'Thâm cung bí sử' vũ khí hạt nhân Triều Tiên

'Thâm cung bí sử' vũ khí hạt nhân Triều Tiên
Sau khi CHDCND Triều Tiên lên tiếng đe dọa bắn tên lửa hạt nhân sang các mục tiêu nằm trên đất Mỹ, đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về việc chính quyền Bình Nhưỡng "nổ" quá mức. Vậy thực sự vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã phát triển tới đâu và ảnh hưởng của chúng lớn tới nhường nào?

Sau khi CHDCND Triều Tiên lên tiếng đe dọa bắn tên lửa hạt nhân sang các mục tiêu nằm trên đất Mỹ, đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về việc chính quyền Bình Nhưỡng "nổ" quá mức. Vậy thực sự vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã phát triển tới đâu và ảnh hưởng của chúng lớn tới nhường nào?

Cuộc thử hạt nhân lần thứ 3 của CHDCND Triều Tiên diễn ra vào ngày 12/2, vốn khiến Hội đồng Bảo an LHQ tăng cường cấm vận chính quyền Bình Nhưỡng, đã có sức mạnh ước tính khoảng 10 kiloton và được giới quan sát xem là một dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã thu nhỏ được kích thước vũ khí hạt nhân.

Lắp đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm ngắn

Với đầu đạn đã thu nhỏ này, Triều Tiên hoàn toàn có thể lắp nó lên một quả tên lửa tầm ngắn, vốn dễ dàng hơn nhiều việc lắp lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa.

Triều Tiên có thể đã lắp thành công đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm ngắn của nước này
Triều Tiên có thể đã lắp thành công đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm ngắn của nước này.
 

Đánh giá của chuyên gia David Albright tại Viện nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế cho rằng Triều Tiên đã có khả năng lắp một đầu đạn hạt nhân lên tên lửa Nodong với tầm bắn 1.280km. Tên lửa này có thể bắn đi khắp đất Hàn Quốc và bao phủ phần lớn lãnh thổ Nhật Bản. 

Tuy nhiên ông đã nói trong phân tích của mình, được công bố ngay sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên không lâu, rằng đây mới chỉ là một phỏng đoán.

Ông chỉ ra rằng trường hợp của Pakistan làm ví dụ dẫn chứng cho nhận xét của mình. Pakistan đã mua tên lửa Nodong từ Triều Tiên ngay sau cuộc bắn thử đầu tiên vào năm 1993 rồi sao chép và sản xuất hàng loạt trong nước. Pakistan tiến hành cuộc thử vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1998. Albright nói rằng nước này chỉ mất chưa tới 10 năm để thu nhỏ đầu đạn hạt nhân trước cuộc thử hạt nhân kể trên.

Hoạt động hợp tác với Pakistan khiến Triều Tiên rất có thể đã thu thập được các công nghệ giá trị từ mạng buôn bán thông tin nguyên tử của A.Q. Khan, một nhà khoa học từng đóng vai trò tiên phong trong chương trình hạt nhân Pakistan.

Theo cơ quan Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Khan có khả năng đã cung cấp một thiết kế vũ khí hạt nhân dựa trên nguyên mẫu Trung Quốc và thiết kế này đã giúp Triều Tiên phát triển đầu đạn cho tên lửa đạn đạo của họ.

Không thể biết rõ

Nhưng Siegfried Hecker tại Trung tâm nghiên cứu An ninh Quốc tế và Hợp tác tại Đại học Stanford, người từng viếng thăm Triều Tiên 7 lần và được tiếp cận với các cơ sở hạt nhân tại đây, đã bày tỏ nghi ngờ về việc Triều Tiên có thể thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân.

"Không ai bên ngoài một bộ phận các lãnh đạo cao cấp nhất của Triều Tiên biết về việc họ đã thu nhỏ được đầu đạn hay chưa. Ngay chính những người này còn không nắm chắc thông tin" - ông nói với AP - "Tôi đồng tình rằng chúng ta không thể phủ nhận việc Triều Tiên có thể đã gắn đầu đạn lên một quả tên lửa tầm ngắn của họ. Chúng ta chỉ đơn giản là không biết rõ có việc này hay không".

