Chiến dịch đưa hiện vật lạ khỏi di tích

Nhiều di tích cam kết di dời sư tử đá, nhưng chưa có phương án xử lý cụ thể Ảnh: T.Toan
Nhiều di tích cam kết di dời sư tử đá, nhưng chưa có phương án xử lý cụ thể Ảnh: T.Toan
TP - Cuối buổi thanh tra một số di tích ngày 22/8, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, ông Trương Minh Tiến công bố, Hà Nội mở chiến dịch chuyên đề đưa hiện vật lạ ra khỏi di tích, cụ thể là sư tử đá và đèn lồng Trung Quốc.

Sư tử lên ban thờ

Sau khi Bộ VH-TT&DL có công văn gửi các Sở VH-TT&DL trên cả nước, đoàn Thanh tra do Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên chủ trì, cùng thanh tra Bộ, Sở vào Đền Ngọc Sơn (điểm dâng hương) trước tiên, để kiểm tra việc bài trí hiện vật. Về cơ bản, BQL đền thực hiện khá tốt việc bài trí.

Đoàn xe thanh tra dừng tại một ngõ nhỏ ở phố Gia Quất (quận Long Biên), thấy đôi sư tử đá mới toanh, nhe nanh trước cổng chùa Gia Quất- di tích được xếp hạng cấp thành phố. Một số lọ lộc bình (có lọ không phải gốm sứ Việt Nam) được cột nơ ni lông trên thân, hoa giả các loại tràn lan trên ban thờ Phật. Đèn nhấp nháy xanh đỏ chăng bao quanh tượng chúa Sơn Trang. Ban thờ ở nhà tổ được xếp mấy hàng lon nước ngọt, bia. 

“Ngoài cổng đặt đôi sư tử đá, không đúng thuần phong mỹ tục Việt Nam, không có trong hồ sơ xếp hạng di tích. Toàn bộ hệ thống đèn lồng đều có tiếng nước ngoài, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đề nghị nhà chùa tháo dỡ và thay bằng đèn lồng Việt Nam. Tượng Quan Âm trong khuôn viên không có trong hồ sơ xếp hạng”, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL, nói.

Thanh tra Bộ còn chỉ ra sai phạm khác: Hai hòm khung nhôm kính chứa tiền lẻ mà trong đó lại đặt hai pho tượng; các tòa thờ Phật tại chùa lắp quá nhiều đèn. Chuông to đặt ở Tam Bảo không đúng.

Việc tự ý tiếp nhận hiện vật công đức, đặt hiện vật lạ vào nơi thờ cúng cũng xảy ra ở đình và chùa Mộ Lao (quận Hà Đông). Hiện vật lạ tại đình gồm đôi sư tử đá đặt trước cổng, két sắt (hòm công đức). Ông Bạch Ngọc Thụy ở BQL đình nói rằng, hiện vật là do nhà chùa tặng. 

“Hệ thống dây điện lằng nhằng không đảm bảo nơi tôn nghiêm, dễ gây chập cháy. Hoành phi, câu đối quá nhiều, cột nào cũng có cho thấy các bác tiếp nhận quá nhiều”, ông Phúc nói. Mấy phóng viên nhẩm đếm từ cổng đến trong đình, cả thảy tròm trèm 50 câu đối. 

Chùa Mộ Lao cách đó vài bước chân cũng đón đoàn thanh tra bằng đôi sư tử ngự ngoài cánh cổng gỗ. Một đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc khác ngự ngay sát cửa chùa. 

Tượng Quan Âm được đặt ngay hiên ở gian giữa chùa, mà khay đặt lễ để trên nền gạch, trong khuôn viên còn một tượng quan âm khác. Di tích cấp quốc gia, nhưng bị nhà mái tôn cao che phần lớn sân trước chùa, phá vỡ cảnh quan của chùa. Tượng phật dược sư “không chỉ một mà hàng loạt đặt trên ban thờ Phật, cũng mới được đưa vào dịp đầu xuân”, ông Nguyễn Hữu Toàn, Cục phó Cục di sản văn hóa nói.

Bên cạnh khu vực một của chùa Mộ Lao, dễ dàng thấy đôi sư tử đá nhỏ màu đen kiểu dáng Trung Quốc ngự trên ban Lầu Mẫu bán thiên, phía trước có bát hương.

