Bác sĩ từ 'tâm dịch' TPHCM hiến kế chống COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Bác sĩ từ 'tâm dịch' TPHCM hiến kế chống COVID-19
TPO - Tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM vẫn đang diễn biến phức tạp khi số ca mắc và tử vong vẫn tăng cao. Góp thêm tiếng nói chống dịch COVID-19 cho TPHCM đạt hiệu quả, sớm đẩy lùi  dịch bệnh, Tiền Phong đã có những trao đổi với các bác sĩ đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TPHCM. 

Bác sĩ Hồng Đông- Bệnh viện Quân dân y Miền Đông: Quan tâm điều trị ở tầng 2-3

Theo tôi nên cấp mã số xét nghiệm RT- PCR cho các đơn vị đủ điều kiện và năng lực thay vì chỉ được chuyển mẫu đến một số bệnh viện được chỉ định, khiến cho mẫu bị quá tải, dẫn đến việc ùn ứ, chậm trả kết quả, cản trở việc tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân kịp thời! Tôi được biết, hiện có nhiều cơ sở y tế có khả năng chạy và trả kết quả cho hàng ngàn test mỗi ngày.

Ngoài ra, cần tăng cường trang bị thêm các trang thiết bị cần thiết cho Bệnh viện điều trị ở tầng 2-3 để điều trị sớm và tích cực cho bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh nhân chậm được cấp cứu, điều trị làm bệnh diễn tiến nặng hơn, giúp giảm tải cho Bệnh viện ở tầng 4-5. Điều phối và phân bổ hợp lý lực lượng bác sĩ chuyên khoa Hồi sức tích cực và Hô hấp được tăng cường từ phía Bắc vào cho các bệnh viện để sử dụng hiệu quả lực lượng quý giá này.

Bác sĩ từ 'tâm dịch' TPHCM hiến kế chống COVID-19 ảnh 1

Lực lượng y tế ở TPHCM gồng mình chống dịch hơn 2 tháng qua. Các bác sĩ hiến kế nên tăng cường khẩn cấp nhân lực ICU, lập nhiều đội hỗ trợ lưu động, hỗ trợ tư vấn online

Thống nhất phân loại bệnh nhân và phân tầng nhân lực hỗ trợ từng nhóm. Ví dụ, tiêu chí nào thì cách ly tại nhà, nhận biết thể nhẹ không nguy cơ và thể nhẹ có nguy cơ, thể trung bình hay thể nặng, thể nguy kịch để có thể hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, cần tăng cường khẩn cấp nhân lực ICU, lập nhiều đội hỗ trợ lưu động, hỗ trợ tư vấn online….

Tăng cường cơ sở vật chất, thuốc men, vật tư, đồ dùng, thiết bị, máy móc...Đây là phương tiện cứu người, không có phương tiện thì không thể giảm và hạn chế tử vong.

TS.BS Đỗ Thị Vân Anh - ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Cần minh bạch thông tin từ giường bệnh đến vắc xin

Theo tôi, hiện nay, nhiều bệnh viện đóng cửa không nhận bệnh nhân, do quá tải, thế nhưng người dân không nắm được thông tin bệnh viện nào còn hay hết chỗ, khiến cho có những gia đình gọi cấp cứu không được, đã đưa người thân mắc bệnh chạy hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, vừa mất thời gian, vừa mang tâm lý bất an, hoảng loạn.

Vì vậy, theo tôi, nếu được thì, tất cả bệnh viện, cần báo cáo cập nhật hàng ngày và công khai các chi tiết như số giường cấp cứu dành cho bệnh nhân COVID-19, số giường có oxy còn chưa sử dụng, số máy thở dòng cao HFNC chưa sử dụng, dự trữ oxy cao áp. Sẵn sàng có chỗ trống tại các bệnh viện tầng 1, tầng 2, tầng 3 để tiếp nhận bệnh nhân từ cộng đồng chuyển vào.

Bác sĩ từ 'tâm dịch' TPHCM hiến kế chống COVID-19 ảnh 2

Các bác sĩ cho rằng nên minh bạch thông tin giường bệnh, máy thở ở các bệnh viện để điều phối bệnh nhân

Ngoài ra, một số vị trí trung chuyển là các điểm thu dung bệnh nhân tại các quận, đang tạm sử dụng trường học, phải có bình oxy. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể tạm chuyển từ các phường lên đây cho bệnh nhân thở oxy, tiêm kháng viêm, tiêm kháng đông cấp cứu. Khẩn trương hoàn thành xây dựng, trang bị và đưa các bệnh viện dã chiến có giường hồi sức vào hoạt động, để tất cả yêu cầu chuyển viện từ địa phương lên các bệnh viện phải được giải quyết.

Đối với vắc xin, hoàn thành độ phủ 70% dân số thành phố được chích liều 1 là cần thiết. Vắc xin loại gì cần được công khai, minh bạch. Nếu thiếu vắc xin, cũng cần công khai minh bạch cho người dân cảm thông.

Bác sĩ Danh Thơm- Phó khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM: Làm thật, đừng chỉ nói!

Trước mắt trong khi chờ vắc xin và tác dụng của vắc xin, ngoài việc cách ly, giãn cách xã hội thì cần tăng cường các khoa cấp cứu hồi sức ngay tức khắc. Xin hãy làm thật luôn, đừng hô hào trên lý thuyết, trên văn bản.

