Tôn tạo, phục dựng “địa ngục trần gian” ở miền Trung

Khu nhà giam số 9 thuộc chứng tích lao Thừa Phủ - nơi thực dân Pháp từng giam giữ nhà thơ cách mạng Tố Hữu - sẽ được phục hồi nguyên trạng trong lần đầu tư tôn tạo này. Ảnh: Nguồn Internet.
Khu nhà giam số 9 thuộc chứng tích lao Thừa Phủ - nơi thực dân Pháp từng giam giữ nhà thơ cách mạng Tố Hữu - sẽ được phục hồi nguyên trạng trong lần đầu tư tôn tạo này. Ảnh: Nguồn Internet.
TPO - Trong đợt tôn tạo này, khu nhà giam đồng chí Tố Hữu - cũng là nơi ra đời của bài thơ nổi tiếng “Tâm tư trong tù” -  và cổng lao Thừa Phủ sẽ được phục hồi nguyên trạng.

Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế  vừa cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh vừa phê duyệt chủ trương đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phục dựng khu chứng tích lao Thừa Phủ (đường Lê Lai, thành phố Huế), với thời gian thực hiện trong vòng 2 năm.

Nhà lao Thừa Phủ từng là “địa ngục trần gian” ở miền Trung - nơi một thời chế độ thực dân, đế quốc dùng để giam giữ, tra tấn dã man nhiều thế hệ các nhà cách mạng tiền bối, những đảng viên cộng sản trung kiên; nhiều học sinh, sinh viên và đồng bào yêu nước. 

Đáng chú ý trong đó, có nhiều nhà cách mạng ưu tú, điển hình như Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu…, cùng với hàng ngàn anh hùng, chiến sĩ vô danh khác. Nơi đây, vào tháng 4/1939, nhà thơ Tố Hữu từng cho ra đời bài thơ nổi tiếng “Tâm tư trong tù”. 

Trong đợt tôn tạo này, khu nhà giam đồng chí Tố Hữu và cổng lao Thừa Phủ được phục hồi nguyên trạng; cùng với bảo tồn nguyên trạng các hạng mục khác như: tháp canh, khu nhà 2 tầng xây dưới chế độ Mỹ - ngụy, hệ thống tường rào, lô cốt cũ… 

Chứng tích lao Thừa Phủ được tôn tạo sẽ trở thành một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ, cũng như phục vụ khách tham quan du lịch.

MỚI - NÓNG