Hecker cũng nói rằng nhờ A.Q. Khan, người Triều Tiên có thể đã có các mẫu thiết kế thu nhỏ vũ khí hạt nhân để lắp vừa lên tên lửa tầm ngắn và tầm trung của họ. Tuy nhiên ông đánh giá từ chỗ có bản thiết kế tới chỗ có thể tự tin khẳng định đã thành công trong việc đặt một đầu đạn hạt nhân lên một quả tên lửa và giúp nó chống chọi với các vấn đề về nhiệt cùng áp lực trong quá trình bay tới đích, là cả một quãng đường rất dài.

Sự khác biệt về quan điểm giữa các chuyên gia đã cho thấy một vấn đề cốt lõi khi đánh giá một quốc gia bị cô lập như Triều Tiên: người ta khó có được một chứng cứ chắc chắn và liên quan tới chương trình vũ khí ở nước này thì sự khó khăn càng tăng lên gấp bội.

Ví dụ như cộng đồng quốc tế vẫn còn mù mờ về các vụ thử vũ khí hạt nhân mới nhất. Dù vụ nổ gây động đất mạnh tới 5,1 độ Richter, không có bất kỳ loại khí lạ nào thoát ra ngoài nên các chuyên gia không thể biết Triều Tiên đã dùng plutonium hay uranium cho vũ khí. Thông tin về vụ nổ nếu được làm rõ, cũng có thể giúp xác định về trình độ làm giàu uranium của Triều Tiên và mức độ phức tạp trong thiết kế đầu đạn mới.

Sẽ không có chiến tranh hạt nhân

Trò chơi đoán mò về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã bắt đầu cách nay nhiều thập kỷ. Albright nói rằng vào đầu những năm 1990, Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã ước tính rằng Triều Tiên có một bản thiết kế "thế hệ đầu" của một thiết bị nổ sử dụng plutonium và nó có thể gắn lên tên lửa Nodong.

Theo ông, do 20 năm đã trôi qua kể từ thời điểm trên, việc đánh giá Triều Tiên đã lắp thành công vũ khí hạt nhân lên đầu tên lửa cũng là điều hợp lý.

Song chính cộng đồng quân sự Mỹ cũng có những đánh giá không nhất quán về khả năng hạt nhân của Triều Tiên. Tháng 4/2005, Lowell Jacoby, giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, đã nói với Ủy ban Quân sự Thượng viện Mỹ rằng Triều Tiên có khả năng lắp vũ khí hạt nhân lên đầu tên lửa. Nhưng các quan chức Bộ Quốc phòng sau đó đã rút lại thông tin này.

Còn theo cơ quan Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội, một báo cáo khác từ Cơ quan Tình báo Quốc phòng gửi tới Quốc hội hồi tháng 8/2007 có nói rằng Triều Tiên có thể đã "có các tên lửa tầm ngắn và tầm trung gắn đầu đạn hạt nhân".

Trong một cuộc phỏng vấn ở Đức, tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Ban tham mưu Liên quân, nói rằng Mỹ không biết liệu Triều Tiên đã "vũ khí hóa" khả năng hạt nhân của họ hay chưa.

Tuy nhiên Mỹ vẫn xem xét các đe dọa của Triều Tiên hết sức nghiêm túc, bởi các tên lửa tầm ngắn hoàn toàn có khả năng đe dọa Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là hai nước đồng minh thân cận và Mỹ đã đóng 80.000 quân ở những nơi này.

Darryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, đánh giá mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên ít gây lo ngại hơn khía cạnh nước này đánh giá nhầm tình hình và có những bước đi sai lầm, dẫn tới chiến tranh. Tuy nhiên ông vẫn cho rằng khả năng chiến tranh nổ ra là rất thấp. "Triều Tiên hiểu rõ rằng một vụ tấn công nghiêm trọng nhằm vào các lợi ích của Hàn Quốc hoặc Mỹ sẽ bị giáng trả bằng một sức mạnh áp đảo. Đó sẽ là hành động tự sát".

Theo AP, TTVH

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đà Nẵng: Cửa hàng SJC mở cửa, vì sao khách ôm vàng thất vọng ra về?
Đà Nẵng: Cửa hàng SJC mở cửa, vì sao khách ôm vàng thất vọng ra về?
TPO - Sáng nay (10/10), hai cửa hàng của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tại Đà Nẵng đã mở cửa, tuy nhiên khách hàng vẫn chưa thể giao dịch. Đại diện cửa hàng cho biết: "Chúng tôi mở cửa để người dân tới hỏi thông tin có thể trả lời trực tiếp, hướng dẫn họ tới mua bán ở một số cửa hàng gần nhất".