Tôi trở thành người của Tiền Phong như thế

Tôi trở thành người của Tiền Phong như thế
TP - Tôi nhớ rất rõ từ cái thời điểm mình bắt đầu trở thành người của Tiền Phong. Đó là một ngày năm 1992. Lần đầu tiên, tôi mang bốn bài báo, một bài viết, ba bài dịch hỏi lên phòng của Tiền Phong chủ nhật để gửi bài.

> Báo Tiền Phong đã có nhiều thành tích đáng tự hào (*)
> Tiên phong, trưởng thành, đồng hành cùng giới trẻ (*)

Một người đàn ông thấp, đậm, nhưng đầu, mặt và các nét trên đó: trán, mắt đều rất to (chính là nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, trưởng ban kiêm thư ký toà soạn Tiền Phong chủ nhật) đón tập bài từ tay tôi và đọc lướt ngay rồi bảo lửng lơ “để đây nhé”.

Bài viết là “Hoàng Lộc, từ tịch dương đến bình minh”. Chả là hồi đó, tôi quen một anh ở Nhà văn hóa Quân đội. Anh kể ở nhà có một tập thơ cũ từ trước cách mạng mà giờ hầu như không còn ai nhớ, ai biết, chính là tập “Từ tịch dương đến bình minh” của nhà thơ Hoàng Lộc, tác giả bài thơ “Viếng bạn” được đưa vào sách giáo khoa. Tôi mượn đọc và kinh ngạc thấy sự khác biệt hoàn toàn giữa Hoàng Lộc trước cách mạng và Hoàng Lộc trong kháng chiến chống Pháp.

Bài viết gửi Tiền Phong nhằm giới thiệu một Hoàng Lộc khác, một Hoàng Lộc lãng mạn, mê đắm và có phần yểu điệu. Còn ba bài dịch là từ báo Nga, gọi là bài cho oai chứ thực ra là những mẩu chuyện văn nghệ và đời sống quốc tế nho nhỏ.

Cuối tuần đó, tôi hồi hộp mua tờ Tiền Phong chủ nhật. Choáng váng khi thấy cả bốn bài mình gửi đều được đăng.

Tôi gắn ngay với Tiền Phong. Có thể là cái tạng viết và dịch của tôi hợp với Tiền Phong. Nhưng rõ ràng là tôi may khi gặp một người biên tập như anh Hoàng Sơn, nếu hồi đó anh đòi uống bia trước rồi mới đăng như có một vài biên tập viên báo khác thì chắc gì tôi đã có cửa vào Tiền Phong.

Từ đó, gần như số Tiền Phong chủ nhật nào tôi cũng có một hoặc đôi ba bài, không lớn thì nhỏ, không viết thì dịch. Anh Hoàng Sơn ít khi khen ra mặt, nhiều lắm cũng chỉ “chú viết bài này được đấy”.

Anh Thu Thủy, một cộng tác viên quan trọng, hiệu quả và trung thành mấy mươi năm qua của Tiền Phong một lần bảo với tôi: “Đưa bài ông Sơn thì đừng hỏi lại, ông ấy không thích đâu”. Anh Dương Xuân Nam xởi lởi hơn.

Tôi chỉ chơi với Tiền Phong chủ nhật nên cộng tác khá lâu rồi, một hôm trên lối lên xuống của ngôi nhà số 15 Hồ Xuân Hương, một người đàn ông trung niên nói cảm ơn tôi vì cộng tác có hiệu quả thì tôi không rõ đó là ai. Hỏi ra mới biết là anh Lương Ngọc Bộ, Phó Tổng Biên tập, hồi đó chỉ đạo tờ Tiền Phong chính, ra vào thứ ba hàng tuần.

Cứ như thế đến năm 1994, báo tổ chức thi tuyển phóng viên. Anh Hoàng Sơn bảo: “Mày về đây làm đi”. Anh Dương Xuân Nam bảo: “Nguyên tắc của báo là phải thi. Cậu thì chả cần phải thi nữa nhưng cứ phải làm hồ sơ đăng ký như những người khác. Ra ngoài đừng nói là không phải thi nhé”.

Tôi làm hồ sơ đăng ký thi tuyển và đôi tháng sau tôi chính thức trở thành người của Tiền Phong. Vào Tiền Phong cùng đợt với tôi năm ấy có các đồng nghiệp Tô Nam (giờ là Phó Tổng biên tập), Quốc Dũng (giờ là trưởng ban Biên tập chuyên san Tri Thức trẻ), Võ Hồng Thu (giờ là Phó Tổng Biên tập tạp chí Dược và Mỹ phẩm - Bộ Y tế).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG