Phải chăng “Tháng năm rực rỡ” được làm lại từ “Sunny”, bộ phim nổi tiếng xứ kim chi, nên người ta dễ có thiện cảm ngay từ đầu? “Tháng năm rực rỡ” mau chóng nhận được mưa lời khen, hiếm hoi tiếng chê. Có ý kiến ghi nhận: Đây là một trong các tác phẩm remake (làm lại) chỉn chu, trọn vẹn nhất từ trước tới nay. Những ưu điểm của phiên bản so với bản gốc được vạch ra rõ ràng: Vì sinh sau nên “Tháng năm rực rỡ” tận dụng trọn vẹn lợi thế từ những tinh hoa thời đại mới như kỹ xảo, phần hình ảnh… Bộ phim quy tụ dàn diễn viên nhiều ưu điểm về tài năng hoặc nhan sắc: Hồng Ánh, Thanh Hằng, Mỹ Duyên, Lan Phương, Hoàng Oanh, Hoàng Yến… “Cha đẻ” của “Tháng năm rực rỡ” cũng lại là một cái tên quen thuộc: Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nên không thể thiếu “đặc sản” nhảy múa và hát hò. Có thể sau đây, “Vết thù trên lưng ngựa hoang” do hai nhạc sỹ Ngọc Chánh và Phạm Duy cùng sáng tác, sẽ có cơ hội sống lại mãnh liệt, cùng với sự ăn khách của “Tháng năm rực rỡ”: “Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời/Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời”?
Câu chuyện trong phim khá nhạt nhẽo: Hiểu Phương nhân một lần vào chăm sóc người nhà tại bệnh viện đã phát hiện người bạn thuở học sinh trong nhóm “Ngựa hoang”, đang mắc căn bệnh ung thư quái ác. Trước khi lìa trần, Dung “đại ca” mong muốn được gặp mặt tất cả thành viên của nhóm “Ngựa hoang”. Cuộc tìm kiếm các thành viên của nhóm nữ quái ngay lập tức được Hiểu Phương tiến hành.
Phim đan xen giữa hiện thực và hồi tưởng nên mỗi nhân vật trong nhóm “Ngựa hoang” do hai diễn viên thủ vai, một diễn viên vào vai phụ nữ trưởng thành, diễn viên còn lại đóng cảnh thời học sinh. Thí dụ, Hiểu Phương do Hồng Ánh và Hoàng Yến Chibi cùng đảm nhiệm. Dung “đại ca” do Thanh Hằng, Hoàng Oanh “gánh”. Hiểu Phương của 25 năm trước, là một nữ sinh “nhà quê” chuyển đến Đà Lạt học. Cô non nớt, rụt rè nhưng bản lĩnh ngầm. Sau những nỗ lực hòa nhập, cô đã trở thành thành viên của nhóm “Ngựa hoang” bao gồm những cô gái nhiều màu sắc: Dung “đại ca”; Lan Chi “béo”; Bảo Châu điệu; Thùy Linh chửi thề; Tuyết Anh hoa khôi. Họ đã cùng nhau đi qua những tháng năm tuổi trẻ và lạc mất nhau trong biến cố của lịch sử, của đất nước.
Phải nói Nguyễn Quang Dũng quá khôn khi chọn lại cột mốc thời gian so với bản gốc: “Sunny” chọn hai cột mốc 1980 và 2010, Quang Dũng đẩy về sâu hơn: những năm 1970 và 2000. Nhờ đẩy lùi thời gian, vị đạo diễn này lí giải được hai điều: vì sao nhóm “Ngựa hoang” lạc nhau và quan trọng nhất, hợp lí hóa bạo lực học đường trong phim. Những tiểu thuyết khai sinh trong những năm 60 như “Điệu ru nước mắt” (1965) của Duyên Anh, bút hiệu của nhà văn Vũ Mộng Long; “Loan mắt nhung” (1967) của Nguyễn Thụy Long; “Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang” (1967) của Duyên Anh, đi vào thế giới ngầm với những đại ca và băng đảng, phản ánh một thời kỳ giới trẻ mất phương hướng, khi cuộc chiến ngày càng trở nên khốc liệt.
Tuy nhiên, “Tháng năm rực rỡ” không chú tâm đến những người trẻ bên lề xã hội như câu chuyện trong những cuốn tiểu thuyết đình đám thời đó, mà là những học sinh sống trong sự đùm bọc của gia đình, sự dạy dỗ của nhà trường song họ vẫn mang dấu ấn của thời đại: Là những con “ngựa hoang” thù hằn.
Nếu không biết bản gốc “Sunny”, chỉ nghe tên phim “Tháng năm rực rỡ” nhiều người sẽ nghĩ đây là tác phẩm điện ảnh đầy lãng mạn với những rung động ngọt ngào. “Tháng năm rực rỡ” cũng có chút rung động đầu đời nhưng chỉ là dư vị như “nụ hôn đánh rơi”, ca khúc trong phim của Đức Trí. Thời thanh xuân của nhóm “Ngựa hoang” rực rỡ chủ yếu nhờ… bạo lực. Học sinh phổ thông hút thuốc, nghiện ngập, các nhóm đối lập đánh nhau, tìm cách thanh trừ nhau, người trong nhóm hóa giải hiểu lầm, kết nối tình thân bằng uống rượu trong đêm… là những “thành tích” nổi bật của nhóm nữ quái khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thậm chí, những nữ sinh trong “Tháng năm rực rỡ” còn dùng chiêu rạch mặt trả thù, máu chảy nhoe nhoét trên gương mặt xinh đẹp của nàng hoa khôi nhóm “Ngựa hoang”. Cảnh phim khiến người xem bất chợt nhớ đến Chí Phèo của Nam Cao. Nhưng xem ra anh Chí còn thua xa mấy nàng “Ngựa hoang”, khi anh chỉ dám tự rạch mặt mình ăn vạ.
Tại Hàn Quốc “Sunny” từng thắng lớn: thu về 51 triệu đô, chỉ với ngân sách 5,5 triệu đô. Nhưng khán giả Hàn Quốc tiếp nhận nhiệt tình “Sunny” không phải là lí do để khán giả Việt dễ dãi với “Tháng năm rực rỡ”. Nhiều bậc phụ huynh quảng cáo “Tháng năm rực rỡ” là bộ phim tuổi nào xem cũng được. Người qua thời “rực rỡ” có cơ hội tìm về quá khứ. Người đang kỳ “rực rỡ” có lí do để “dấn thân” hơn. Khi vấn đề bạo lực học đường những năm trở lại đây đang trở thành vấn đề nhức nhối, cần nghiêm khắc nhìn nhận “Tháng năm rực rỡ”. Có tình huống khiến người xem có ý thức phải lắc đầu: Nhóm “Ngựa hoang” sau 25 năm xa cách, giờ đã thành những phụ nữ chín chắn, có người đã làm vợ, làm mẹ. Song họ lại sẵn sàng tụ tập để “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” trừng trị một lũ nhóc đã ăn hiếp con của một người trong nhóm.
Bị công an bắt lên đồn, những đàn bà trưởng thành phấn khích với thành tích bắt nạt trẻ con vẫn cất cao giọng hát “Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời…”. Nếu cần thiết để chứng minh nhóm “Ngựa hoang” trải qua 25 năm lưu lạc, vẫn đoàn kết, nhất trí, sống chết có nhau, có cần thiết phải rủ nhau dùng bạo lực như vậy? Kể cả bản gốc nếu có tình huống không đáng giá ấy, khi Việt hóa cũng có thể cắt hoặc thay bằng tình tiết nào đó nhân văn, xứng đáng hơn với cái tên điệu đàng “Tháng năm rực rỡ”.
Sau “Dạ cổ hoài lang” râm ran lời khen, tiếng chê thì “Tháng năm rực rỡ” khó có thể nói là thành công của Nguyễn Quang Dũng. Suất chiếu 2 giờ chiều ngày 13/3, tại rạp Tháng Tám ở Hà Nội, khán giả thưa vắng. Có người ngủ gật khi xem phim, có người dồn tâm huyết vào việc bình luận dàn diễn viên: Thanh Hằng vẫn xinh nhỉ? Mà sao Mỹ Duyên trông xuống sắc vậy? Hồng Ánh ở phim này chẳng ấn tượng như “Trăng nơi đáy giếng” v.v…