Ngày 25/12, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định số 2082/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 8). Theo đó, di tích Thành Điện Hải cùng với 9 di tích khác được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Trước đó, ngày 5/12, Hội đồng Di văn văn hóa quốc gia gồm 25 giáo sư đầu ngành văn hóa – lịch sử đã bỏ phiếu 100%, thống nhất đề nghị Thủ tướng ra Quyết định công nhận Thành Điện Hải (Đà Nẵng) là Di tích quốc gia đặc biệt.
Đánh giá về giá trị của di tích Thành Điện Hải, PGS.TS Đặng Văn Bài, UV Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết: những sự kiện diễn ra ở Đà Nẵng nói chung và Thành Điện Hải nói riêng trong những năm 1858 – 1860 là dấu mốc mở đầu cho giai đoạn chuyển tiếp lịch sử Việt Nam từ Cổ trung đại sang Cận hiện đại.
“Về kiến trúc, Thành Điện Hải do chính vua Gia Long thiết kế, sáng tạo dựa trên kiến trúc thành trì quân sự phương Tây và thành truyền thống của Việt Nam. Bởi vậy, giá trị của Thành Điện Hải cần được nhìn nhận dưới 2 góc độ: di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia đặc biệt”, PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết thêm.
UBND TP Đà Nẵng cũng đã phê duyệt đề án bảo tồn, tôn tạo di tích Thành Điện Hải với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng và di dời toàn bộ số hộ dân ra khỏi khu vực Thành Điện Hải, tháo dỡ các yếu tố kiến trúc không nguyên gốc, xây dựng không gian đệm cho di tích.
Giai đoạn này dự kiến kéo dài từ năm 2017 đến năm 2019 với tổng kinh phí khoảng 98 tỷ đồng. Ở giai đoạn 2, TP chủ trương di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi khu vực Thành Điện Hải và chuyển về trụ sở của HĐND TP cũ (ở 42 Bạch Đằng) để trả lại diện tích 2,6ha khu di tích Thành Điện Hải.
Ngoài ra, các di tích quốc gia đặc biệt được xếp hạng trong đợt này bao gồm: Đền Cửa Ông (tỉnh Quảng Ninh), Văn miếu Mao Điền (tỉnh Hải Dương), Địa điểm cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (tỉnh Cao Bằng), Chùa Đọi Sơn (tỉnh Hà Nam), Đền Xưa - Chùa Giám - Đền Bia (tỉnh Hải Dương), Thành Điện Hải (TP Đà Nẵng), Quần thể Hương Sơn (Hà Nội), Đình Hoành Sơn (tỉnh Nghệ An), Đình Chèm (Hà Nội).
Như vậy, cho đến nay, có 95 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải được hoàn thành vào năm 1813 (Gia Long thứ 12) gần phía biển để kiểm soát tàu thuyền. Thành có chu vi 139 trượng (khoảng 556m), cao 1 trượng 2 thước (khoảng 5m), chung quanh là hào sâu 7 thước (khoảng 3m). Hiện, di tích thành Điện Hải nằm ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Di tích này được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia ngày 16/11/1988.