Từ sáng sớm, đông đảo người dân, các tổ chức, cá nhân với hàng trăm dụng cụ chuyên dụng chứa khoảng 200.000 cá giống để thả xuống sông Tiền (đoạn qua Đồng Tháp).
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thả cá xuống sông Tiền. |
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thời gian qua, việc thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản được tổ chức thường xuyên ở nhiều địa phương tại Đồng Tháp. Trong đó có chung tay, góp sức của chính quyền các cấp và tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh vì sự phát triển bền vững của ngành thủy sản và chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Cũng theo ông Tuấn, việc thả cá giống ra tự nhiên có ý nghĩa làm thay đổi một cách căn bản về nhận thức, hành vi và trách nhiệm trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đẩy lùi tình trạng vi phạm trong khai thác thuỷ sản.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Phùng Đức Tiến cho biết, từ năm 2022 đến nay, Bộ đã chủ trì, phối hợp với 3 tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp tổ chức thả hàng nghìn tấn cá ra sông Hậu, sông Tiền. Trong đó có nhiều giống thủy sản thuộc loài nguy cấp, hiếm, có giá trị kinh tế. Từ đó góp phần phục hồi, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Tiến đề nghị, UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các địa phương cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, vận động người dân không khai thác thủy sản bằng hình thức tận diệt, như sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt thủy sản; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: V. Tiến |
Tại buổi lễ, UBND TP. Hồng Ngự đã trao quyết định công nhận và giao quyền quản lý cho Tổ cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực Đình thần An Bình (phường An Thạnh).