Thăng trầm một Di tích đặc biệt quốc gia- Kỳ cuối: Trên cả báu vật

Thăng trầm một Di tích đặc biệt quốc gia- Kỳ cuối: Trên cả báu vật
TP - Thứ đặc biệt, không phải là những giá trị có phần phi vật thể cấu thành khu di tích như trên đã nói mà chính xác hơn, không phải báu vật mà là vưu vật quốc gia hiện đang có mặt tại Nhà trưng bày Di sản văn hóa đời Trần ở mé trước Đền An Sinh. 

Đó là “hộp Vàng” của vua Trần (nhiều tài liệu đã xác minh hộp bằng vàng ròng hình hoa sen cỡ nhiều chục cây vàng ấy là của vua Trần Nghệ Tông). Hộp Vàng được phát lộ thời điểm khai quật di sản tại một mộ vua ở Đông Triều hồi tháng 6/2012, do Đại đức Thích Minh Hiển giao lại cho lãnh đạo huyện Đông Triều.

Vưu vật thứ hai là bản sao trích bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ do PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam trao tặng huyện Đông Triều. 

Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ là họa phẩm loại hình thủy mặc kết hợp nghệ thuật thư pháp đặc sắc. Tranh miêu tả cảnh Trúc Lâm đại sĩ (tức Thái Thượng hoang Trần Nhân Tông) từ động Vũ Lâm (vùng Thiên Trường) xuất du. Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ được vẽ trên một trường quyển có kích thước rất đáng nể. Dài 3,1m. Rộng 0,4 m.

Họa sĩ đã vẽ tổng cộng 82 người: 61 người ở phía Trần Anh Tông ra đón, được chia làm 2 nhóm: Nhóm rước kiệu, tất cả đều đi chân đất và nhóm vua quan, gồm 5 quan văn và 2 quan võ đứng trước vua. Bức tranh mô tả không gian với mây, núi, sông, cây cổ thụ xen lẫn cây cỏ dại ven đường.

Thăng trầm một Di tích đặc biệt quốc gia- Kỳ cuối: Trên cả báu vật ảnh 1

Một phần Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ (Đoạn vua Trần Anh Tông đón Phật hoàng Trần Nhân Tông)

Màu sắc đen trắng của thủy mặc, giãn cùng các điểm nhấn là con người, những cây tùng cổ thụ, núi và mây tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ về không gian và thời gian. Người, voi, ngựa, trâu, hạc cùng võng lọng, ngai, nghi trượng tạo nên một chỉnh thể hoàn chỉnh về bố cục của bức tranh. 

Từ núi ra có 21 người gồm vua Trần Nhân Tông, đạo sĩ Lâm Thời Vũ. 5 tăng nhân ngoại quốc với đặc trưng về dị tộc rất đặc thù của người Nam Á rất có thể đây là tăng nhân Ấn Độ, tay cầm tích trượng, bình bát, kinh quyển. 8 đệ tử của vua Nhân Tông và 6 người khiêng kiệu đều có mày dài, có râu, tai to, tay lần tràng hạt. 

Độc đáo của bức họa đồ còn có lời bình về bức tranh được thực hiện vào khoảng năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420). Bao gồm triện phía đầu tranh và các bài bạt tựa phía sau tranh.

Dưới đây là đoạn trích từ lời bình trên bức tranh của tiến sĩ Dư Đỉnh đời nhà Minh:

...Bức họa miêu tả lúc ông Trần Nhân Tông từ động Vũ Lâm xuất du. Đại sĩ ngồi trên cáng, còn các tùy tùng đều khoác áo tăng. Voi trắng chở kinh đi ở sau cùng. Phía trước voi có người đội mũ vàng, cưỡi trâu, ấy hẳn là đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Cung nghênh trên đường chính là con của đại sĩ, người nối ngôi, thay cha trị nước (tức vua Trần Anh Tông - NV).

Tranh vẽ vào cuối thế kỷ 14, có lẽ trùng với thời điểm vua Trần Nhân Tông với vị trí Thái Thượng hoàng từ xa điều khiển nhắc nhở việc nhiếp chính quản trị Đại Việt của vị vua con Trần Anh Tông.

Vấn đề hiện tại vẫn bàn cãi, ai là tác giả đích thực của Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ?

Ngoài thông tin về trang phục, vật dụng và phong tục mà đến thời điểm này các nhà nghiên cứu chuyên ngành chưa thể giải mã được hết, bức tranh dường như còn đưa ra một cái nhìn khác về hội họa Việt Nam.

Có nhiều ý kiến thiên về tác giả là một đạo sĩ Ấn Độ có tài hội họa? Bởi bức tranh này độc đáo tinh tế cả về khổ rộng đường nét, tóm lại là quá hoàn mỹ, vậy không thể là của một ông họa sĩ Đại Việt nào đó mà chỉ có thể là của người ngoại quốc!? 

