được giá trị thật của hàng vạn món hàng?

Ông Mỹ đưa tôi sang một khu nhà khác, cách đó vài trăm mét. Tại đây, hàng chục nhân viên đang mải mê phân loại, lau chùi hiện vật. Rất nhiều chum, lọ, đá quý đặt chồng chất ở các góc cầu thang, còn tiền xu cổ thì chứa từng lớp dày trong các hộp nhựa. Tôi được biết, ông Long Bonsai đã hợp đồng mời các chuyên gia cổ vật, những giáo sư tiến sĩ tiếng tăm đến thẩm định độ tuổi cho từng món hàng mà ông cất công sưu tầm, trao đổi, mua bán từ trong, ngoài nước về, cẩn trọng lập hồ sơ từng món. Riêng tiền giám định, dán tem cổ vật đã không biết bao nhiêu mà kể. Chính vì phần việc công phu này kéo dài, nên chưa biết tới bao giờ Bảo tàng Thời gian (tên ông Mỹ bảo cứ tạm gọi) mới có thể mở cửa.

 Một đời người tích lũy được bấy nhiêu đã đáng nể. Trong 3 vạn chiếc đồng hồ ông Long sưu tập được, có chiếc ông từng nói thật, giá chỉ vài chục nghìn đồng nhưng cũng có những chiếc trị giá tới 1 triệu USD; Có những chiếc từng được đeo trên tay những nhân vật lẫy lừng tên tuổi; Có chiếc nạm đầy kim cương; Có cặp đồng hồ để bàn bằng vàng, bạc nguyên khối, mỗi chiếc nặng tới hơn 3 kg. Ông Long từng bị kẻ trộm cuỗm mất mấy chiếc đồng hồ quý trị giá tới cả trăm tỷ đồng. Nhưng hàng cổ loại xịn là thứ rất khó bán và ông biết cách khiến chúng phải quay về, nên chẳng bao lâu bọn trộm đã phải hoàn trả đầy đủ tang vật, lại còn kèm thêm một... thùng bia xin tạ lỗi.

Tay chơi độc đáo

Vậy mà ngoài bảo tàng Thời gian này, ông Long Bonsai còn là chủ nhân của Bảo tàng Chu Lai rộng 5 hecta, nằm trên dải bờ biển 11 km mà ông được giao quyền quản lý giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, thuộc địa phận xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành (Quảng Nam), đã mở cửa đón khách tham quan miễn phí từ năm 2012. Tại đó, ông cho trưng bày hàng nghìn cổ vật văn hóa-lịch sử các triều đại Nguyễn, Mạc, Tây Sơn, Hậu Sa Huỳnh, bộ sưu tập đồ sộ về súng thần công. Ông còn đang tiếp tục xây dựng thêm một bảo tàng quân cụ ở Tây Ninh.

Lạc bước giữa Bảo tàng Thời gian ảnh 6


Bà Tố Oanh làm việc sau chiếc bàn gỗ khủng

Lạc bước giữa Bảo tàng Thời gian ảnh 7

Bộ bàn ghế làm bằng gỗ hóa thạch ở góc sân

Lạc bước giữa Bảo tàng Thời gian ảnh 8

 Đồng hồ tạo dáng đèn dầu và đàn piano.

Tôi đến chào một phụ nữ đang mê mải làm việc sau chiếc bàn gỗ lớn ở góc tiền sảnh Bảo tàng Thời gian. Đó là bà Nguyễn Thị Tố Oanh, phu nhân của ông chủ cơ ngơi này. Bà Oanh cho biết: Ông Long tên thật là Phạm Xuân Long, sinh năm 1959 tại Thanh Hóa, từng học qua các ngành xây dựng, luật, kinh tế nhưng phần việc ông “nghiện” nhất, vẫn là kinh doanh, kiếm được bao nhiêu đều dốc vào thú vui sưu tầm và xây dựng bảo tàng phục vụ công chúng. Ông từng trải qua thời thơ ấu nghèo khó, thời trung niên gian nan, từng phải bán đi nhiều xe cộ đất đai để mua cổ vật và giữ chúng đến cùng, quyết không san nhượng cho ai. Hiện bà Oanh sống trên lầu tòa nhà này cùng hai con gái không ai theo nghiệp bố.

Về danh nghĩa, bảo tàng này thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam. Gõ vào mạng thấy vài năm trước công ty này được cấp phép hoạt động với vốn điều lệ ban đầu 10 nghìn tỷ đồng.  

Bí quyết kiếm tiền và sưu tầm nhiều thứ của ông Phạm Xuân Long đến nay hẳn vẫn là điều vô số người phải tò mò. Còn tôi ngưỡng mộ ông về niềm đam mê săn lùng hàng vạn bảo vật, chỉ để xây dựng bảo tàng phục vụ miễn phí cho công chúng, với quan điểm sáng rõ ông đã chia sẻ với vợ con và bè bạn tâm giao. “Cổ vật là của nhân loại, tôi như thủ thư gìn giữ chúng, mong muốn mọi người cùng được chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa-lịch sử của dân tộc, và thế giới”.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.