Thành phố đầy ắp yêu thương

0:00 / 0:00
0:00
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn biểu diễn phục vụ 10.000 bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến (Ảnh tư liệu của nghệ sĩ)
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn biểu diễn phục vụ 10.000 bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến (Ảnh tư liệu của nghệ sĩ)
TP - Kể từ cột mốc giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 tại TPHCM bắt đầu từ 0 giờ ngày 9/7/2021 đến hôm nay vừa hơn một tháng. Cuộc sống tại thành phố phương Nam đã đổi thay tới mức có lẽ không ai nhận ra, không ai đoán trước được. Nhưng nơi đây có một thứ không bao giờ đổi thay, đó là tình người ấm áp sẻ chia.

Nhà văn chung sức

Trong bài thơ “Chưa bao giờ thành phố mình như thế”, tác giả Trần Thế Tuyển đăng trên trang thơ của Hội Nhà văn TPHCM, có những câu:

“Chưa bao giờ thành phố mình như thế

Cửa đóng, then cài nhưng tràn ngập niềm tin

Rồi mai đây mặt trời tỏa sáng

Thành phố mình lại rực rỡ, bình yên !”

Cuộc chiến chống COVID-19 tại TPHCM đã trải qua một tháng với nhiều khó khăn, thử thách và nhiều niềm tin lạc quan.

Ngày 7/7/2021, UBND TPHCM họp đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 và đưa ra quyết định áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0h ngày 9/7/2021. Thời điểm đó, thành phố đang điều trị 7.118 bệnh nhân dương tính mới với SARS-CoV2. Tính đến 18 giờ ngày 9/7, Việt Nam có tổng cộng 24.103 ca ghi nhận trong nước.

Sau tròn một tháng giãn cách, bản tin tối ngày 9/8/2021 của Sở Y tế TPHCM cho biết: “Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4, đến nay Thành phố đã có 125.795 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố”. Như vậy, có hơn 100.000 ca nhiễm mới chỉ riêng tại TPHCM trong ba mươi ngày qua. Biến chủng vi rút mới đã tấn công bất ngờ toàn thế giới, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.

Thành phố đầy ắp yêu thương ảnh 1

Nhà văn Bích Ngân (phải) Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM trao quà cho Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức. Ảnh: Hội nhà văn TPHCM

Tại cuộc họp ngày 7/7, UBND TPHCM đã triển khai kế hoạch điều trị 10.000-20.000 ca nhiễm, phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, nhưng thực tế sau đó số ca nhiễm đã tăng lên rất nhanh mỗi ngày, cao điểm có ngày 4.000 - gần 5.000 ca nhiễm mới. Ngành Y tế chịu áp lực rất lớn.

Trong cuộc chiến “Chống dịch như chống giặc”, người dân và chính quyền đã đồng thuận và sát cánh cùng nhau. Mỗi người bằng những cách khác nhau đều cố gắng góp phần đẩy lùi đại dịch. Để giúp đỡ lực lượng tuyến đầu, Ban nhà văn nữ (Hội Nhà văn Việt Nam), Ban Công tác hội viên và Ban Nhà văn nữ của Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức vận động quyên góp từ các nhà thơ, nhà văn, các độc giả.

Lời kêu gọi được hưởng ứng, các nhà văn Thanh Kim ủng hộ 3 triệu đồng, Cao Xuân Sơn ủng hộ 5 triệu đồng, Đào Văn Sử góp 2 triệu đồng, Hoa Đăng ủng hộ 5 triệu đồng… Hội Nhà văn đã trao tặng Bệnh viện Thủ Đức số tiền 100 triệu đồng.

Thành phố đầy ắp yêu thương ảnh 2

Sư cô Nhuận Bình đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 12 - TP.Thủ Đức

Nhận sự ủng hộ của các nhà thơ, nhà văn, bác sĩ Nguyễn Lan Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức cảm động nói: “Đây là sự trợ giúp quý báu, kịp thời và ý nghĩa”.

Người đẹp chung tay

Từ ngày 7/7 đến nay, căn bếp nghĩa tình của câu lạc bộ “Suối mát từ tâm” với các hoa hậu, á hậu như Tiểu Vy, Kiều Loan, Phương Anh, Ngọc Thảo… nấu, chuẩn bị hàng ngàn suất ăn mỗi ngày phục vụ lực lượng tuyến đầu và bà con khu vực cách ly.

Người viết bài này đã chứng kiến mỗi ngày, “Suối mát từ tâm” đều đặn cung cấp hàng ngàn suất ăn cho lực lượng tuyến đầu và khu vực 21.000 hộ dân bị phong tỏa tại Quận 7, TPHCM, trong đó có người dân đường Bùi Văn Ba, một điểm giãn cách khó khăn trong việc tiếp tế thực phẩm. Tổng hợp từ 7/7-8/8, “Suối mát từ tâm” của các người đẹp và nghệ sĩ TPHCM đã cung cấp 43.219 suất ăn cho tuyến đầu và người dân vùng bị phong tỏa.

Tiếng kèn phục vụ 10.000 F0

Những người dân TPHCM, giữa đại dịch vô cùng khó khăn, vẫn cần tới nghệ thuật. Chính sức mạnh của nghệ thuật sẽ truyền cảm hứng cho con người, đem đến niềm lạc quan và sự chia sẻ. Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã chỉ đạo Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM thực hiện chuỗi chương trình văn nghệ và tư vấn tâm lý - sức khỏe phòng chống dịch Covid-19 với chủ đề “Khúc ca đồng lòng” để phục vụ khán giả trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Các nghệ sĩ hàng đầu của thành phố, bất chấp hiểm nguy đã và đang đem tiếng hát lời ca của mình tới các bệnh viện dã chiến. Đó là Rocker kỳ cựu Phương Thanh, saxophone Trần Mạnh Tuấn, nghệ sĩ Quốc Đại, Ái Phương, Ngọc Linh…

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nói với phóng viên Tiền Phong: “Lần đầu tiên Trần Mạnh Tuấn thổi kèn phục vụ 10.000 bệnh nhân F0, trong lúc biểu diễn, muốn khóc vì xúc động. Là một nghệ sĩ, chúng tôi đem đến những tác phẩm nghệ thuật tốt đẹp nhất cho tất cả người dân TPHCM và các nơi khác, mong đất nước sẽ sớm vượt qua đại dịch”.

Trần Đình Thạch Thảo, một người đẹp, người mẫu thường tham gia các cuộc hiến máu nhân đạo trong sự kiện “Chủ Nhật Đỏ” của báo Tiền Phong đã nấu cơm từ thiện phát miễn phí cho người dân trong khu vực của cô. Thạch Thảo có biệt danh mới là “cô rau muống” vì thường tổ chức tiếp tế rau củ quả vào các khu phong tỏa. Cô cũng không quên lên mạng xã hội kêu gọi mọi người đi hiến máu để cứu người giữa đại dịch.

Người đẹp Trịnh Kim Chi đã có sáng kiến kêu gọi sự ủng hộ thuốc men cho những bệnh nhân F0 và người thân của họ điều trị tại nhà.

Hiện tại, do bệnh viện quá tải, nên các ca F0 nhẹ tại TPHCM sẽ tự điều trị tại gia. Người đẹp Trịnh Kim Chi đã kêu gọi được 3 đợt cấp phát thuốc miễn phí cho các F0 theo đơn thuốc các bác sĩ. Cô nói: “Chúng tôi đang làm hết sức mình có thể để giúp các bệnh nhân”.

Nữ tu vào tâm dịch

Trước tình hình tuyến đầu thiếu nhân lực, hưởng ứng lời kêu gọi của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, có hơn 600 tăng, ni, Phật tử đã đăng ký phục vụ tại các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Từ ngày 22/7, lực lượng “đặc biệt” này đã có mặt tại nhiều bệnh viện dã chiến, trong đó có rất nhiều ni sư, nữ Phật tử đang theo học ngành y hoặc có kiến thức chuyên môn.

Sau tròn một tháng giãn cách, bản tin tối ngày 9/8/2021 của Sở Y tế TPHCM cho biết: “Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4, đến nay Thành phố đã có 125.795 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố”. Như vậy, có hơn 100.000 ca nhiễm mới chỉ riêng tại TPHCM trong ba mươi ngày qua.

Sư cô Nhuận Bình đã viết tâm thư từ Bệnh viện dã chiến số 12 - TP.Thủ Đức những dòng như sau: “Ngày 7/8/2021. Chúng tôi tình nguyện dấn thân ra tuyến đầu vì sự bình an của tất cả các bạn. Nơi đây, dù mỗi ngày đối diện nhiều nguy cơ lây nhiễm, nhưng, chúng tôi vẫn làm hết công suất bất kể đêm ngày, mưa nắng để lưu giữ mạng sống cho tất cả mọi người. Vì vậy, chúng tôi có ước muốn nhỏ thôi, rằng mọi người cố gắng bảo vệ tốt sinh mạng của mình, hạn chế giao lưu, không đi ra ngoài, thực hiện tốt 5k. Chấp nhận xa nhau để được gần nhau trong thời gian sớm nhất. Không chấp nhận tách nhau lúc này, có nguy cơ mình mất nhau mãi mãi”.

Câu chuyện cảm động về 8 nữ tu dòng Đa Minh Tam Hiệp thuộc Tu viện Mẹ FATIMA, Phú Nhuận: Nhiều ngày qua, 8 nữ tu miệt mài nấu cơm từ thiện, tự tay chở đi giao vào các vùng giãn cách có nhiều F0. Có những ngày họ làm “phu khuân vác”, chuyển vào tu viện cả xe tải hàng tấn gạo, những xe hàng chục tấn rau quả. Rồi quay ra nấu nướng, giao cơm bằng những chiếc xe máy cũ. Sơ Maria Nguyễn Thị Hồng Quế nói với Tiền Phong: “Tu viện không phát phiếu gì cả, không phân biệt tôn giáo, ai cần giúp thì tu viện cố gắng hết sức để giúp đỡ mọi người trong đại dịch này”.

MỚI - NÓNG