Có nên đưa “Đồi hài cốt” vào dự án phục hồi, tôn tạo thành Điện Hải?

Nghĩa trang "Đồi hài cốt" nằm trên một gò cao tựa lưng vào núi Sơn Trà, hướng mặt ra biển. Ảnh: HC.
Nghĩa trang "Đồi hài cốt" nằm trên một gò cao tựa lưng vào núi Sơn Trà, hướng mặt ra biển. Ảnh: HC.
Đưa việc tu bổ, xếp hạng di tích “Đồi hài cốt” vào dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải”, từ đó hình thành tour du lịch lịch sử gồm “Đồi hài cốt” - Thành Điện Hải - Nghĩa trủng Phước Ninh - Nghĩa trủng Hòa Vang - Bảo tàng Đà Nẵng?

“Đồi hài cốt”...

Như tin đã đưa, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, từ nay đến tháng 6/2017 sẽ hoàn thành việc đền bù, giải tỏa mặt bằng, bố trí tái định cư, tháng 9 khởi công giai đoạn 1 dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải" để đến năm 2018 “nhìn thấy hình hài di tích quốc gia thành Điện Hải được trả lại trọn vẹn, đầy đủ”.

Hiện công tác chuẩn bị cho dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải" đang được tích cực triển khai. Tuy nhiên có ý kiến đặt vấn đề nếu chỉ tu bổ, phục hồi và tôn tạo riêng di tích thành Điện Hải thì chưa đủ mà nên chăng đưa luôn “nghĩa địa Tây Ban Nha" hay "nghĩa trang Y Pha Nho" theo cách gọi của dân địa phương, còn người Pháp thì gọi là "Ossuaire", tức “Đồi hài cốt” trên bán đảo Sơn Trà vào dự án này?

Cần nhắc lại, tại Đà Nẵng có một di tích lịch sử đặc biệt nhưng ít người biết đến. Đó là một nghĩa trang trắng xám, già nua tựa vào núi Sơn Trà, hướng mặt ra biển, nằm cạnh Hải quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng, ngay ngã ba xuống bãi Tiên Sa. Tên gọi của nghĩa trang này là Ossuaire (đồi hài cốt, nhiều lớp chồng lên nhau) – nơi chôn cất tập thể các binh lính Pháp và Tây Ban Nha dưới sự chỉ huy của đô đốc Rigault de Genouilly bị tử nạn trong cuộc tấn công đầu tiên vào Đà Nẵng từ năm 1858 đến năm 1860.

Năm 1895, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho xây dựng nghĩa trang này ở vị trí hiện tại, nằm trên một gò cao có tường bao quanh. Hiện ở đây chỉ còn một nhà nguyện nhỏ, mặt tiền có chiếc thánh giá, phía dưới chạm nổi dòng chữ trắng "OSSUAIRE" (Đồi hài cốt) như tên gọi của nơi này. Trên cây thánh giá của nhà nguyện có khắc chữ "SPES UNICA"( ý từ câu "O Crux, ave spes unica!" - Ôi kính chào Thánh giá là hy vọng duy nhất của chúng tôi!).

Nhà nguyện cao 3,5m, ngang 3m, dài 12m, bên trong chỉ có một cái bàn thờ đơn giản theo nghi thức Công giáo, phía trên là những phiến đá khắc dòng chữ Latinh chạy uốn lượn phía trên bệ thờ theo hình vòm đối xứng, cân đối với bàn thờ. Tường và trần nhà nguyện đã có những vết nứt khá lớn.

Bên tay trái bức tường có bảng đá khắc dòng chữ Pháp: "A la mémoire des combattants Francais et Espagnols de l'Expédition Rigault de Genouilly. Mort en 1858 - 59 - 60 et ensevelis en ces lieux" (Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha của cuộc viễn chinh Rigault de Genuoilly. Chết những năm 1858 - 1859 - 1860 và được an táng ở đây). Hai bên hông có hai cửa sổ chấn song sắt nhìn ra bên ngoài làm cho không khí bên trong ngôi nhà nguyện đỡ phần u tối.

Có nên đưa “Đồi hài cốt” vào dự án phục hồi, tôn tạo thành Điện Hải? ảnh 1 Tại đây có một nhà nguyện nhỏ...

Sẽ được xếp hạng di tích!

Mặc dù chưa được xếp hạng nhưng với nhiều người, đây vẫn là một di tích hết sức đặc biệt. Bởi ngoại trừ Đà Nẵng thì trên cả nước không có nơi nào có một di tích tương tự. Hằng năm vào ngày 25/12, nhiều du khách phương Tây vẫn tìm đến đây để cầu nguyện cho linh hồn những người nằm lại nơi "Đồi hài cốt".

Không biết trong số đó có ai là hậu duệ của những chiến binh chìm sâu trong lòng đất lạ sau những cuộc giao tranh đẫm máu với những người dân bản xứ bé nhỏ nhưng oai hùng và bao dung, nhưng theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà thì nên chăng Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng nghiên cứu, đề xuất đưa việc tu bổ, tôn tạo di tích “Đồi hài cốt” thành một hợp phần trong dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải".

Từ đó, đưa di tích này thành điểm khởi đầu cho tour du lịch lịch sử gồm “Đồi hài cốt”, nơi ghi dấu những bước chân đầu tiên của đội quân viễn chinh xâm lược – Thành Điện Hải, dấu vết quá khứ còn lưu lại sau trận thắng duy nhất của quân dân cả nước ta trong buổi đầu đánh Pháp – Nghĩa trủng Phước Ninh - Nghĩa trủng Hòa Vang, nơi quy tập, chôn cất hàng ngàn hài cốt của nghĩa sĩ, đồng bào ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ thành Điện Hải và kết thúc tour tại Bảo tàng Đà Nẵng sắp tới sẽ được đặt chính tại nơi vốn là Tòa Thị chính Đà Nẵng từ thời Pháp thuộc!

Có nên đưa “Đồi hài cốt” vào dự án phục hồi, tôn tạo thành Điện Hải? ảnh 2

Cùng 32 ngôi mộ chôn cất các sĩ quan, binh lính liên quân Pháp - Tây Ban Nha khi đánh vào Đà Nẵng giai đoạn 1858 - 1860 (Ảnh: HC)

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng hết sức ủng hộ ý tưởng này. Ông cho biết, từ cách đây 3 – 4 tháng đã bắt tay vào việc định hình ý tưởng tu bổ, tôn tạo “Đồi hài cốt” và đã cùng ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng trực tiếp lên khảo sát thực địa tại nơi “nghĩa trang nghìn thánh giá”.

“Chúng tôi đang chuẩn bị để trước hết là xếp hạng nơi này là di tích lịch sử cấp TP. Do một số tư duy cũ kỹ trước đây, cho đây là nơi chôn cất kẻ thù nên không xếp hạng di tích. Nhưng chúng tôi cho rằng đây là chứng tích hùng hồn và là bộ phận quan trọng kết hợp cùng thành Điện Hải, Nghĩa trủng Phước Ninh, Nghĩa trủng Hòa Vang cho thấy tổng thể cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta chống xâm lược cách đây gần 160 năm!” – ông Huỳnh Văn Hùng nói.

Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cũng cho biết sẽ cố gắng liên hệ với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để khảo sát ý kiến của họ về việc tu bổ, tôn tạo di tích này; đồng thời đang giao Trung tâm Quản lý di sản văn hóa tiến hành các thủ tục để làm hồ sơ công nhận “Đồi hài cốt” là di tích cấp TP, sau đó sẽ từng bước tiến đến nâng cấp thành di tích cấp quốc gia.

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.