Thăng trầm một Di tích đặc biệt Quốc gia

Chính điện Đền An Sinh
Chính điện Đền An Sinh
TP - Hai mươi tháng Tám âm lịch. Chợt như thấy mình có chút duyên khi nối gót khách thập phương về Đông Triều theo lệ hằng năm dâng hương tại Đền thiêng An Sinh. Cũng là dịp trọng, Đền đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt.

Kỳ I: Hoành tráng, bi thương


An Sinh còn gọi là Đền Thái vốn là Tiên Miếu hay Tổ Miếu do An Sinh vương Trần Liễu xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 13 khi ông được ban ấp thang mộc ở An Sinh. Ban đầu Tổ miếu vốn chỉ là nơi thờ Tổ tiên nhà Trần và Trần Thừa (cha đẻ Trần Liễu và Trần Thái Tông). Về sau, do An Sinh là quê gốc của nhà Trần nên khi băng hà, bài vị các vua Trần tiếp tục được thờ cúng ở đây. Vì thế Tiên miếu thành Thái Miếu.


Bằng công nhận của Nhà nước do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tự tay trao cho các nhà chức việc Đông Triều để tôn vinh Khu di tích An Sinh gồm Đền và Khu lăng mộ vua Trần. Có thể gọi Trần Bát Đế bởi Đền thờ tám vị vua Trần. Đó là các đấng Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Giản Định, tức là Giản Định Đế.

Đền An Sinh, khói hương bảng lảng mờ xanh càng rờ rỡ thêm ánh vàng của đôi câu đối thơ của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu. 

Tương truyền, sau khi đại thắng quân xâm lược nhà Nguyên, người ta thấy chân các ngựa đá đứng trước lăng vua Trần Thái Tông đều lấm bùn, nên đồn rằng các ngựa đá (vốn là vật vô tri) thế mà cũng đi đánh trận. Việc đến tai vua Trần Nhân Tông. Nhân trong niềm vui đại thắng, vua liền ứng khẩu hai câu trên, dịch là: Xã tắc hai phen bon ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng. 

Từ cửa Đền, phóng tầm mắt bao trọn bốn cây số vuông là dày đặc các di tích. Đền, miếu, tháp cùng lăng mộ của các vua Trần.

Đông Triều? Tên ấy, danh ấy là có duyên do cả! Là Triều đình phía Đông. Vùng đất cổ Đông Triều trước đó có tên gọi An Sinh hay Yên Sinh. An Sinh vốn là quê gốc của nhà Trần trước khi dời đến Thái Bình và Nam Định. Đây là một trong những vùng ẩn tích chứa nhiều các di sản văn hóa đặc sắc của thời Trần. Quê gốc nhà Trần so với các di tích nhà Trần khác ở Thăng Long (Hà Nội), Long Hưng (Thái Bình), Thiên Trường (Nam Định) có khác.

…Chất giọng khỏe vang qua máy phóng thanh của vị chủ tế buổi đón nhận Bằng công nhận Di tích đặc biệt như truyền đi nguyên văn hào sảng của GS. Viện sĩ, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Phan Huy Lê từng nhấn mạnh vị trí di tích nhà Trần ở Đông Triều trong một hội thảo. Như là cơ sở để An Sinh trở thành Di tích đặc biệt quốc gia.

Đông Triều được chính sử ghi là quê gốc nhà Trần. Sau đó nhà Trần chuyển về Nam Định và phát tích Đế vương ở Nam Định. Thiên Trường được chọn làm Cố đô.

Thời Trần, Di tích Lịch sử và Di sản Văn hóa trải rộng trên khắp cả nước, nhưng có lẽ tập trung nhất ở ba nơi, đó là Kinh thành Thăng Long; Phủ Thiên Trường và Đông Triều (Quảng Ninh), mà Đông Triều thì tập trung nhất ở xã An Sinh. Dưới thời Trần, Đông Triều là trung tâm Tôn giáo, Phật giáo, trung tâm của chùa - tháp. 

Tất cả đều thuộc hệ thống chùa - tháp Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Nó quy được tất cả các dòng phái của Việt Nam, chi phối toàn bộ Phật giáo Việt Nam, nhanh chóng trở thành “Quốc giáo”. Thời nhà Trần, Đông Triều cũng phát triển mạnh về kinh tế, nơi đây tập trung nhiều thái ấp. Đông Triều còn là trung tâm văn hóa tiêu biểu của đời nhà Trần.

…Trong không khí linh thiêng, ông Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước đang kính cẩn dâng hương. Chắc ông cựu Chủ tịch chẳng thể ngờ có buổi lễ trọng hôm nay? Bởi tròn đúng một hoa giáp 60 năm, cuối năm 1954 ấy, Đền An Sinh chính là địa điểm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (HSMN) mà ông khi đó là chàng thanh niên mới 20 tuổi vào nhập học văn hóa.

Những trường HSMN trên đất Bắc, mô hình của tầm nhìn chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa hay được anh linh của các vua Trần che chở? Riêng trường HSMN Đông Triều đây đã góp cho đất nước hàng ngàn nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo. Trong đó có một Chủ tịch nước và một Thủ tướng, ông Phan Văn Khải.

Có lẽ thời điểm trường HSMN đóng ở Đền An Sinh, Đền cũng đã tàn tạ
hư nát?

Tấm bia đặt trước cửa Đền có những dòng như một lời thú, như một dấu hỏi.

Đền An Sinh xưa rực rỡ 700 năm, hương khói tỏa suốt các thời Trần, Lê Trịnh, Nguyễn. Tiếc thay mưa gió vùi dập phũ phàng rồi binh lửa chiến tranh hủy diệt. Dù đã được liệt phong (xếp hạng di tích) 28/4/1962 vẫn trở thành phế tích hoang tàn.

Thăng trầm một Di tích đặc biệt Quốc gia ảnh 1 Vật chứng sót lại Đền xưa

Dằng dặc từ thế kỷ XIV, thời gian cùng giặc giã tao loạn để rồi hậu sinh phải gánh chịu những toang hoác điêu tàn của di tích.

Chỉ tạm căn cứ vào hàng trăm cái chân tảng kê cột đủ mọi kích thước hiện đương bầy giăng giăng bên Đền đủ biết quy mô trước khi bị phá, Đền An Sinh từng nguy nga hoành tráng thế nào? 

Sau 4/1975, hoàn thành sứ mệnh lịch sử, trường HSMN giải thể. Nhưng Đền An Sinh chưa kịp trở lại vẻ u tịch thanh thản của một di tích quốc gia. Một trường trung cấp sư phạm được khẩn trương triển khai xây dựng trên cái nền trường HSMN. Cũng phải dư hơn chục năm, trường sư phạm mới lại chuyển đến một địa điểm khác.

Từ Quốc lộ 18 rẽ vào 5km rất tiện cho việc xe cộ lưu hành. Từ Hà Nội đi Quảng Ninh hay về đều tiện. Đền vốn lại là nơi hẻo lánh u tịch. Địa thế ấy đã lọt vào mắt không phải của nhà kinh tế hay văn hóa mà là nhà… quản lý trại giam!

Một trại giam đã mau chóng được thiết lập ngay chính tại Đền An
Sinh này.

Có cái lạ là khu vực trại giam kế ngay bên khu mộ các Vua Trần chắc phải được canh gác nghiêm ngặt nhưng hầu hết các lăng mộ vua đều bị bọn mả tặc lẻn vào đào bới.

Có lẽ trong đầu óc tham lam tăm tối của đám mả tặc, chúng đều mang máng bên dưới những khu mồ, cái chìm khuất, cái nhô nhỉnh lên đều phải chứa vàng ngọc châu báu? Vua cơ mà? Vậy nên chúng ngang nhiên đập vỡ những đôi rồng thời Lý Trần từng được chạm khắc tinh xảo, những cụ rùa đá bệ vệ yểm trấn bên mộ, những tháp, những bia. Cũng có mai phục, chặn bắt nhưng không xuể.

Rồi trại giam An Sinh không biết lý do gì được chuyển đi. Trại giam chuyển đi nhưng khổ nỗi, an ninh khu vực thêm hớ hênh. Và nạn đào phá khu lăng mộ các vua Trần, có cơ ngang nhiên?

Rồi công trình thủy lợi Trại Lốc quy mô lớn đã mở ra ngay sát cạnh khu mộ vua Trần. Một hồ chứa mênh mông hứng nước từ sườn Tây Yên Tử vào mùa mưa đã choán dâng bao lấy khu lăng mộ của vua Trần Anh Tông!

Mộ vua vốn được yên táng trên đỉnh mỏm đồi hơn 700 năm nay có tên là Trán Quỷ rất bắt mắt, thuận phong thủy trong hình non thế suối có nguy cơ biến thành thủy táng!

May mắn thay, không rõ các ngài có nhắn lẫn quở quang gì không mà người ta đã kịp làm cái việc sửa sang điều tiết mực nước hồ sao đó để cái Trán Quỷ nhô nhỉnh hẳn lên. Lại đủ đất và độ cao để xây mới trên đó một ngôi đền bên mộ kiểu thượng sàng hạ mộ. Cái bữa chúng tôi được ca nô đưa ra giữa hồ Trại Lốc để dâng hương lên đền vua Trần Anh Tông vào cữ cuối mùa mưa mọi thứ thuận cả.

Ngước lên vị trí chính Đền, bức hoành nghiêm ngắn chữ Trần Anh Tông.   

Thoắt nhớ đến vị vua độc đáo- vua sáng của nhà Trần. Là vị vua thứ 4 (sau vua cha Trần Nhân Tông và trước Trần Minh Tông). Ông ở ngôi 21 năm (1293-1314) và làm Thái thượng hoàng 6 năm. Anh Tông là vị vua anh minh, được sự giúp sức của những nhà nho tài đức như Trương Hán Siêu, Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn và những quan võ như Phạm Ngũ Lão, Lê Trung Hiển.

Ông giữ được đạo vua hiền, tôi trung, phép tắc nghiêm trang, thưởng phạt phân minh, chính trị không có điều gì hồ đồ. Việc học hành được mở mang rộng rãi, thu nạp được nhiều người tài. Chính vì thế, thời kỳ ông trị vì là giai đoạn thịnh trị của nhà Trần. 

Vua Trần Anh Tông còn là một thi sĩ kiêm họa sĩ. Nhưng hậu thế chỉ còn tìm thấy 12 bài thơ của ông trong “Việt âm thi tập”. Có bài được ông sáng tác trên đường đi chinh chiến, có bài nói về lịch sử, đạo Thiền. Ông là tác giả của những bài thơ tả cảnh như “Vân Tiêu am”, “Đông Sơn tự”.

Đáng tiếc tập thơ “Thủy vân tùy bút” (ngẫu hứng mây nước) khi sắp mất, Trần Anh Tông lệnh đem đốt không để lại. Sử chép rằng, năm 1320, khi Anh Tông đau nặng, hoàng hậu cho đi gọi thầy tăng về để làm lễ xem sự sinh tử, vua Anh Tông gạt đi mà bảo rằng: “Thầy tăng đã chết đâu mà biết được sự chết”. Sau đó ông qua đời, hưởng thọ 47 tuổi. 

Cũng cần nói thêm năm 1962 Nhà nước đã xếp hạng Đền An Sinh là Di tích lịch sử có lẽ cũng mới dựa trên cứ liệu chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư? Phải sau này dựa trên các nghiên cứu của các nhà lịch sử học, khảo cổ học, khoa học dự báo… các nhà quản lý mới giật mình rằng, Đông Triều còn cất giữ trong lòng đất nhiều Di sản Lịch sử và Di sản Văn hóa thời nhà Trần phong phú, đa dạng, quý giá.

Với tầm vóc di tích đặc biệt quốc gia, Đền An Sinh, khu mộ vua Trần cùng quần thể di tích chắc còn được hưởng những quan tâm bền, dài?

Còn nữa.

Không thể không cảm kích nhiệt tình, công của Trung ương và địa phương Quảng Ninh cũng mới đây thôi đã bỏ ra hơn 80 tỷ đồng phục dựng Đền An Sinh và khôi phục chỉnh trang lại mộ vua Trần cùng chùa Ngọa Vân.

MỚI - NÓNG