PV: Xin ông cho biết những khó khăn, thách thức trong việc phòng chống IUU của tỉnh Cà Mau?
Ông Phan Hoàng Vũ: Tỉnh Cà Mau có số lượng tàu thuyền khai thác tương đối lớn, đứng thứ 2 của ĐBSCL. Tỉnh cũng có nhiều cửa sông thông ra biển, cơ sở hạ tầng phục vụ hậu cần trong lĩnh vực khai thác còn nhiều hạn chế yếu kém, đời sống của ngư dân còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, ý thức và việc chấp hành các quy định về quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của nhóm tàu cá khai thác ven bờ vẫn còn hạn chế.
PV: Thời gian qua, tỉnh triển khai việc tháo gỡ thẻ vàng IUU ra sao, thưa ông? Giải pháp thời gian tới như thế nào?.
Ông Phan Hoàng Vũ: Đã qua, công tác chống khai thác IUU được tỉnh Cà Mau rất quan tâm, trong đó nâng cao công tác tuyên truyền và xác định trách nhiệm của từng sở ngành, từng cấp chính quyền, nhất là người đứng đầu để cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Tỉnh Cà Mau có trên 5.000 phương tiện khai thác biển, trong đó có khoảng 2.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. |
“Hiện nay, tỉnh đang mở đợt cao điểm để chống khai thác IUU, nhất là ngăn chặn tuyệt đối các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; quản lý chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao và sẽ xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong khai thác IUU như mất kết nối, giám sát hành trình, tàu vượt ranh giới,…”, ông Vũ nói.
PV: Thưa ông, một số người dân cho rằng ngư trường tỉnh Cà Mau ngày càng cạn kiệt nên đành khai thác kiểu tận diệt hoặc vi phạm vùng biển nước ngoài. Ông đánh giá thực tế vấn đề này ra sao?
Ông Phan Hoàng Vũ: Nhìn chung, sản lượng khai thác trong thời gian qua có suy giảm, tuy nhiên không vì lợi ích kinh tế trước mắt vẫn cố tình vi phạm và tìm cách che giấu khi tàu cá của mình bị bắt, điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý của tỉnh nói riêng và công tác tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu nói chung.
“Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ chính sách cho bà con ngư dân. Sắp tới, chúng tôi đang triển khai điều tra lại trữ lượng nguồn lợi thủy sản và cơ cấu lại đội tàu để phù hợp với sản lượng loài thủy sản ở trên ngư trường Cà Mau”, ông Vũ chia sẻ.
PV: Hiện nay, tỉnh Cà Mau đang tăng cường xử lý dùng xung kích điện để khai thác thủy sản. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?
Ông Phan Hoàng Vũ: Thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về chống khai thác bất hợp pháp có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản, tỉnh đã triển khai đến các cấp ủy, chính quyền ra quân đồng loạt và đạt hiệu quả khá rõ nét.
Một số hộ dân trên địa bàn huyện U Minh chủ động giao nộp dụng cụ, ngư cụ… khai thác có tính chất hủy diệt nguồn lợi thủy sản. |
Nhìn chung, người dân đã nâng cao được ý thức, tự nguyện giao nộp trên 1.800 bộ xung kích điện và các lực lượng chức năng địa phương đã xử phạt trên 500 vụ dùng xung kích điện để khai thác nguồn lợi thủy sản. “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, tăng cường cho đến khi nào chấm dứt hoàn toàn việc dùng xung kích điện để khai thác nguồn lợi thủy sản”, ông Vũ khẳng định.
Tuy nhiên, tình trạng sử dụng các phương tiện, ngành nghề khai thác, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện,... để khai thác nguồn lợi thủy sản có tính chất hủy diệt tại các tuyến sông, kênh, rạch và trên vùng biển của tỉnh vẫn còn xảy ra, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân chủ yếu do các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở ở nhiều nơi thiếu quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các cơ quan, đơn vị quản lý chưa thật sự sát sao trong tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, chưa thật sự quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm;…
Xin cảm ơn ông!