Thân nhân xúc động nhận lại những tư liệu của anh hùng liệt sĩ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khép lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai hòa bình, tổ chức Trái tim Người lính Việt Nam, Viện Hòa bình và Xung đột, Trung tâm Việt Nam và lưu trữ của Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) và một số đơn vị liên quan đã tổ chức lễ bàn giao hồ sơ chứng tích chiến tranh cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Tổ chức Trái tim Người lính phối hợp với Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (Mỹ), Câu lạc bộ (CLB) Mãi mãi tuổi 20 và các đơn vị liên quan tổ chức lễ tiếp nhận Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Namcho gia đình, thân nhân các anh hùng liệt sĩ, diễn ra sáng 12/6 tại Hà Nội.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đã có một khối lượng khổng lồ gồm hàng vạn những cuốn nhật ký, thư tay, vật dụng cá nhân… là di vật và kỷ vật của bộ đội miền Bắc và quân Giải phóng miền Nam bị quân đội Mỹ thu được trên chiến trường. Phần lớn các bản gốc đã bị hủy trong thời chiến.

Thân nhân xúc động nhận lại những tư liệu của anh hùng liệt sĩ ảnh 1

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng - Chủ tịch tổ chức Trái tim Người lính Việt Nam - phát biểu tại lễ bàn giao hồ sơ chứng tích chiến tranh cho gia đình, thân nhân liệt sĩ.

Tuy nhiên, nhiều nội dung của các di vật và kỷ vật nêu trên đã được chụp lại và lưu giữ dưới dạng bản sao tại Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas (Hoa Kỳ) (VNCA). Những bản sao này được xem như bản gốc bởi nó chứa đựng nhiều thông tin riêng tư mà thân nhân các gia đình liệt sĩ liên quan chưa bao giờ nhìn thấy.

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng - Chủ tịch tổ chức Trái tim Người lính Việt Nam, Trưởng ban tổ chức sự kiện - cho biết tổ chức đang phối hợp với VNCA thực hiện dự án Hồ sơ Chứng tích Chiến tranh Việt Nam nhằm tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh, hoặc mất tích trong chiến tranh.

Đơn vị này cũng phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân khác để tìm kiếm thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh còn sống để có thể trao trả hồ sơ chứng tích bao gồm nhật ký, thư, bút ký...

Thân nhân xúc động nhận lại những tư liệu của anh hùng liệt sĩ ảnh 2
Bà Tosha Dupras - Viện trưởng Khoa học và Nghệ thuật, Đại học Công nghệ Texas (thứ 2 từ phải qua, hàng đầu) - trao lại những chứng tích chiến tranh cho gia đình, thân nhân liệt sĩ.

"Từ đầu tháng 5, căn cứ nguồn tư liệu độc quyền do VNCA gửi, tổ chức đã tiến hành biên soạn và giới thiệu trên mạng xã hội và tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển hơn 30 hồ sơ chứng tích chiến tranh. Đó là nội dung tóm tắt của 35 cuốn sổ tay nhật ký và 10 lá thư thời chiến. Với sự trợ giúp của nhiều bạn đọc, 12/30 hồ sơ đã có phản hồi tích cực từ thân nhân các gia đình liệt sĩ, cựu tù binh chiến tranh", Đại tá Đặng Vương Hưng nêu.

Nhiều thân nhân liệt sĩ có mặt, ai cũng mong muốn được trực tiếp đến nhận những di vật của ông, cha mình. Với họ chỉ một nét chữ, di bút quen thuộc của người đã khuất cũng đủ an ủi họ.

Thân nhân xúc động nhận lại những tư liệu của anh hùng liệt sĩ ảnh 3

Dịp này, Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 phối hợp với tổ chức Trái tim người lính đã phục dựng màu cho 4 di ảnh chân dung liệt sĩ.

Bà Đoàn Thị Được - thân nhân của liệt sĩ Mai Thanh Chính - xúc động khi nhận lại những di vật của anh mình. Bà cho biết đây là những tư liệu đầu tiên mà gia đình bà có được về liệt sĩ Thanh Chính thông qua chương trình này. Anh của bà tham gia cả cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, nhưng những gì liên quan đến anh gia đình gần như không biết.

"Lần này dù chúng tôi chỉ nhận được bảng lương của anh cũng khiến gia đình vô cùng xúc động. Bởi đây là tư liệu đầu tiên liên quan đến anh được trao trả cho gia đình sau khi anh hy sinh ở chiến trường. Chúng tôi có được chứng tích này là nhờ một người cháu thấy được thông tin của tổ chức Trái tim Người lính Việt Nam và liên hệ để xác minh", bà Đoàn Thị Được xúc động chia sẻ.

Dịp này, Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 phối hợp với tổ chức Trái tim người lính phục dựng màu cho 4 di ảnh chân dung liệt sĩ Trần Lưu Thơm (1926-1971) nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy Rạch Giá (nay là Kiên Giang), liệt sĩ Nguyễn Kim Việt (1930-1967), liệt sĩ Phan Trọng Vân (1944-1972) là phi công tiêm kích lái MiG-17 và MiG-19, Đại đội trưởng bay Trung đoàn Không quân 925, liệt sĩ Nguyễn Văn Tư (1952-1975).

MỚI - NÓNG