Thẩn tha ở Seattle

Quán cà phê trình diễn của Starbucks: Khách uống có thể quan sát quy trình từ hạt đến ly cà phê.
Quán cà phê trình diễn của Starbucks: Khách uống có thể quan sát quy trình từ hạt đến ly cà phê.
TP - Khá mơ hồ nhưng người Việt nói chung là có ấn tượng Seattle – thành phố lớn cửa ngõ miền Tây Bắc nước Mỹ (không kể Alaska băng giá) tương đương với cái gì đó lãng mạn. Duyên do là ở “Không ngủ ở Seattle” hay “Trắng đêm ở Seattle” tuỳ theo cách chọn từ ngữ của người dịch - bộ phim được bình chọn là một trong mười tác phẩm hay nhất của thể loại phim hài lãng mạn mà điện ảnh Mỹ đã sản sinh ra.  

Tôi đã có cơ may hiếm có vào một đêm khuya, khi người bạn cùng phòng đã ngủ say, ngồi cạnh cửa sổ khách sạn cao tầng ở Seattle, mở mạng xem phim “Không ngủ ở Seattle”, thỉnh thoảng lại nhìn xuống con đường liên bang chằng chịt mối nối, mối rẽ bên dưới với những chiếc ô tô bật đèn vàng nhưng vẫn lao đi như ma đuổi trong làn mưa giăng giăng. Có không hay thì trong khung cảnh đó cũng thành hay nữa là cái tuyệt tác Seattle này.

Đại khái là chàng kỹ sư Sam Baldwin (Tom Hank đóng)  buồn vì vợ mất sớm bèn rời bỏ Chicago đưa con trai  nhỏ Jonah (Ross Malinger đóng) tới sống ở Seattle để lấy lại thăng bằng, nhưng không thành công. Cậu con trai nhỏ đã biết thương cha, nên đêm Giáng sinh đã bí mật gọi điện đến chương trình tâm tình của một đài phát thanh quốc gia đề nghị họ mời cha mình tham gia bộc bạch nỗi niềm trên sóng.  Miễn cưỡng nhưng rồi Sam cũng trả lời vài câu hỏi và chia sẻ một chút về nỗi buồn nhớ người vợ của mình trên đài. Cô phóng viên Annie Reed (Meg Ryan đóng) ở Baltimore tình cờ nghe được khi đang lái ô tô thấy “giọng nói cũng hấp dẫn” nên viết thư cho Sam. Trong cả nghìn lá thư của phụ nữ nghe đài gửi đến, không hiểu sao Jonah chọn thư của Annie… Những hành động trẻ con nhưng đầy yêu thương của Jonah đã buộc Sam phải vội bay theo bé đến New York,  tới  trái tim thành phố – toà nhà Empire để hướng tới một cuộc gặp với người mà bé quyết định chọn làm mẹ...

Không hiểu vì lý do gì mà các tác giả chọn Seattle làm bối cảnh, nhưng quả thật trên thực tế, thành phố này có thể gợi nhiều cảm xúc. Nằm xa về phía Bắc, sát tận Canada, nhưng hình như được một dòng hải lưu gì đó chạy sát gần qua nên Seattle hè mát, đông ấm, đặc biệt là mưa rất nhiều về đông. Thấy bảo một năm nó có đến  9 tháng mưa, có tuần mưa y như xứ Huế, suốt cả bảy ngày, dù mưa thường không lớn. Mùa đông mưa nhiều, lại thêm ngày ngắn, đêm dài (ngày đông Seattle được mặt trời chiếu sáng có hơn 8 tiếng đồng hồ), khung cảnh ở đây khá ảm đạm, thê lương, khiến cho nó trở thành thành phố có tỷ lệ người trầm cảm và tự tử cao nhất nước Mỹ. Nói thế để thấy chàng kỹ sư Sam đã hồ đồ đến thế nào khi chọn Seattle để trốn cơn khủng hoảng và cũng may mắn quá cỡ khi có được có cái kết cổ tích ấy.

Nói vậy không có nghĩa là Seattle có đời sống bình lặng. Có cảng biển, có sân bay lớn, có những tuyến đường bộ huyết mạch nó là cửa ngõ cả vùng Tây Bắc xứ cờ hoa với sự sôi động trong cả đời sống kinh tế lẫn nghệ thuật. Dân nghiện phim chưởng trong đời có thể một lần đến Seattle tới nghĩa trang Lake View để đứng trước ngôi mộ khắc tên Bruce Lee  - Lý Tiểu Long và mộ Brandon Bruce Lee Lý Quốc Hào, con Lý Tiểu Long ngay cạnh đó. Hai cha con đều là diễn viên và đều chết trong những tình huống đáng ngờ. Họ được chôn cất tại Seattle vì tuy Lý Tiểu Long sinh tại San Fransisco, sống thời niên thiếu ở Hồng Kông nhưng bắt đầu làm việc  (bồi bàn), mở những lớp dạy võ, học đại học và có tình yêu đi đến hôn nhân ở chính Seattle này.

Người thích thơ có thể tìm được nhiều đồng cảm ở xứ này không chỉ vì khung cảnh dễ sinh tình mà còn vì cứ 6 tháng thành phố này lại mở một lễ hội thơ, và do đó đã sản sinh ra những cái tên tầm cỡ của thi ca Mỹ như Buddy Wakefield, Anis Mojgani và Danny Sherrardune.. Theo từ điển trực tuyến Wikipedia thì người đầu “hai lần vô địch thế giới cuộc thi thơ cacòn hai người sau thì một hai lần “vô địch quốc gia”.

Dân ưa sân khấu thì có thể đến Seattle tìm dấu kỷ niệm của ông trùm sân khấu kịch hài Alexander Pantages. Con người gốc Hi Lạp xuất thân nghèo khó nhưng tài năng này đã giành được vị trí bầu sô hàng đầu nước Mỹ trong suốt mấy thập niên đầu thế kỷ trước. Seattle cũng không hề lép vế về âm nhạc: Giàn nhạc giao hưởng của Seattle vào hàng lớn bậc nhất thế giới, còn nhạc nhẹ thì thành phố này vang danh với ban nhạc Nivarna cùng ca sĩ Kurt Cobain tài năng, rồi tay ghi ta Jimi Hendrix – người được tạp chí ca nhạc?Rolling Stone?bình chọn là nghệ sĩ ghi ta vĩ đại nhất trong lịch sử và là nghệ sĩ thứ 5 trong danh sách 100 nghệ sĩ của mọi thời đại… Nói ngắn là Seattle có ảnh hưởng rõ nét đến lịch sử âm nhạc Mỹ hiện đại.

Nhưng những cái tên vừa kể không ai khả dĩ so sánh được với một người con của Seattle – Bill Gates. Cha đẻ Microsoft sinh ra và lớn lên chính ở nơi đây và hiện ông và trụ sở chính đế chế công nghệ mà ông đồng sáng lập với Paul Allen vẫn ở tại Seattle. Tôi đã được đến trụ sở Microsoft, vào Trung tâm Tham quan để đọc ngay ở cửa vào tấm biển giản đơn mang dòng chữ: “Chỉ lệnh của chúng tôi – làm cho mọi cá nhân, mọi tổ chức trên hành tinh này có thể đạt được nhiều thành tựu hơn – vẫn đang được duy trì. Điều này là cốt lõi mục tiêu của chúng tôi ngay từ khởi đầu, và cho đến hôm nay nó vẫn đúng như nó đã từng. Chúng tôi đã khởi đầu bằng cách hỏi: Làm thế nào chúng ta dân chủ hoá được việc sử dụng công nghệ để thay đổi cuộc sống của hàng tỷ người và các tổ chức trên địa cầu? Khi bạn thăm Trung tâm Tham quan, chúng tôi khuyến khích bạn lắng nghe những câu chuyện, nghiên cứu các sản phẩm của chúng tôi và biết thêm một chút về những con người với cam kết không lay chuyển là làm tăng thêm sức mạnh con người ở bất cứ đâu”.

Thăm Trung tâm này, bạn có thể hình dung rõ chặng đường đã qua của Microsoft và những gì người khổng lồ này đang hướng tới. Bạn có thể ra về với tấm ảnh đứng chung đội hình với Bill Gates, Paul Allen và khoảng mươi người đầu tiên của Microsoft. Cũng có thể có những bức ảnh trong nhiều trang phục, kể cả trang phục võ sĩ giác đấu trên những nền phông phong cảnh vàng đến nao lòng của mùa thu Bắc Mỹ, cái trắng chói chang của băng tuyết Bắc cực hay vẻ hoành tráng của đấu trường La Mã... Bạn cũng có thể trải nghiệm cảm giác đang lao vào Mặt Trăng với một chiếc đu đơn giản…

Nhưng Seattle không chỉ có Microsoft. Đặt trụ sở chính ở đây là những đại gia tầm thế giới khác nữa như Amazon.com, RealNetwork, T-mobile… Chúng tôi cũng có rẽ qua Amazon.com với ý định xem bậc kỳ tài bán hàng qua mạng này hình hài ra sao nhưng trụ sở này đang xây dựng lại. Không vào được Amazon.com như bù lại được đặt chân vào một trong những quán cà phê Starbucks đầu tiên (chính xác là đầu tiên còn tồn tại vì vốn dĩ nó là địa chỉ thứ hai sau khi chuyển về từ quán cà phê khởi thuỷ) giờ vẫn mở cửa phục vụ ở số 1912 đường Pike Place, đối diện với một địa chỉ cũng rất nối tiếng nữa của Seattle là chợ Public Market. Starbucks – ra đời ở Seattle năm 1971, hiện vẫn đặt trụ sở chính ở đây và đã trở thành thương hiệu cà phê lớn nhất thế giới với đôi chục nghìn tiệm cà phê ở dăm chục quốc gia, trong đó có Việt Nam. Riêng ở Mỹ thì hơn một phần ba dân số sống trong bán kính một dặm quanh một tiệm Starbucks nào đó, và con số đó tăng lên đến tám chục phần trăm nếu nới rộng bán kính ra 20 dặm.

Tiệm cà phê đặc biệt ở Seattle diện tích nhỏ, người vào thì đông nên phải đứng mà đợi đến lượt và cũng đứng mà uống cà phê. Khi đông chật quá, khách ra hè đường trước quán đứng uống nhưng nhìn mặt ai cũng có vẻ hể hả không chỉ vì cà phê ngon, phong vị, phong cách đặc biệt mà còn vì cảm giác chạm được vào ngọn nguồn lịch sử của thương hiệu nghe nói trị giá hơn 50 tỷ đô la. Nếu muốn trải nghiệm nữa thì du khách có thể kéo sang một nhà hàng Starbucks mang tính trình diễn cũng ở Seattle, nơi chất đống những bao cà phê vừa nhập về cùng hệ thống rang xay hoành tráng và những dãy bàn để các tín đồ thích đồ uống màu nâu này vừa thưởng thức vừa ngắm nhìn quy trình từ hạt đến ly cà phê.

Thẩn tha ở Seattle ảnh 1

Cờ Việt Nam ở sảnh nhà máy sản xuất Boeing

Starbucks, Microsoft cũng thú đấy nhưng thực lòng tôi khoái nhất là đến nhà máy sản xuất máy bay Boeing ở Seattle. Phải biết là trụ sở hãng sản xuất hàng không và vũ khí trứ danh này từng đặt ở Seattle, nơi nó được sinh ra vào tháng 7 năm 1916 trước khi chuyển sang thành phố Chicago. Giờ thì Boeing có hai nhà máy sản xuất máy bay lớn ở Seattle. Mục sở thị những chiếc phản lực chở khách thuộc những thế hệ mới nhất đang được làm thế nào đã khoái, nhưng càng sướng hơn khi bước chân vào sảnh đón đầu tiên đã thấy ngay lá cờ đỏ sao vàng thân thương được treo giữa quốc kỳ mấy chục nước. Đó là những nước đang đặt hàng máy bay của Boeing.  Thấy bảo cả thế giới đang đặt Boeing hơn 700 chiếc máy bay, nhưng mỗi năm hãng chỉ xuất xưởng được hơn trăm chiếc. Chờ, Hãng Hàng không quốc qia Vietnam Airlines cũng nằm trong số các hãng đang chờ vì đặt hàng 19 chiếc, mới nhận về 10 chiếc. Đến mỗi khu xưởng mà diện tích lớn đến mức tôi đếm mỗi nơi có khoảng gần chục chiếc máy bay to lớn kềnh càng đang đồng thời được đắp hình hài, lại thích thú khi thấy trên tường xưởng sơn khá nhiều lô gô các hãng hàng không danh tiếng thế giới, trong số đó có hình bông sen quen thuộc của hãng bay quê nhà. Người ta sơn lên tường như thế để nhắc nhở những người đang làm việc ở đây những ai đang đợi máy bay của họ. Tiếc là chụp ảnh trong xưởng có thể phải ăn cơm tù xứ cờ hoa.

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ sau mấy ngày ở Seattle là du ngoạn trên đường phố, thỉnh thoảng lại ồ lên khi thấy biển nhà hàng, cửa hiệu bằng chữ Việt. Người Việt vốn chịu khó nên dẫu Seattle mưa dầm ảm đạm không hợp với một dân tộc quen nắng, quen gió,  người ta vẫn  tụ về đây chắc vì nhiều cơ hội làm ăn. Ở thành phố ngót triệu dân kết nghĩa với Hải Phòng hoa phượng đỏ này  cứ ngàn người dân thì có hai nhăm người Việt. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.