Thời điểm ấy Phật giáo thịnh trị, mở mang giao lưu nên có nhiều đạo sĩ, nhà truyền giáo (Phật giáo) có mặt ở Đại Việt. Vị đạo sĩ kiêm họa sĩ nào đó hẳn là quốc khách, là khách mời của Thái Thượng hoàng Trần Nhân Tông hoặc vua Trần Anh Tông thì mới có mặt tại sự kiện quan trọng tầm cỡ quốc gia như vậy!

Thăng trầm một Di tích đặc biệt quốc gia- Kỳ cuối: Trên cả báu vật ảnh 2

Tượng cổ Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng di vật tìm thấy trên nền Đền

Nhưng cũng có không ít ý kiến bác lại rằng chớ nên có tâm lý tự ti! Rằng, Việt Nam không có dòng tranh bác học, cao cấp, mà chỉ có những dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống... Mà Đại Việt đã có trường phái dòng tranh cao cấp từ lâu rồi. Chẳng hạn, tranh nhân vật được vẽ vào thời Lê của chúng ta đã đạt đến trình độ đỉnh cao. Nhưng do nhiều nguyên nhân đến nay tranh cổ Việt Nam không còn nhiều vv…

Có phải như vậy không? Có lẽ xin kính chuyển giới nghiên cứu chuyên ngành cùng các bậc thức giả giải quyết! 

Không phải bức họa phẩm quý báu ấy do nhà Trần cùng các triều đại phong kiến Việt Nam sau này và chế độ dân chủ cộng hòa sau này lưu giữ được, mà cái duyên châu về Hợp Phố này xuất phát từ một câu chuyện khá ly kỳ.

Khoảng giữa năm 2010, Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc) tổ chức bán đấu giá bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ với giá khởi điểm 1,8 triệu USD.

Người tìm đến không phải là vị chuyên viên hay nhà chức việc nào đó của Bộ Văn hóa mà là một nhà nghiên cứu sử trẻ. Anh họ Trần, Trần Quang Đức. 

Tháng 8 năm 2013, bức scan tỷ lệ 1/1 Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ cùng nhiều ảnh chụp, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã đem đến triển lãm Ngàn năm mũ áo và Trung tâm Văn minh Pháp tại Hà Nội rất nhiều hấp dẫn tò mò… 

Nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức cũng sẵn lòng bộc bạch với các nhà báo cái duyên do châu về Hợp Phố ấy… Anh cho biết, mọi sự là nhờ liên hệ, chủ yếu qua mạng. Tình cờ anh đọc được một bài khảo cứu trên mạng Trung Quốc về hội họa thời Nguyên, có nhắc đến bài viết của nhà nghiên cứu Đới Lập Cường về bức tranh họa đồ này.

Sau đó, Trần Quang Đức đã liên hệ với ông Đới, một cán bộ lâu năm tại Bảo tàng Liêu Ninh, hiện đã nghỉ hưu. Qua mạng, ông gửi cho Đức bản scan toàn bộ bức tranh cùng 2 tài liệu giám định của bảo tàng, trong đó khẳng định bức tranh mang phong cách hội họa thế kỷ 14 và có giá trị nghệ thuật cao.

Qua ông Đới, anh Đức liên hệ với Công ty Văn hóa nghệ thuật Đông Phương Bắc Cổ, Bắc Kinh để mua bản sao bức tranh. Họ kết hợp với Bảo tàng Liêu Ninh để độc quyền xuất phẩm bản sao của một loạt tranh cổ chất lượng cao, trong đó có bức Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ.

Vậy nên Trần Quang Đức mới biết xuất xứ bức tranh. Lúc đầu thuộc sở hữu của Trần Quang Chỉ, vốn dòng dõi người Việt, một vị quan chức thấp nhỏ thuộc hàng quan lại thời Minh. 

Vào cuối thời Minh ở Trung Quốc, bức tranh thuộc sở hữu của Hạng Nguyên Biện, người Trung Quốc. Sau đó tranh được đưa vào cung nhà Thanh, triều đại Phổ Nghi - hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, với danh nghĩa là vật thưởng của Phổ Nghi cho em trai là Phổ Kiệt.

Sau cách mạng Tân Hợi (1911) Phổ Nghi thoái vị nhưng vẫn được cho lưu trú trong cung đình 11 năm. Thời gian này, Phổ Nghi đã bí mật chuyển hơn ngàn cổ tịch, tác phẩm danh họa, thư pháp, lịch đại... ra khỏi hoàng cung. Bức Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ là một trong số các họa thư quý đã bị thất thoát khỏi cung khi ấy. 

Năm 1964, bức Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ được Dương Nhân Khải thu mua lại và cũng nhân đó được lưu giữ trong Bảo tàng Liêu Ninh (Trung Quốc) cho đến nay.

Tôi nhớ, cuối buổi gặp ở Trung tâm Văn minh Pháp, các nhà báo tạm biệt Trần Quang Đức mang theo một nỗi luyến tiếc cùng tò mò khi được anh hé cho cái tin, người mua bức tranh họa đồ này ở Bảo tàng Liêu Ninh là một đại gia người Việt! Nhưng vị ấy xin được ẩn danh và anh Đức cũng chưa biết người ấy là ai!

Như bữa nay rời An Sinh mà cứ bâng khuâng lẫn luyến tiếc bởi không có thời gian để la cà thêm. Có biết bao thứ cần ngó lẫn tìm? Chả hạn từng in đậm những chi tiết trong chính sử rằng vua Trần Nhân Tông tu và hóa ở Yên Tử! Đến An Sinh về Đông Triều mới biết thêm ngài đã tu và hóa ở chùa Ngọa Vân. Mà Ngọa Vân không phải Yên Tử. Chùa ấy nằm trong chuỗi di tích của An Sinh Đông Triều!

Trọng thu năm Ngọ

“Đại sĩ là con vua Trần Thánh Tông, trước khi sinh, vua cha đã mơ thấy Thượng đế ban cho thanh bảo kiếm. Khi sinh, vua đẹp đẽ thông thái (mỗi ngày có thể đọc vạn lời), khi lớn lên thông tam giáo nhưng yêu thích đạo Phật. Vương thông hiểu lịch số, binh pháp, y dược, âm luật, các môn đều thấu hiểu đến chỗ uyên bác.

Trong việc trị nước, lấy tinh thần nhân ái để giải quyết mọi việc, lấy lòng thành thực đối đãi với bề tôi, coi họ như tay chân, phủ dụ trăm họ như con ruột, nhẹ hình phạt, thuế má, giữ chữ tín trong việc thưởng công, phạt tội. Tuổi hơn 40 thì “siêu nhiên”, bỏ ngai vàng, truyền ngôi cho thế tử, vào động Vũ Lâm tu đạo, mặc áo sư, rồi làm am trên đỉnh núi Yên Tử ở 6 năm không xuống núi, mặc áo cỏ, ăn lá cây cần khổ tích hạnh chân tu “các độ”. 

Sau đó trải rộng tính tình ở gò núi đi khắp nơi trong nước, nay các danh sơn thắng cảnh đâu cũng còn lưu dấu vết “trác tích” (tu hành) của người. Bấy giờ có đạo sĩ Lâm Thời Vũ trong nước cùng theo Đại sĩ đi khắp nơi, có lúc viễn du hóa độ lân quốc đến Chiêm Thành, khất thực trong quốc đô. Vua nước đó lấy lễ đón mời, đối đãi hết sức kính cẩn, lại sắm sửa thuyền bè, nghi trượng đầy đủ thân hành tiễn về nước. Sau đem đất hai châu cúng dâng nay là châu Thuận, châu Hóa vậy. Đến năm sau, đi không ngồi xe, đầu không đội nón, hình dung khô khan, áo bỏ vai lam lũ, người trong nước gặp không ai biết đấy là vua. 

Khi nhập thất ngồi ngay ngắn lặng lẽ mà hóa… Khi đốt có thần quang ngũ sắc bốc lên, suốt đêm không tan… Người trong nước thấy cảm ứng linh thiêng, khắp nơi các chùa đều thờ phụng cúng dâng, cầu đảo đều ứng nghiệm. Sự tích Đại sĩ đã có sách truyền đăng lục ghi chép, người Giao Chỉ có thể truyền đạt. Tôi nhận thấy bức tranh này, dám biểu đạt một vài điều đại quát dưới tranh, may chi mọi người xem được khiến cho công hạnh của Đại sĩ không bị mai một - Vĩnh Lạc năm 18, ngày thượng nguyên năm Canh Tý - Người học Phật ở Lô Giang Trần Quang Chỉ - Tích phủ lạy hai lạy kính cẩn ghi...” 

(Nguyên văn bài tán của Trần Quang Chỉ viết dưới tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ. Nguồn Nhà sử học Dương Trung Quốc)

Xem thêm chùm ảnh

Thăng trầm một Di tích đặc biệt quốc gia- Kỳ cuối: Trên cả báu vật ảnh 3
Thăng trầm một Di tích đặc biệt quốc gia- Kỳ cuối: Trên cả báu vật ảnh 4
Thăng trầm một Di tích đặc biệt quốc gia- Kỳ cuối: Trên cả báu vật ảnh 5
Thăng trầm một Di tích đặc biệt quốc gia- Kỳ cuối: Trên cả báu vật ảnh 6
Thăng trầm một Di tích đặc biệt quốc gia- Kỳ cuối: Trên cả báu vật ảnh 7
Thăng trầm một Di tích đặc biệt quốc gia- Kỳ cuối: Trên cả báu vật ảnh 8
Thăng trầm một Di tích đặc biệt quốc gia- Kỳ cuối: Trên cả báu vật ảnh 9
 
MỚI - NÓNG