Rất nhiều người, trong đó có cả người Việt, đều công nhận tư thế ngồi xổm rất xấu. Người “Tây” nếu có cúi xuống nhặt đồ hay ngồi xuống nơi không có ghế, thường hoặc ghé lên một chân mình, hoặc thậm chí là ngồi bệt. Dù gì cũng có một tư thế đàng hoàng, vững chắc trên mặt đất.
Ai cũng hiểu như thế, nhưng để mọi người Việt đều cảm nhận và thay đổi không dễ. Có những thói quen trở thành thâm căn cố đế. Vậy nên chỉ một cuộc hội thảo của mấy chuyên gia du lịch, vài doanh nghiệp thường xuyên đưa khách quốc nội ra nước ngoài khó lòng có thể thay đổi hình ảnh xấu xí của rất nhiều người Việt: sai hẹn, trễ giờ, ăn uống mất lịch sự, gây ồn ào nơi công cộng, khạc nhổ, vô tư xả rác, không quen xếp hàng,nhưng lại quen táy máy ăn cắp vặt… Đó mới chỉ là những thứ đập vào mắt người nước ngoài và cũng chỉ giới hạn trong nhóm du khách.
Trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, còn biết bao thói hư tật xấu khác vẫn ngày ngày được “trình diễn” từ trong nhà ra ngoài phố. Các nhà xã hội học từng phân tích nhiều về các loại thói hư tật xấu của người Việt chúng ta mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ một thế giới quan đơn sơ, những thói quen hình thành từ sự thoải mái đến tùy tiện, dễ dãi với bản thân của những con người lớn lên từ nền văn minh lúa nước quen “chổng mông cấy lúa”, “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.
Đã gọi là nền văn minh, tức là nó phải hàm chứa những giá trị tinh thần và vật chất. Tuy nhiên, không phải cái gì thuộc về nền văn minh ấy cũng hay, cũng cần gìn giữ và nếu đã nhận thấy những gì chưa hay, chưa đẹp thì phải sửa.
Nhưng nếu chỉ có vài ông doanh nghiệp du lịch lên tiếng, có thêm vài khuyến dụ của cơ quan quản lý du lịch thì rất khó để hình ảnh người Việt ta cải thiện trong mắt người nước ngoài. Bởi như đã nói ở trên, những thói hư tật xấu của chúng ta sâu xa bắt nguồn từ một thế giới quan đơn giản, một nhân sinh quan hời hợt và ý thức về cái tôi của mỗi cá nhân còn mờ nhạt.
Ý thức cá nhân mờ nhạt thì ý thức cộng đồng sao mạnh mẽ được. Chỉ khi mỗi người nhận thức rõ ràng về bản ngã, về giá trị sự tồn tại của chính mình, tự tôn bản thân và sâu xa hơn là tự tôn dân tộc, người ta mới có đủ động lực và trí tuệ để thay đổi, để đẹp lên trong mắt người và mắt mình. Tất cả những điều này phụ thuộc rất lớn vào cách chúng ta giáo dục thế hệ tương lai.