Tăng phí visa khối Schengen từ hôm nay

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ủy ban châu Âu cho biết, từ hôm nay (11/6), phí visa đến khối tự do đi lại Schengen gồm 29 quốc gia sẽ tăng 12% so với trước đây.

Cụ thể, phí thị thực sẽ tăng từ 80 lên 90 euro (gần 2,5 triệu đồng) với người lớn, trẻ em từ 40 lên 45 euro (khoảng 1,2 triệu đồng). Phí gia hạn visa vẫn giữ nguyên ở mức 30 euro (khoảng 820 nghìn đồng).

Ủy ban châu Âu giải thích việc tăng giá thị thực là do lạm phát ở các quốc gia thành viên và dù có tăng giá thì phí xin visa vẫn “tương đối thấp” so với chi phí xin visa ở các nước khác. Ví dụ như xin thị thực ở Anh Quốc có giá 134 euro (khoảng 3,6 triệu đồng), Mỹ có giá 185 euro (khoảng 5,1 triệu đồng) còn Australia có giá 117 euro (khoảng 3,2 triệu đồng).

Khối cũng đang xem xét tăng phí hơn nữa đối với các quốc gia không đủ hợp tác trong việc tái nhập cảnh các cá nhân bị trục xuất khỏi các quốc gia thành viên. Đối với các quốc gia này, chi phí xin visa có thể tăng từ 120 euro lên 135 euro (khoảng 3,7 triệu đồng) và từ 160 euro lên 180 euro (khoảng 4,9 triệu đồng).

Tăng phí visa khối Schengen từ hôm nay ảnh 1
Khối Schengen sau khi Romania và Bulgaria gia nhập một phần từ ngày 31/3/2024. Nguồn: AFP - Việt hóa: Nghi Vũ.

Khu vực tự do đi lại Schengen bao gồm 23 thành viên EU cùng 4 quốc gia không thuộc EU là Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein. Với sự tham gia một phần của Romania và Bulgaria vào ngày 31/3, số thành viên của khu vực hiện là 29 quốc gia.

Khách có visa Schengen có thể đi lại tự do giữa các nước trong khối với mục đích du lịch, thăm thân nhưng không được phép làm việc. Với visa Schengen, du khách có thể nhập cảnh và lưu trú tối đa 90 ngày trong 6 tháng.

Theo dữ liệu gần đây do EU công bố, lãnh sự quán các nước EU và các nước liên quan đến Schengen đã nhận được hơn 10,3 triệu đơn xin thị thực lưu trú ngắn hạn vào năm 2023. Con số này tăng 37% so với năm 2022 (7,5 triệu), nhưng đó là vẫn thấp hơn số lượng hồ sơ đăng ký năm 2019 trước đại dịch COVID-19 (17 triệu).

Theo Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, để xin visa ngắn hạn đến khối Schengen, bên cạnh các giấy tờ không thể thiếu khi nộp hồ sơ (như: ảnh thẻ, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, lệ phí nộp hồ sơ) thì du khách còn phải nộp giấy tờ chứng minh mục đích của chuyến đi, giấy tờ chứng minh chỗ ở, chứng minh khả năng tài chính, và các giấy tờ khác.

Cơ quan đại diện Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam nhấn mạnh quy định cấm người dân xin visa Schengen với mục đích làm việc có thu nhập. Tuy nhiên có một số công việc nhất định được cho phép và không cần giấy phép lao động. Những công việc này được phép làm tối đa 90 ngày trong khoảng thời gian 12 tháng mà không cần giấy phép lao động và phải được ghi chú rõ ràng trên tem thị thực.

Visa Schengen có 3 loại chính là A, C và D:

Visa Schengen loại A: Thị thực quá cảnh, cho phép lưu trú tại một trong 26 nước thuộc khối Schengen trước khi đến nước thứ ba, yêu cầu không rời khỏi khu vực quá cảnh ở sân bay. Hiện visa Schengen loại A không áp dụng cho công dân Việt Nam

Visa Schengen loại C: Thị thực ngắn hạn với thời gian lưu trú tối đa 90 ngày trong 6 tháng kể từ khi được cấp visa. Đây là loại visa bạn có thể dùng để đi du lịch, thăm thân hoặc quá cảnh.

Visa Schengen loại D: Thị thực dài hạn, có hiệu lực 180 ngày, áp dụng cho mục đích công tác, học tập, nghiên cứu hoặc trường hợp được cấp giấy phép cư trú.

Hiện thị thực Schengen được cấp miễn phí cho 6 đối tượng:

1. Trẻ em dưới 6 tuổi.

2. Học sinh, sinh viên, sinh viên sau đại học và giáo viên đi kèm các chuyến đi cho mục đích học tập hoặc đào tạo giáo dục.

3. Nhà nghiên cứu từ các nước thứ ba sang khối Schengen với mục đích thực hiện nghiên cứu khoa học.

4. Vợ, chồng, con cái thuộc khối EU/EEA (EEA: Nauy, Iceland, Lichtenstein), hôn nhân dưới 21 tuổi phải được các nước đối tác EU công nhận.

5. Người có hộ chiếu ngoại giao.

6. Đại diện tổ chức phi lợi nhuận dưới 25 tuổi đến khu vực Schengen tham gia hội thảo, hội nghị, sự kiện thể thao, văn hóa, giáo dục... do tổ chức phi lợi nhuận tổ chức.

Theo euronews
MỚI - NÓNG
Việt Nam cần có biện pháp cải cách chi phí kinh doanh, tạo điều kiện cho DN. Ảnh minh họa: Như Ý
Dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng
TP - Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sáng, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 6 - 6,5%. Dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hay nhiều tổ chức trong nước, quốc tế ủng hộ cho mục tiêu này. Tuy vậy, Việt Nam được khuyến nghị còn nhiều yếu tố cần cải thiện như đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp (DN), dồn lực cho đầu tư công, xuất khẩu.