Tiếng Tết

Minh họa: Phạm Tuấn tú
Minh họa: Phạm Tuấn tú
TP - Mỗi năm cùng tháng tận, tôi lại nao nhớ những âm thanh, những tiếng Tết vọng lại từ lắc lơ tuổi thiếu thời. Những âm thanh có dễ đã truyền đến nghìn đời trong lũy tre, bên những mái ngói, mái tranh, giờ đã tắt lặng chỉ sau vài mươi năm đổi dời của cuộc sống!

> Cùng bạn đọc

Minh họa: Phạm Tuấn tú
Minh họa: Phạm Tuấn tú.

1. Có ai còn nhớ chuỗi âm thanh ò ẹt ê a dai dẳng kéo dài cả buổi, cả ngày, thậm chí đến đôi ba ngày của các cây mật bên các ruộng mía ở bìa làng không? Tiếng ò e ó e dai rền ấy là một tín hiệu rõ rệt và đáng tin cậy đối với đám trẻ chúng tôi về một cái Tết đã cận kề.

Trời đã rét, mía lác đác chớm trỗ cờ, phải dựng cây mật, kéo (ép) mía, để muộn là ruột mía thành bấc, đường bốc thành hoa hết. Hai trụ gỗ lớn không biết truyền đã bao đời, cả năm cất đâu đó được các bác trong làng lôi ra cạnh khu ruộng mía.

Các cột trụ được chôn chắc, hai trục gỗ thân đục lồi lõm ăn khớp để ép kiệt mía được dựng và đai sát vào nhau. Hai tay đòn để mắc trâu kéo vào chĩa ra hai phía. Phải chăng yếu trâu hơn khỏe bò mà chỉ thấy người ta dùng trâu để kéo mật? Những con trâu ấy è cổ kéo ách đi vòng tròn để xoay hai cái trụ gỗ kia ép mía không ngừng nghỉ. Chính hai cái trụ gỗ ấy nghiến vào nhau phát ra tiếng ò e không thể nào phai mờ trong tuổi thơ tôi.

Đối với lũ trẻ quanh năm thiếu đói, ít khi được nếm vị ngọt của đường như chúng tôi ngày ấy, cây mật có sức hút khủng khiếp. Chúng tôi bu đến như ruồi. Mót nhai gốc mía, ngọn mía. Chờ người lớn sơ ý để thó đi vài dóng. May mắn nữa thì thò trộm được cái que vào vạc nước mía sôi đang dần đặc lại chuyển màu thành mật để chạy ra đâu đó đứng mút.

Có năm, tiếng ò e chói lói bỗng nhiên ngưng bặt, thay vào đó là tiếng la lối, tiếng lao xao. Đám trẻ chúng tôi chạy biến chân đến nhìn con trâu to lớn kềnh càng, bọt mép lòng thòng sều dãi trắng, ngã sụp xuống do bị chóng mặt vì đi tròn mãi.

Trong khi người lớn nháo nhác lo nó không đứng dậy được, mùa tới làng khuyết hụt đi một đơn vị sức kéo thì lũ oắt chúng tôi cầu trời lạy đất cho nó nằm mãi bởi những con mắt háu ăn đã thầm ước lượng trong khối thịt soãi ra kia những bữa chén ngập răng. Chuyện con trâu năm ấy kết thúc bằng việc trời không chiều lòng lũ trẻ.

2. Gần suốt tuổi thơ, tôi ở quê ngoại Phong Cốc, một làng ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã được Nguyễn Tuân đưa vào truyện ngắn “Một vụ bắt rượu lậu”. Theo GS Nguyễn Đăng Mạnh kể trong hồi ký thì Xuân Diệu thổ lộ ông rất thích truyện “Một vụ bắt rượu lậu”. “Dân mình thông minh, hóm thật đấy. Xưa tôi đã từng làm đoan (thuế), đã từng đi bắt rượu lậu mà không biết” – thi sĩ từng “hoá Tây đoan” ấy nói.

Tiếng cành cạch đánh đáo của lũ trẻ trên đường làng. Tiếng chặt tre chẻ lạt, bổ ống lột giang chuẩn bị buộc giò, cột bánh. Tiếng nổ lép bép của đống lửa rơm hun tàu lá chuối tươi để gói các loại nem, giò, bánh trái.

Trong truyện, Nguyễn Tuân kể câu chuyện về bác nhiêu Tìn mưu trí vờ bê chĩnh tương chạy, nhảy xuống ao để Tây đoan và lính tráng đuổi theo, đánh lạc hướng cho bà vợ ôm vò cơm rượu thật tẩu thoát.

Chuyện hư cấu này được đặt trên nền một câu chuyện có thật nổi tiếng toàn xứ Đông Dương xảy ra ngày 14-9-1937, khi tên Tây đoan Bernardet cùng lính tráng vào Phong Cốc mượn cớ bắt rượu lậu để lùng sục những người cách mạng (Phong Cốc là một trong những làng có truyền thống cách mạng nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa).

Khi dân làng tập trung đấu tranh để phản đối thì xảy ra xô xát và Bernardet nổ súng khiến lý trưởng Trần Văn Hoàng thiệt mạng. Vụ việc khiến cho mười chiến sĩ cách mạng người trong làng bị bắt, nhưng cũng biến thành một vụ kiện đình đám khiến Bernardet bị phạt 5 tháng tù án treo và bị trục xuất khỏi xứ Trung Kỳ.

Nhưng thôi, tôi không sa đà vào truyện ngắn của Nguyễn Tuân cũng như vụ án nổi tiếng hồi Mặt trận Bình dân Pháp ấy nữa. Nhắc đến ở đây chỉ với hàm ý rằng ở cái thời khó khăn thậm chí hiểm nguy nhường ấy, dân làng vẫn nấu rượu thì ắt hẳn ẩm thực của làng không phải tầm thường.

Quả thật, đi nhiều rồi mà cũng ít thấy ngôi làng nào làm nhiều chủng bánh và kẹo tết như Phong Cốc: Bánh chưng, bánh gai, bánh mật (hai loại, một bằng bột nếp đun chín bằng mật, một loại bằng bột nhào với mật, cho nhân đậu vào trong rồi gói lại bằng lá chuối khô, đồ lên), bánh trắng (gói bằng lá chuối tươi, hình dáng kích cỡ giống bánh gai, nhưng bằng bột tẻ, trong nhân đỗ xanh, thịt mỡ, hành tươi), bánh lá (bánh răng bừa), bánh nhãn, bánh rán, kẹo lạc, chè lam…

Nhiều bánh trái như thế nên cứ trước Tết khoảng tháng già, tháng non là làng vào kỳ giã bột. Gạo nếp, gạo tẻ chọn thứ ngon, đãi kỹ, ngâm cho bở ra rồi vớt để ráo và giã. Náo nức lắm với bản hòa âm chỗ phụp phụp trầm trầm, chỗ binh binh vui tươi của những chiếc cối xóm dưới trại trên tấu lên đưa làng vào vụ tết.

Những cái chày giã gạo truyền thống của làng quê (giờ gần như tuyệt bóng?) gồm một cái cối đá chôn âm, miệng ngang mặt đất ở phía đầu và cái thân chày là cả một cây gỗ để những người giã đứng ở phía cuối đạp xuống cho mỏ chày vung lên nện xuống gạo trong cối.

Khi bột đã hơi nhỏ, người người ngồi bên cối sẽ dùng cái rây mắt cước rất mau để rây lấy thứ bột mịn. Phần tấm, mẳn, lõi gạo lại đưa vào cối giã. Cái điệp khúc giã – rây ấy cứ lặp đi lặp lại cho đến khi trên lòng rây còn lại rặt thứ lõi gạo trơ cứng. Đó là thứ mà đám trẻ chúng tôi trông mong nhất khi tham gia vào quá trình chế biến nhiêu khê.

Món cháo tấm ấy, nhất là khi nó từ gạo nếp, dù chỉ nêm mắm muối, là một trong những món nhớ đời của tuổi thơ tôi. Và tiếng chày giã bột Tết ấy cùng với tiếng nhanh vui của cối giã giò, tiếng âm trầm và dính của cối giã bánh gai có lần trở lại trong giấc mơ mà tỉnh dậy tôi thấy lòng mình có chút gì trống vắng, bâng khuâng.

3. Về nông thôn bây giờ, thảng hoặc cũng nghe tiếng mổ lợn lúc còn nhọ mặt người. Làm sao so đọ được dàn đồng ca thất thanh của những chú hợi bị đưa lên thớt vào rạng sáng những ngày 29, 30 tháng Chạp những năm xưa! Mổ lợn là thời điểm có thể nói là vui nhất, đầy âm thanh nhất, ngập tràn nhất những tiếng băm, chặt, giã, thái, buộc...

Nó không chỉ áp sát Tết nhất, mà còn là cao điểm của cả một của quá trình chuẩn bị. Sau nó là có mọi thứ: bánh chưng, nem, giò, thịt đông... Và cực kỳ quan trọng nữa là bữa lòng ngay sau khi ngả lợn. Trời đất, tôi nhìn thấy rất rõ mình đứng cạnh nồi nước xuýt đùn trào, chảy dãi nhìn ông cậu dùng cái lạt vót nhọn đầu chọc vào khoanh dồi dập dềnh trong làn nước đang sôi để thăm nó chín chưa, làm từ đó phùi ra một tia nước nhỏ. Thật không thể chịu nổi cái thèm.

Miếng dồi, miếng gan được người lớn thương tình đút cho lúc thái cỗ lòng thành từng phần để chia cho các nhà cùng đụng con lợn thuộc hàng miếng ăn ngon nhất tôi từng biết. Tôi đồ rằng cho đến bây giờ trong tôi vẫn thường trực cảm giác thèm lòng lợn có lẽ bắt nguồn từ những miếng dồi, miếng gan xa xưa ấy.

4. Còn nhiều tiếng tết thân thương vọng lại. Tiếng búa khô khốc, nặng nhọc đánh gốc tre chuẩn bị đun nồi bánh chưng mà tiếng reo lục xục của nó cũng đã thưa vắng trong hầu hết gia đình Việt đêm giao thừa. Tiếng ộp oạt, ùng ục của chân lội, tiếng xuộp xuộp của nơm úp ở những cái ao tháo gần kiệt nước để đánh cá ăn Tết và kế đó là tiếng huyên náo chợ vỡ người lớn trẻ con tuông ùa hôi cá.

Tiếng xành xạch nửa vòng đạp xích của những đứa bé được bố mẹ, anh chị cho tập xe đạp chuẩn bị vào dịp Tết. Tiếng cành cạch đánh đáo của lũ trẻ trên đường làng. Tiếng chặt tre chẻ lạt, bổ ống lột giang chuẩn bị buộc giò, cột bánh.

Tiếng nổ lép bép của đống lửa rơm hun tàu lá chuối tươi để gói các loại nem, giò, bánh trái. Rồi những âm thanh hỗn tạp của nhưng phiên chợ cận Tết mà giờ tuy vẫn còn nhưng có lẽ ít có đứa trẻ nào bị thu hút...

Nhiều tiếng Tết nay đã bặt đi, bị thay bằng những âm thanh thiếu hồn sắc, không nhiều ý nghĩa và nhạt nhòa phong vị. Có một cái Tết, sau giao thừa mà thời khắc giao hoà cũ mới không còn thật rõ, tôi ngồi nhìn hai con say ngủ, lòng bỗng dưng giống như băn khoăn, như thảng thốt: Các con ơi, không biết bố hay các con là người hạnh phúc hơn đây?!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Xây cáp ngầm dài hơn 77 km đưa điện ra Côn Đảo
Xây cáp ngầm dài hơn 77 km đưa điện ra Côn Đảo
TPO - Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sau khi hợp đồng EPC được ký kết, ngay trong tháng 12 Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo sẽ được triển triển khai. Dự kiến trong quý IV/2025 điện sẽ ra đến Côn Đảo.