Sẽ di dời, xử phạt, thậm chí cưỡng chế

Sư trụ trì chùa Gia Quất Thích Đàm Hướng nói: “Nếu có gì vi phạm, hiện vật không hợp dân tộc Việt Nam, nhà chùa và nhân dân xin chấp hành nghiêm. Riêng phật bà Quan Âm đã ở đó từ khi chưa xây chùa, xin để nghiêm cho. Từ nay đến Chủ nhật (24/8), nhà chùa xin chuyển ngay hai con sư tử đá trước cổng”. 

Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Bí thư Quận ủy Long Biên, cho biết, đã làm việc với gia đình cung tiến để sớm di chuyển đôi sư tử đá trong tuần này. Tuần tới, Long Biên mời tất cả sư trụ trì, BQL di tích, cán bộ phường đến họp, tuyên truyền về khuyến cáo không sử dụng linh vật, biểu tượng lạ tại di tích.

Về vi phạm ở đình Mộ Lao, ông Bạch Ngọc Thụy phân trần, đôi sư tử được đặt trong sân đình từ hơn chục năm trước. Đến thời ông về BQL, ông lấy ý kiến cộng đồng, đưa tạm ra miếu môn cho “khuất mắt”. Ông kể, BQL từng từ chối gia đình cung tiến đôi tỳ hưu. Ông cam kết, sau cuộc kiểm tra này, càng có điều kiện để xử lý hiện vật cung tiến không phù hợp.

Sư trụ trì chùa Mộ Lao đang đi hạ, nhưng lãnh đạo Sở yêu cầu chính quyền địa phương dứt khoát sửa sai. “Những thứ di dời được ngay phải di dời, đề nghị thực hiện trước ngày 15/9”, ông Trương Minh Tiến nói. Ông đề xuất: “Đợt này, theo tôi, mở chiến dịch chuyên đề dẹp sư tử Trung Quốc, đèn lồng Trung Quốc. Các đồ thờ bên trong sắp xếp chưa đúng, hay sai phạm về tu bổ khác, chúng ta nên mở các chiến dịch tiếp theo. Cùng lúc làm tổng thể, e rằng chúng ta không kham nổi”.

Bà Đặng Thị Bích Liên nhắc đi nhắc lại rằng, chuyến thanh tra một số di tích tại Hà Nội theo tinh thần “bước đầu nhắc nhở, tuyên truyền, vận động và yêu cầu chấp hành, chứ chưa đến mức cứng nhắc, bắt phạt”.

Bộ đặt kế hoạch, đến tháng 11 âm lịch, bắt đầu đợt kiểm tra tổng thể về việc thực hiện dẹp hiện vật lạ, phải làm trước Tết Nguyên đán. Từ đầu năm 2015 trở đi, di tích nào vi phạm sẽ buộc phải thực hiện, xử phạt, cưỡng chế. Tuần tới, Bộ sẽ làm việc với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ để tăng cường tuyên truyền, giám sát thực hiện chiến dịch đuổi sư tử đá, linh vật ngoại lai ra khỏi di tích Việt Nam. 

Chưa có phương án xử lý sư tử đá

Trước nạn sư tử đá Trung Quốc lan tràn khắp các di tích, cơ quan, doanh nghiệp, Bộ VH-TT&DL ưu tiên dẹp hiện vật ngoại lai này ở di tích. 

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ nói, sau khi Bộ có văn bản khuyến cáo, Thanh tra cũng có văn bản chỉ đạo các sở kiểm tra các di tích, yêu cầu sát sao thực hiện. 

Tuy nhiên, chưa thấy các cơ quan văn hóa có phương án xử lý cụ thể. “Di chuyển vị trí khác là vị trí nào? Tượng Quan âm bạch y, sư tử đá đã không phù hợp văn hóa Việt Nam thì đặt ở bất kỳ đâu cũng không phù hợp, chứ không chỉ ở khuôn viên di tích.

Vậy di chuyển đi đâu, đặt ở đâu? Các quận nội thành như chúng tôi khó mà xây kho lưu trữ hiện vật không phù hợp”, một cán bộ Phòng Văn hóa thông tin quận Hà Đông nói.

MỚI - NÓNG