Bứng hết hiện vật lạ khỏi di tích

TP - Chiến dịch mới của Bộ VHTT&DL được kỳ vọng có thể giải quyết vấn nạn hiện vật lạ, đặc biệt là sư tử đá xâm lăng các di tích thời gian gần đây. 

Nói không với hiện vật lạ

Bộ VHTT&DL gửi văn bản số 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị.

Bộ khuyến cáo: Không trưng bày, không sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. 

Bứng hết hiện vật lạ khỏi di tích ảnh 1

Sư tử đá, hiện vật lạ khác sẽ sớm được đưa ra khỏi di tích. Ảnh: Hoài Nam

Tuyên truyền và vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi các nơi công cộng. 

Trong cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, đại diện Thanh tra Bộ cũng nêu một loạt hiện tượng đưa vật lạ vào di tích. Trong số hiện vật được cung tiến, sư tử đá Trung Quốc được xem như nạn dịch. Có thể dễ dàng tìm được sư tử đá nghễu nghện tại các nơi công cộng, đặc biệt là di tích. 

Với gần 6.000 di tích, Hà Nội sắp tới phải đau đầu để xử lý những hiện vật lạ này. Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội, ông Trương Minh Tiến thừa nhận sự “tùy tiện đưa và tiếp nhận hiện vật lạ trong di tích”. Theo ông, chỉ cần bước chân vào đình, chùa giữa lòng thành phố sẽ thấy sư tử đá trấn giữ ở cổng, đèn nhấp nháy quanh tượng phật. 

Trong văn bản gửi các sở, Bộ nhấn mạnh: Sở VHTT&DL các tỉnh, thành tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và đề xuất xử lý việc trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở các nơi công cộng, đặc biệt là các khu di tích lịch sử văn hóa.

Phải bỏ ngay

GS Trần Lâm Biền nêu quan điểm về hiện tượng hiện vật lạ, đặc biệt là sư tử đá đang xâm lăng di tích. 

“Hiện nay, bỏ nó ra khỏi di tích càng nhanh thì thần của ta càng không bị o ép. Thần của ta càng thiêng. Để sư tử vào đó thành ra ém thần, khiến cho tâm linh người Việt xung quanh di tích không được yên ổn. Có ai đi thuê hai lính ngoại quốc đứng gác cửa cho nhà mình không? Nó sẽ mở cửa cho giặc vào ngay lập tức”, ông nói.

Những con sư tử đá đậm mỹ thuật Trung Quốc án ngữ trước nhiều di tích, theo quan điểm của PGS.TS Tống Trung Tín không khác gì “trấn yểm để rồi bước vào nhà mộ”. Tại sao hiện tượng sư tử đá Trung Quốc ùn ùn vào di tích mấy năm nay? “Tôi cho rằng do nhận thức của người sử dụng.

Người ta chỉ nghĩ đơn thuần là trông nó hung dữ, mạnh mẽ nên để nó trước cửa di tích, cơ quan công sở, doanh nghiệp”, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm - Vi Kiến Thành lí giải.

Nhiều chuyên gia cũng lí giải thêm, giới sáng tạo của ta ít đưa ra sản phẩm đúng bản sắc truyền thống. Theo khảo sát, Ninh Bình, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) là hai địa chỉ hàng đầu cho ra lò những con sư tử đá Trung Quốc. Trong khi, chúng ta có sư tử Đại Việt, biểu tượng con nghê hẳn hoi.

“Chúng tôi cũng đưa ra các mẫu sư tử, nghê truyền thống lên một số phương tiện thông tin đại chúng. Vừa vận động giảm bớt, cái nào cần thiết thì bỏ, để người dân dần dần sử dụng mẫu Việt Nam thay thế”, ông Vi Kiến Thành nói.

Không riêng sư tử đá, các hiện vật lạ khác cũng cần kiên quyết loại bỏ. Như ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt ngự tạ di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (Gia Lâm) mà Tiền Phong đã phản ánh. Đại diện Sở VHTT&DL nói rằng, ngay khi nhận được thông tin, Sở yêu cầu chuyển số hiện vật này ra khỏi di tích. 

Thực tế, ngựa sắt vẫn nằm trong khuôn viên di tích, áo giáp và roi sắt ở Cung Thánh Gióng. Về việc này, ông Trương Minh Tiến nói sẽ chờ phân tích của các chuyên gia trong hội thảo sắp tới. Nếu khẳng định hiện vật không đúng truyền thống, làm sai lệch di tích thì Sở dứt khoát yêu cầu địa phương chuyển ra ngoài di tích.

Hà Nội đang kiểm kê hiện vật lạ ở di tích. Bộ cũng thể hiện quyết tâm loại bỏ biểu tượng không đúng ra khỏi di tích, với một loạt giải pháp như thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo NĐ. 158. 

“Phải làm ngay, nhưng không thể mở mắt ra là thay đổi hết, trước mắt chờ các sở tuyên truyền, vận động để sử dụng biểu tượng sao cho đúng truyền thống văn hóa”, ông Vi Kiến Thành nói thêm.

Nhận biết sư tử Đại Việt

Sư tử Đại Việt chủ yếu xuất hiện trong không gian tín ngưỡng Phật giáo, thể hiện những triết lý nhà Phật. Sư tử Đại Việt còn hiện diện ở một số di tích như chùa bà Tấm, chùa Thầy, Phật Tích, chùa Thông... 

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nêu ra một số đặc điểm sư tử Đại Việt khác với sư tử đá Trung Quốc: Chân sư tử không đạp cầu mà chân đạp lên ngọc; miệng sư tử răng không sắc nhọn, hàm răng có số lượng lớn, trong miệng thường ngậm viên ngọc lớn. 

Sư tử Việt không đặt trên bệ cao, mà rất thấp thường không quá 1/5 chiều cao cả thân. Mình sư tử Đại Việt phủ kín bằng những khoáy lông xoáy - ảnh hưởng từ mỹ thuật Chăm Pa.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.