Theo tôi, bằng mọi cách nhanh nhất đưa người nhiễm COVID-19 có biến chứng chủ yếu viêm phổi đến bệnh viện bằng xe cấp cứu. Hiện tại, bệnh nhân phần lớn được người nhà hoặc các nhóm thiện nguyện đưa vào, qua không biết bao nhiêu chốt chặn, thủ tục rườm rà, nhiêu khê…

Bác sĩ từ 'tâm dịch' TPHCM hiến kế chống COVID-19 ảnh 3

Cần phân tiêu chí nào thì cách ly tại nhà, nhận biết thể nhẹ không nguy cơ và thể nhẹ có nguy cơ, thể trung bình hay thể nặng, thể nguy kịch để có thể hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, hãy để các bệnh viện tiếp nhận hỗ trợ từ các mạnh thường quân và các tổ chức nhanh nhất, đặc biệt là trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất. Hạn chế thủ tục hành chính một cách máy móc, làm lỡ nhiều cơ hội trong việc khám chữa bệnh.

TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy: Cần thay đổi cách làm

Tôi nghĩ hiện chúng ta đang làm nhiều nhưng hiệu quả không cao. Cần thay đổi chính sách và cách làm như: Ngưng xét nghiệm tầm soát F0 diện rộng, chỉ thực hiện tại các khu công nghiệp; Tổ chức nhóm xét nghiệm phối hợp tiêm chủng nhanh và an toàn; Lập nhiều đội tiêm chủng tại địa phương, không để dân tập trung quá đông một chỗ. Người dân phải được test nhanh trước tiêm chủng. Nếu kết quả âm tính thì mới tiêm, vì nếu dương tính mà tiêm sẽ không có tác dụng, trong khi vắc xin còn thiếu và nhiều người cần; ngành Y tế chú trọng tăng cường chất lượng điều trị tuyến đầu, để ngăn ngừa vào nặng.

Bên cạnh đó, công nghệ truyền thông cũng cần tập trung như lập mạng thông minh để điều phối hoạt động chống dịch hiệu quả. Hiện có rất nhiều ứng dụng (app). Ứng dụng nào cũng yêu cầu khai báo, trong khi người dân không biết rõ cái nào chính thống.

Bác sĩ Uyên Nhi- Bệnh viện Thu dung điều trị COVID-19 số 12: Chia bệnh nhân theo nhóm đối tượng để theo dõi

Theo tình hình thực tế gần đây cho thấy bệnh trở nặng ở nhà, tử vong tại nhà do cấp cứu không kịp hoặc không có nơi nhận xảy ra rất nhiều. Trong khi đó, biểu hiện tỷ lệ giảm oxy máu thầm lặng rất cao. Tôi thấy có vài thống kê lên tới 20-40% các ca nhiễm giảm oxy máu, nếu không phát hiện kịp thời bằng đo Sp02, KMĐM thì trở nặng rất nhanh.

Bác sĩ từ 'tâm dịch' TPHCM hiến kế chống COVID-19 ảnh 4

Bác sĩ hiến kế rằng người dân phải được test nhanh trước chích, nếu kết quả âm tính thì mới chích, vì nếu dương tính chích sẽ không có tác dụng, trong khi vắc xin còn thiếu và nhiều người cần

Theo tôi, để phát hiện kịp thời, chỉ có một giải pháp là theo dõi, cần có nguồn nhân lực theo dõi và có đội ngũ hồi sức để phát hiện và cấp cứu kịp thời trước khi chuyển đến các trung tâm hồi sức. Bởi, thực tế cho thấy, những ca béo phì, trên 60 tuổi, bệnh nền, SpO2 ban đầu thấp, rất dễ trở nặng.

Vì vậy, nên chia bệnh nhân theo nhóm đối tượng. Đối tượng F0 trẻ khoẻ, không nguy cơ, nhóm này y tế địa phương theo dõi tại nhà; Đối tượng có yếu tố nguy cơ trở nặng, được tập trung ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến tầng A (tạm gọi), là tầng theo dõi chặt hơn một chút, có đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu ban đầu; Tầng hồi sức trung bình (tầng B), có đội ngũ bác sĩ biết hồi sức, trang thiết bị đầy đủ để tiếp nhận bệnh từ tầng A và bệnh nhân ở nhà khi cần.

Tầng hồi sức tích cực, dành cho những ca nguy kịch, tiên lượng tử vong cao, tiếp nhận từ tầng B và tầng A. Làm như vậy có thể vẫn bỏ sót, nhưng đây là cách giảm thiểu thương vong nhiều nhất. Hiện tại, một số bệnh viện dã chiến phải gồng mình theo dõi tất cả các đối tượng, kể cả trẻ khoẻ không bệnh nền chiếm phần lớn >90%.

Bác sĩ Phạm Vân Thanh - Bệnh viện Chợ Rẫy: Bệnh nhân cần được điều trị sớm!

Tình hình các bệnh viện hiện nay không còn chỗ cho bệnh nhân là có thật, vì thế, bệnh nhân thường ở nhà tự chữa, nên khi đến được bệnh viện đã là giai đoạn nặng và rất muộn. Việc điều trị ở giai đoạn này nhiều khó khăn và tốn kém. Vì vậy, để ngăn và giảm số lượng bệnh nhân đến viện giai đoạn muộn, tôi đề xuất: Nhanh chóng tiêm vắc xin cho đối tượng trên 65 và hạ dần theo độ tuổi; Tăng cường đội ngũ “Bác sỹ gia đình" để tiếp cận càng nhiều bệnh nhân F0 có triệu chứng và F0- F1 chung nhà của bệnh nhân càng tốt.

MỚI - NÓNG