Thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của DNNN

TPO - Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011- 2017, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Chưa công khai, minh bạch trong định giá, mua bán tài sản

Sáng 15/6, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Nghị quyết đánh giá, công tác cổ phần hóa đạt được một số kết quả tích cực. Sau cổ phần hóa, nhìn chung hoạt động của doanh nghiệp minh bạch hơn; hầu hết các doanh nghiệp có quy mô, cơ cấu nguồn vốn hợp lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, bất cập và vi phạm pháp luật trong kinh doanh, nguyên tắc thị trường, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính. Chưa  hoàn toàn tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu, còn tình trạng chưa bảo đảm công khai, minh bạch trong việc định giá, mua bán tài sản của doanh nghiệp nhà nước. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với vị trí và nguồn lực được giao quản lý, sử dụng.

Một số dự án đầu tư quy mô lớn nhưng triển khai chậm, không hiệu quả, thất thoát, lãng phí; hoạt động đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, đầu tư ra nước ngoài nhìn chung hiệu quả thấp. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao. Mô hình quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới. Việc thu hút nhà đầu tư chiến lược còn hạn chế. Vẫn còn vi phạm về công tác quản lý tài chính trong quá trình cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, nhất là xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp nhà nước; quản lý sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty còn tồn tại, hạn chế.

Những hạn chế, vướng mắc, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chồng chéo, thiếu thống nhất với một số luật khác. Việc xử lý, cơ cấu lại một số tập đoàn, tổng công ty, dự án đầu tư thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm.

Thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của DNNN ảnh 1 Từ một bãi đỗ xe, khu đất 1,5ha tại số 6 Lê Văn Thiêm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã được “hóa phép” trở thành dự án nhà ở Thanh Xuân Complex. Mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị thanh tra dự án này có dấu hiệu làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Hoạt động kiểm tra, giám sát của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra, việc kiểm soát nội bộ chưa thường xuyên, kém hiệu quả. Công tác tổ chức cán bộ chưa tốt, năng lực quản lý còn bất cập, trách nhiệm chưa rõ, một số trường hợp cố ý vi phạm quy định của pháp luật gây lãng phí và hậu quả nghiêm trọng.

Đến năm 2020 xử lý dứt điểm các DN vi phạm pháp luật

Để khắc phục những hạn chế, bất cập, thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản khác có liên quan.

Đến năm 2020 xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp. Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2019). Gắn kết quả của việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước.

Quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước.

Tiếp tục rà soát, tách bạch giữa những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế hoặc lĩnh vực công ích mà Nhà nước cần nắm quyền chi phối với những lĩnh vực nên huy động vốn đầu tư từ xã hội; xác định tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp ở mức hợp lý nhằm thu hút nhà đầu tư bên ngoài và thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp một cách thực chất.

Rà soát diện tích đất của các doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực hiện việc xác định giá đất cụ thể phù hợp với quy định của Luật Đất đai để xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, tính đúng, tính đủ tiền thuê đất của doanh nghiệp, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Quản lý chặt chẽ, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, bảo đảm tuân thủ phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp; trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án đã được phê duyệt thì tổ chức thu hồi và đấu giá công khai theo quy định của pháp luật; nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật đất đai về thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai. Tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011- 2017, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2019).

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện vi phạm và có biện pháp xử lý, khắc phục; thực hiện nghiêm, dứt điểm các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, có chế tài xử lý đối với các trường hợp không thực hiện, chậm thực hiện kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước...

Quốc hội cũng giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp và việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017, báo cáo Quốc hội kết quả tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 năm 2019).

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.