Tết muộn của những người vợ lính

TP - Như để động viên chồng cũng là để an ủi bản thân, có không ít những người vợ lính vất vả vượt hàng trăm cây số lên đơn vị đón Xuân, vui Tết cùng chồng, cùng đồng đội của chồng trang trí Tết ở đơn vị.

Hằng năm, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ai đi xa quê hương, xa gia đình cũng mong muốn được đoàn tụ cùng gia đình, người thân. Với những người mẹ, người vợ lính, dịp Tết đến, Xuân về lại ngậm ngùi đón Giao thừa trong nỗi nhớ thương vò võ. Vì người con, chồng của họ đang thực hiện nhiệm vụ canh trực Tết tại đơn vị.

Tôi đã gặp họ, những người mẹ, người vợ lính. Chồng, con công tác xa nhà, những ngày giáp Tết lại tự mình rục rịch chuẩn bị lễ tiễn ông Công, ông Táo, thay mặt chồng chuẩn bị mâm cỗ cúng Giao thừa. Người phụ nữ, ai trong hoàn cảnh đó cũng ngậm ngùi, chất chứa bao nỗi nhớ, niềm thương. Nhưng cao hơn cả là vai trò của người mẹ, người vợ lính - miền hậu phương vững chắc giúp người chiến sĩ yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trong không khí chờ đợi đón thời khắc năm cũ chuyển giao năm mới, phòng đón Xuân, trận địa trực chiến của đơn vị bỗng trở thành sân khấu dã chiến với sự hiện diện của cán bộ, chiến sĩ và nam nữ thanh niên địa phương nơi đóng quân cùng những người vợ lính. Những tiết mục văn nghệ “cây nhà, lá vườn” cất lên của những chàng binh nhất, binh nhì. Tôi đã cùng những người vợ lính hát say sưa những bài hát cách mạng trên sân khấu dã chiến ấy trong niềm hân hoan, phơi phới sức xuân.

Gắn bó suốt đời với người lính, đồng nghĩa với những tháng ngày đằng đẵng xa nhau, tự mình đảm đương vai trò của một người mẹ, một người vợ, một người chồng trong gia đình. Khó khăn, vất vả, thiệt thòi là vậy, nhưng những người vợ lính luôn mỉm cười trước câu nói mộc mạc, giản dị có phần thô ráp mà không kém phần lãng mạn của các anh, rằng “Lính mà em!” và mong muốn trong năm mới, chồng, con mình xứng đáng là những chiến sĩ vững chí, bền gan, yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

MỚI - NÓNG