Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Đà Nẵng thông tin tại Hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải” được tổ chức sáng 15/12.
Theo đó, UBND TP Đà Nẵng đã tiến hành giải tỏa 80 hộ dân sống xung quanh khu vực bờ tường phía Tây, dừng hẳn công trình Trung tâm lưu trữ ở phía Bắc và phê duyệt kế hoạch trùng tu, tôn tạo và phục hồi Thành Điện Hải.
Quá trình trùng tu, tôn tạo và phục hồi di tích Thành Điện Hải sẽ diễn ra theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng và di dời toàn bộ số hộ dân ra khỏi khu vực Thành Điện Hải, tháo dỡ các yếu tố kiến trúc không nguyên gốc, xây dựng không gian đệm cho di tích.
Giai đoạn này dự kiến kéo dài từ năm 2017 đến năm 2019 với tổng kinh phí khoảng 98 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đền bù khoảng 67 tỷ đồng, chi phí cải tạo cảnh quan khuôn viên và xây dựng không gian đệm khoảng 18 tỷ đồng và các chi phí khác.
“Ở giai đoạn 2, TP chủ trương di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi khu vực Thành Điện Hải và chuyển về trụ sở của HĐND TP cũ (ở 42 Bạch Đằng) để trả lại diện tích 2,6ha khu di tích Thành Điện Hải. Trên cơ sở đó sẽ quy hoạch tổng thể khu di tích này để bảo tồn, tôn tạo, phục dựng, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích lịch sử này”, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết.
Hầu hết các chuyên gia tham dự Hội thảo đều tỏ ra đồng tình và đánh giá cao quyết định của UBND TP Đà Nẵng. Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, địa điểm phục dựng lại di tích Thành Điện Hải hợp lý nhất hiện nay chính là vị trí của Bảo tàng Đà Nẵng.
“Cái gì không nên triệt phá thì nên bảo tồn nguyên trạng đến từng viên gạch, còn cái gì nên triệt phá thì vẫn cứ phải mạnh tay. Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay với kiến trúc hoàn toàn không hài hòa với kiến trúc tổng thể của Thành Điện Hải, theo tôi là đành... không sợ lãng phí”, ông Tiếng bày tỏ.
GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, lưu ý rằng, việc tôn tạo, tu sửa di tích Thành Điện Hải phải gắn với cả khu vực rộng lớn từ Thư viện Đà Nẵng, trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, khuôn viên Trung tâm Hành chính.... thành Quảng trường văn hóa – lịch sử giữa trung tâm thành phố.
Thành Điện Hải (trước là đồn Điện Hải) được hoàn thành vào năm 1813 (Gia Long thứ 12), nằm gần phía biển để kiểm soát tàu thuyền ra vào và trấn giữ Đà Nẵng. Thành có chu vi 139 trượng (khoảng 556m), cao 1 trượng 2 thước (khoảng 5m), chung quanh là hào sâu 7 thước (khoảng 3m). Đây là di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong những năm 1858 - 1860, khi Pháp lần đầu nổ súng xâm lược Việt Nam.
Hiện, di tích thành Điện Hải nằm ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Di tích này được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia ngày 16/11/1988.
Mới đây, ngày 5/12, Hội đồng Di văn văn hóa quốc gia gồm 25 giáo sư đầu ngành văn hóa – lịch sử đã bỏ phiếu 100%, thống nhất đề nghị Thủ tướng ra Quyết định công nhận Thành Điện Hải (Đà Nẵng) là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.