Thấp thỏm ở Libya

Thấp thỏm ở Libya
TP - Gần 10 ngày tham gia sự kiện giải cứu lao động Việt Nam ở Bắc Phi, cát nóng sa mạc, vô số đôi mắt vọng cố hương của người tị nạn, một mảng trời xanh ngắt tại miền biên viễn có xung đột... ám ảnh tôi đến tận giờ.

Sắp hoàn thành chiến dịch giải cứu lao động Việt ở Libya
> Lao động Việt Nam trong trại tị nạn
> Tới 'địa ngục' ở biên giới Libya - Tunisia

Những phút giây thấp thỏm

Chúng tôi là những nhà báo hiếm hoi đến Ai Cập, quá cảnh Thổ Nhĩ Kỳ, sang Tunisia và tiếp cận biên giới Libya trong những ngày các tổ chức quốc tế, các quốc gia hối hả đi giải cứu người lao động thoát khỏi Libya. Từ đầu hành trình, các nhà báo đã được thử thách lòng kiên nhẫn bằng một lệnh hủy (không cho báo chí theo chiến dịch) của lãnh đạo Bộ LĐTB&XH vào phút chót (dù visa, hành lý đã sẵn sàng chờ giờ xuất kích). Sau đó lại có tin cho phép đi. Cứ như vậy, thấp thỏm đến vài lần. Cuối cùng, vào 1 giờ sáng, chuyến chuyên cơ xuất phát và chúng tôi đã có mặt. Chiếc Boeing 777 rộng thênh, đoàn công tác đặc biệt có 2 thứ trưởng của Bộ LĐTB&XH và Bộ Ngoại giao cùng tham gia. Biết được tính phức tạp của chuyến đi nên hầu như mọi người đều nghiêm túc với kế hoạch. Riêng phóng viên Tiền Phong, Ban Biên tập lúc đầu đã dự kiến thuê áo chống đạn và điện thoại vệ tinh phòng khi truyền bài giữa sa mạc hoặc ở nơi không có internet. Tuy nhiên, do gấp gáp nên không thuê được 2 món “bảo bối” kia.

Trên chuyên cơ, cánh phóng viên dường như không ngủ. Cạnh chỗ tôi ngồi, nhà báo Trung Kiên và Ngọc Tuấn (Đài Truyền hình Việt Nam) ôm máy quay thao thức. Cách đó mấy hàng ghế, Mạnh Quân (Sài gòn Tiếp thị) đang đọc sách. Trước chuyến đi, chúng tôi không lạ với những thông tin về bạo loạn ở Ai Cập hay Tunisia. Hơn 10 tiếng bay, chuyên cơ hạ cánh sân bay quốc tế Cairo. Một bầu không khí ngột ngạt chào đón. Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Phạm Sỹ Tam dẫn cánh nhà báo và đoàn công tác đi vòng vèo tới một khu cách ly lưu giữ lao động Việt Nam. Phía ngoài cửa có lính canh bồng súng. Chỉ có lãnh đạo đoàn công tác được vào nói chuyện với người lao động. Cánh báo chí ngồi hóng hớt từ xa. Vài lần lén chụp hình đều bị lính canh lừ mắt dọa.

Ai Cập những ngày đầu tháng 3 căng thẳng với lệnh giới nghiêm, nhưng cánh báo chí vẫn quyết thuê xe đi tìm hiểu tình hình. Thủ đô Cairo và khu du lịch Kim Tự tháp vắng bóng người nước ngoài. Từng đàn lạc đà, ngựa, la... ế khách đứng tụm một góc tránh nắng. Trong thành phố, xe tăng án ngữ, lính gác bồng súng tại các cửa ngõ. Ngay giữa biển người biểu tình nơi quảng trường Tahrir (nơi một số nhà báo từng bị hành hung, có nhà báo bị hiếp khi tác nghiệp), chỉ có đài truyền hình Ai Cập và các phóng viên Việt Nam. Ngày đầu tiên, chúng tôi bị kẹt 4 tiếng trong dòng xe tắc cứng ở thủ đô Cairo. Về tới khách sạn đã gần 12 giờ đêm. Ba giờ sáng, chúng tôi lại gọn gàng hành lý chuẩn bị bay quá cảnh Thổ Nhĩ Kỳ để sang Tunisia.

Các nhà báo VN ngồi tại sân bay Djerba truyền tin, bài về nước
Các nhà báo VN ngồi tại sân bay Djerba truyền tin, bài về nước.

Lúc này, có một phát sinh, hầu như cánh báo chí chưa có thị thực vào Tunisia. Chúng tôi chọn cách đi mạo hiểm của dân du lịch bụi là xin thị thực tại sân bay nhập cảnh vào Tunisia (trước đó có nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập xác nhận bằng công hàm). Tình hình tiêu cực tại sân bay ở Tunisia khiến chúng tôi lo lắng sẽ bị từ chối cấp thị thực. Tuy nhiên, khi nghe nói đây là đoàn nhà báo Việt Nam tham gia tổ công tác đưa lao động Việt Nam về nước, các quan chức nhập cảnh tại sân bay xử lý khá mau lẹ.

Những ánh mắt vọng cố hương

Biên giới Tunisia và Libya. Trời xanh ngắt. Thi thoảng, trực thăng quần đảo trên đầu trông như đám nhặng đang gây nhiễu. Dưới mặt đất bụi mù là những tiếng gào thét bằng đủ loại ngôn ngữ và những ánh mắt vọng cố hương đến khắc khoải của người Bangladesh, người Ai Cập. Có vẻ như người phiên dịch (chúng tôi thuê) chuyển ngữ tiếng Ả rập ra tiếng Anh cũng bất lực. Anh ta hầu như câm lặng trước khung cảnh tựa địa ngục. Chợt thấy một nhóm người lao động Việt Nam ngồi sát cửa khẩu. Trông họ bình thản, chỉ than thở một chút là thời tiết giữa ngày và đêm chênh nhau, khắc nghiệt.

Những chuỗi ngày sau đó, phóng viên Tiền Phong và các báo với hành trình: Từ sân bay Djerba tới biên giới Libya (khoảng 150 km) và vào trại tị nạn của Liên hợp quốc. Dường như từng gốc ô liu cổ thụ, từng đụn cát sa mạc hay quán cá tươi dọc đường lên biên giới đã thành thân quen. Có những lúc, do mải tác nghiệp, chúng tôi đã phải dùng đồ cứu tế của các Hội Chữ Thập Đỏ cho qua bữa. Cũng may, Djerba là một thành phố du lịch nên việc thuê khách sạn nghỉ đêm không khó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG