Thăm đền Preah Vihear trước giao tranh

Thăm đền Preah Vihear trước giao tranh
Khu vực đền Preah Vihear đang xảy ra căng thẳng giữa quân đội Campuchia và Thái Lan. Cuối năm 2010, thông qua mối quan hệ đặc biệt, PV Tiền Phong đến đền này từ hướng Campuchia.

> Xung đột biên giới Campuchia - Thái Lan leo thang

Lính Campuchia canh Đền Preah Vihear
Lính Campuchia canh Đền Preah Vihear.

Gần mà xa

Nhìn trên bản đồ, đền Preah Vihear khá gần biên giới tỉnh Gia Lai (Việt Nam), chỉ cách khoảng 300km đường chim bay. Đền Preah Vihear (tỉnh Preah Vihear) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Sáng sớm khởi hành từ phố núi Pleiku, theo đường bộ sang cửa khẩu Lệ Thanh (Đức Cơ) chỉ hơn 1 giờ chúng tôi đã có mặt ở thành phố Ban Lung, trung tâm tỉnh Ratanakiri (Campuchia).

Từ đây lên Stung Treng, nếu con đường lên Tbeng Meachye hoàn thành, khoảng 150 km nữa là đến Preah Vihear. Tuy nhiên, do chưa có đường nên chúng tôi phải đi vòng sang tỉnh Kratie, Kampong Cham, Kapong Thom, rồi đến Xiêm Riệp nghỉ đêm.

Từ Xiêm Riệp lên đền Preah Vihear nơi đang có tranh chấp với Thái Lan mất khoảng 6 giờ đi ô tô. Tuy nhiên, vì lý do an ninh, chúng tôi chỉ được phép lên đây trong chừng 1 giờ vào sáng sớm. Sau khi rời Xiêm Riệp, đến thị trấn Anlong Veng thuộc tỉnh Oddar Meanchey, từng là một trong 3 căn cứ địa của Khmer Đỏ, chúng tôi ngủ đêm ở đó. Đợi đến 4 giờ sáng, cả đoàn thức dậy khởi hành đến thị trấn biên viễn gần Preah Vihear. 6 giờ sáng, ghé vào một quán cà phê điểm tâm duy nhất ở thị trấn nhỏ này chờ mưa tạnh và bớt sương mù mới lên đền.

Theo Phó Quốc vụ khanh Campuchia, Đại tướng Chau Phaly, nguyên Phó Tư lệnh vùng Đông Bắc Campuchia, người tổ chức chuyến đi, chúng tôi chỉ được phép lên đền Preah Vihear trong khoảng thời gian từ 7đến 8 giờ sáng. Tuy nhiên, hôm đó do mưa và sương mù, chúng tôi trễ giờ cho phép 1 tiếng. Rất may, mọi việc vẫn êm đẹp khi gần chục người đến đây.

Tác giả trước Đền Preah Vihear
Tác giả trước Đền Preah Vihear.

Du ngoạn giữa 2 hàng súng

Dạo một vòng trong mưa quanh thị trấn miền biên, chúng tôi thấy ở đây bày bán đa số mặt hàng phục vụ cho lính: Giày bốt-đờ-xô, võng, dây đeo súng, dao găm… Từ thị trấn này vào dãy núi Dangkrek nơi có đền Preah Vihear tọa lạc chừng 20 km, ven đường dân cư thưa thớt.

Đền Preah Vihear được xây dựng vào thế kỷ 9, thờ thần Shiva. Đây từng là khu định cư quan trọng của Đế quốc Khmer trong thế kỷ 12. Trước đây, để đến được Preah Vihear phải đi qua lãnh thổ Thái Lan bởi phía Campuchia (CPC) vách núi cheo leo, không có đường. Phía CPC muốn lên đền phải trèo lên vách đá dựng đứng cao 525m.

Trong khi đó, từ ngôi đền này nhìn về biên giới Thái Lan là bình nguyên thoai thoải. Có một thời gian dài, Thái Lan và Campuchia hợp tác khai thác du lịch tại đền Preah Vihear, ăn chia tỷ lệ mỗi vé bán ra. Từ khi căng thẳng xảy ra, con đường từ hướng Thái Lan lên đền đã bị CPC đóng cửa.

Năm 2008, chính phủ CPC xây tuyến đường bộ men theo sườn núi rất hiểm trở để ô tô lên được đền. Chúng tôi lên đền Preah Vihear theo con đường cheo leo, ngoằn ngoèo này.

Từ chân dãy Dangkrek lên đền chừng 10km, trong đó đoạn cuối khoảng 5km, hai bên đường lố nhố công sự, binh lính Thái Lan và CPC. Xe chúng tôi đi trên sườn núi nhiều đoạn quân lính hai bên cách nhau chỉ 80-100m; khe suối phía trái được xem là ranh giới hai bên. Lính CPC đào công sự ẩn nấp bên này đường, xa tầm 100m thấy rõ quân đội Thái Lan đang tập kết quân. Từ đền hạ, chúng tôi thấy rõ trạm thu phí mà trước đây Thái Lan lập nên bán vé cho khách du lịch.

Đền Preah Vihear cấu trúc theo trục bắc nam dài khoảng 800m, rộng chừng 50m, phía nam là đỉnh đền vách núi dựng đứng, cao 525m so với bình nguyên CPC. Đứng tại đây nhìn về phía CPC, bình nguyên trải dài hút tầm mắt. Điều này có thể hiểu rằng vị trí đền Preah Vihear rất trọng yếu về mặt quân sự với người CPC.

Phía bắc đền thấp dần so với phía Nam lệch 120 m về hướng Thái Lan, cây cối xanh um. Toàn bộ ngôi đền làm bằng đá sa thạch điêu khắc tinh xảo, dùng để thờ các vị thần ở đỉnh Meru theo tín ngưỡng người Khmer xưa.

Người lính giới thiệu với chúng tôi về những bức phù điêu tinh xảo, về sự linh ứng của ngôi đền trong tâm thức người dân, rồi dẫn chúng tôi đến một vị trí đặc biệt trong ngôi đền. Tại một căn phòng rộng khoảng 1,5m, dài 2m, lấy tay vỗ lên ngực trái mình, chúng tôi được nghe âm thanh phát ra từ đất thình thình. Dậm mạnh chân xuống đất hay vỗ vào thành tường, chúng tôi không nghe thấy âm thanh ấy...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG