Tập đoàn đa quốc gia đầu tư mạnh vào Việt Nam
> Khối FDI thống lĩnh xuất khẩu: Lo doanh nghiệp nội 'chết lâm sàng'
> Doanh nghiệp FDI kêu lỗ triền miên
Tại Diễn đàn Việt Nam tổ chức tại Singapore, các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến rất hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài , nhiều tập đoàn đa quốc gia vẫn tiếp tục tăng vốn đầu tư vào nước này.
Quang cảnh Diễn đàn Việt Nam ngày 30/10/2013. (Ảnh: Kim Yến/Vietnam+). |
Diễn đàn Việt Nam đã được tổ chức ở quốc đảo Sư tử ngày 30/10 với sự tham gia của khoảng 100 đại biểu từ các cơ quan chính phủ, cơ sở nghiên cứu và khu vực kinh tế tư nhân của Singapore và Việt Nam cùng đại diện của một số tổ chức tài chính quốc tế.
Một số tham luận trình bày tại Diễn đàn nhận định rằng Việt Nam vẫn là điểm đến rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, và nhiều tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, Hewlett-Packard và Rebisco vẫn tiếp tục tăng vốn đầu tư lớn vào nước này.
Tiến sỹ Francis Hutchinson - Điều phối viên của Diễn đàn Việt Nam do Viện Nghiên cứu các Vấn đề Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore tổ chức - cho biết một số tham luận đã nêu bật những điểm mạnh của Việt Nam như vai trò là trung tâm giao thông, nối các nước lục địa ở Đông Nam Á với miền nam Trung Quốc và sự thay đổi lớn về chính sách của Việt Nam trong những năm qua như công nhận vai trò của khu vực tư nhân, cởi mở hơn với các hoạt động thương mại và đầu tư của nước ngoài.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm về triển vọng của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế và chính trị của thế giới liên tục thay đổi, thảo luận về những cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam dưới góc nhìn của Việt Nam và các nước, chia sẻ kinh nghiệm cũng như ý tưởng về các vấn đề kinh tế cũng như các hoạt động kinh doanh và hoạt động kết nối tại Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Francis Hutchinson, các diễn giả cũng đưa ra nhiều đề xuất mà Việt Nam cần thực hiện như đổi mới doanh nghiệp nhà nước, minh bạch hơn nữa trong chính sách, tăng cường chất lượng đào tạo sau trung học và thực hiện một cách có định hướng chiến lược các hiệp định tự do thương mại.
Trong khi đó, Tiến sỹ Aekapol Chongvilaivan - nhà nghiên cứu kinh tế khu vực của ISEAS, cho rằng để tiếp tục phát huy thành quả đạt được từ các Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) - biểu tượng thành công không chỉ của mối quan hệ kinh tế song phương Việt Nam - Singapore mà còn của chiến lược khu vực hóa của Singapore, Chính phủ Singapore cần tăng cường hỗ trợ đào tạo thông qua việc cung cấp cho đối tác Việt Nam thiết bị đào tạo và tổ chức đào tạo thêm cho nhân viên của Trường Đào tạo Nghề Việt Nam - Singapore (VSVC). Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài, đổi mới thị trường tài chính để hỗ trợ khu vực tư nhân hiệu quả hơn, và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan tới hệ thống giáo dục yếu kém và bất bình đẳng trong thu nhập.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư Vũ Minh Khương thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tham dự Diễn đàn nhận xét rằng hội thảo lần này có sự tham gia của các học giả đều là những người có kinh nghiệm về Việt Nam và cả những người làm chính sách, và đây là cơ hội tốt để trao đổi những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Ông cho rằng về kinh tế, Việt Nam và Singapore có tính cộng hưởng rất cao, Việt Nam có tiềm năng dồi dào nhưng chưa khai thác hết và có thị trường rất lớn, trong khi Singapore tuy thị trường nhỏ nhưng trình độ quản lý cao và rất nhiều vốn. Vì vậy cần thảo luận kỹ về cách thức tạo ra sự cộng hưởng hướng tới hợp tác trên cơ sở toàn diện.
Theo Vietnamplus