Trên con đường tìm kiếm tài năng Việt, 20 năm là chặng đường đủ dài để chúng ta nhìn nhận lại, ghi nhận những thành quả và nhận diện khó khăn, qua đó đúc rút kinh nghiệm, lấy cảm hứng mới cho chặng đường tiếp theo. Sau khi được tôn vinh, câu hỏi mà tất cả chúng ta và những người trân quý các tài năng đặc biệt quan tâm là “Với 20 năm ấy, các tài năng đã đi đâu, làm gì, toả sáng hay lụi tàn?”. Câu hỏi đó đã được giải toả tại cuộc hội ngộ ấm cúng diễn ra chiều 21/3.
Để kịp hội ngộ, có những người đã phải đi nửa vòng trái đất từ Mỹ về như anh Nguyễn Anh Tuấn. Gặp lại những gương mặt xuất sắc trong lần vinh danh đầu tiên (năm 1996), anh Tuấn xúc động: “Hôm nay, chúng ta đều có chung cảm xúc khi được hội ngộ tại đây. Một giải thưởng mà tôi không bao giờ quên trong cuộc đời. Đó là ngọn lửa đánh thức tôi khám phá năng lực bản thân, khẳng định mình để tiếp tục phấn đấu xứng đáng với phần thưởng cao quý đó”.
Nguyễn Minh Phú được vinh danh năm 1993. Phú là nạn nhân chất độc da cam, khi sinh ra đã không có hai tay. Nước mắt rưng rưng, Phú kể về quãng thời gian vượt lên số phận, vươn lên trong học tập, trở thành học sinh giỏi trong nhiều năm liền. “Em chỉ ước mong sau này mình trở thành một doanh nhân thành đạt và một diễn giả như Nick Vujicic để có thể truyền cảm hứng cho những người cùng cảnh ngộ, chàng sinh viên Trường ĐH Công nghệ TPHCM ao ước.
Ông Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên, Đại biểu Quốc hội khóa 13, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội bồi hồi: “Mỗi người hội tụ về đây có hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, có người đã hy sinh, có người không thể tự giới thiệu về mình mà phải nhờ người khác cầm micro… Nhưng điểm chung nhất là mọi người đều chung danh hiệu Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Hôm nay, chúng ta về với nhau như sum họp trong một mái nhà chung”.
Từ cuộc hội ngộ đặc biệt 20 năm của 200 con người xuất sắc nhất toát lên thông điệp các tài năng trẻ - những người đại diện xuất sắc nhất cho thế hệ mình, cần kết nối, đoàn kết lại vì mục đích cống hiến và lan tỏa. Cống hiến và lan tỏa, đó là trách nhiệm và vinh dự của những tài năng.
Danh sỹ Thân Nhân Trung dưới thời Vua Lê Thánh Tông và Lê Hiến Tông từng nói “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Câu nói đó đến nay vẫn nguyên giá trị. Sự trường tồn của một quốc gia nằm ở chính tài năng của mỗi người trong quốc gia đó. Chúng ta đã thắp lên ngọn lửa đam mê và trên hết giữ cho ngọn lửa đó mãi toả sáng.