Nhà phân tích Thomas Guchker trên tờ báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức đã viết rằng, các tàu ngầm và hạm đội của Nga sau nhiều năm lại xuất hiện ở Địa Trung Hải đã khiến NATO phải lo lắng.
Việc theo dõi các tàu ngầm của Nga là một nhiệm vụ khó khăn hơn đối với Hải quân của các nước phương Tây.
“Tính tích cực của tàu ngầm Nga đã đạt tới cấp độ cao nhất từ thời Chiến tranh Lạnh” – Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg tuyên bố, đồng thời ông cũng chỉ ra rằng, bắt đầu từ đầu năm 2014, Hải quân Nga đã nhận được 13 tàu ngầm mới có thể đe dọa tới thông tin liên lạc của Mỹ ở Đại Tây Dương.
Người Mỹ đặc biệt quan ngại về những tàu ngầm mới loại Varshavyanka và Paltus. Để lấy ví dụ, chuyên gia Thomas Guchker dẫn chứng chiến dịch có sự tham gia của tàu ngầm Krasnodar mà các nhà quân sự NATO gọi là “hố đen” ít ồn nhất.
Để theo dõi tàu ngầm này, NATO phải sử dụng cùng lúc 4 tàu khu trục và một số máy bay chống ngầm đang bố trí ở Sicily.
Tại Địa Trung Hải, tàu ngầm này lặn xuống nước và nổi lên chỉ để phóng tên lửa Kalibr vào các mục tiêu của lực lượng khủng bố quốc tế tại Syria. Sau đó, tàu ngầm bắt đầu chơi trò “mèo vờn chuột” với hải quân NATO và trở về căn cứ tại Biển Đen một cách an toàn.
Kết quả là các nhà chiến lược Mỹ phải thừa nhận “tàu ngầm Nga hoạt động rất chuyên nghiệp”, và bắt đầu yêu cầu tăng ngân sách bổ sung cho việc tái trang bị lực lượng hải quân.
Các tàu ngầm thuộc dự án 636.3 được đóng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty ở Saint-Petersburg dành riêng cho Hạm đội Biển Đen của Nga.
Những tàu ngầm này thuộc tàu ngầm diesel thế hệ thứ ba, loại được coi là một trong những tàu ngầm ít tiếng ồn nhất so với tàu ngầm của hải quân các nước khác, đồng thời có hiệu quả chiến đấu cao hơn so với các tàu ngầm tiền nhiệm của Nga, cũng như được trang bị các tổ hợp tên lửa – ngư lôi, hệ thống tác chiến điện tử mới nhất.
Tầm xa của tên lửa hành trình Kalibr được sử dụng cho tàu này là khoảng 2.000 km.