Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Bùi Sỹ Lợi (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, thành viên tham gia Đề án cải cách tiền lương nhấn mạnh: Chính sách tiền lương phải tạo sự thu hút, trọng dụng người có tài, có đức, tận tâm đối với công việc. Đồng thời cũng là tiêu chuẩn để sa thải những người không đủ năng lực, đặc biệt phải loại bỏ những công chức biến chất, lợi dụng chức quyền, hạch sách, tham nhũng làm mất lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.
“Chân trong chân ngoài” vì lương không đủ sống
Một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị T.Ư 7 cho ý kiến là Đề án cải cách chính sách tiền lương. Là người có nhiều năm theo dõi lĩnh vực này, theo ông đâu là những bất cập căn bản trong chính sách tiền lương hiện nay?
Có một thực tế là, ở nước ta hiện nay đội ngũ người hưởng lương từ ngân sách quá lớn, quá cồng kềnh gây rất nhiều khó khăn cho cải cách chính sách tiền lương. Mặt khác, tiền lương của công chức hành chính bị đánh đồng với các đối tượng khác do chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về vai trò tiên phong của đội ngũ này trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cùng với đó, tiền lương còn mang tính cào bằng, lệ thuộc vào thâm niên, chưa đánh giá đúng trình độ và sự đóng góp thực tế của công chức hành chính, do đó không tạo được động lực và áp lực làm việc cho công chức hành chính. Chính sách tiền lương hiện nay còn cào bằng giữa các địa phương, giữa các vùng miền nên chưa khuyến khích được các địa phương tích cực cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng như nỗ lực của đội ngũ công chức hành chính địa phương.
Một khảo sát của cơ quan phát triển Liên Hợp quốc cho thấy: 14,4% lao động trong khu vực nhà nước có từ 2 việc làm trở lên. Nói cách khác là tình trạng “chân trong, chân ngoài” mà nguyên nhân chính ở đây là lương không đủ sống. Tình trạng công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” khá nhiều trong khi thiếu nhân tài và chảy máu chất xám. Theo ước tính của các chuyên gia, có tới 30% công chức không làm được việc, tiêu tốn nhiều nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước mỗi năm.
Bên cạnh đó, một bộ phận đội ngũ công chức hành chính, đặc biệt những người có chức vụ dù lương thấp nhưng thực tế thu nhập lại khá cao. Điều đó chứng tỏ có nhiều khoản thu nhập ngoài lương, trong đó, nhiều khoản thu nhập công khai có nguồn gốc từ ngân sách.
Để chính sách tiền lương lần này khắc phục được những bất cập, theo ông điều gì phải lưu ý?
Điều cần lưu ý nhất khi thực hiện cải cách tiền lương là phải coi việc tính đúng tính đủ tiền lương cho người lao động chính là đầu tư cho phát triển. Chúng tôi cho rằng, tính đủ cho người lao động có nghĩa là tiền lương phải bao gồm các bộ phận: tái sản xuất giản đơn sức lao động; tái sản xuất mở rộng và một bộ phận nuôi gia đình. Còn tính đúng cho người lao động có nghĩa là tiền lương phải được gắn với công việc, năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc của công chức hành chính.
Cùng với đó, cải cách chính sách tiền lương phải được thực hiện đồng bộ với cải cách cơ bản đội ngũ công chức hành chính nhà nước. Đây là hai mặt của cuộc cải cách, chúng ta không thể chỉ nghiên cứu tăng lương, mà chấp nhận một bộ phận công chức dựa dẫm, hoặc lợi dụng vị thế về quyền lực, mưu cầu lợi ích riêng, làm ảnh hưởng đến danh dự của người đại diện cho chính quyền, sánh ngang bằng với những người tâm huyết với công việc.
Thứ nữa, chính sách tiền lương sau cải cách phải đảm bảo cho công chức hành chính thật sự sống được bằng tiền lương, bao hàm tái sản xuất mở rộng sức lao động và mang đặc thù của loại lao động đặc biệt. Người lao động không phải lo tăng thêm thu nhập bằng các con đường khác kể cả khi người công chức về hưu, khi họ đã hoàn thành nghĩa vụ lao động đối với xã hội, nghĩa vụ của người công chức đối với chính quyền.
Song song với quá trình cải cách hành chính, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy công chức Nhà nước, chính sách tiền lương phải thể hiện những khả năng thu hút và trọng dụng những người có tài, có đức, tận tâm đối với công việc, toàn tâm, toàn ý phụng sự quốc gia. Đồng thời cũng là những tiêu chuẩn để sa thải những người không đủ năng lực làm việc, đặc biệt là phải loại bỏ những công chức biến chất, lợi dụng chức quyền, hạch sách, tham nhũng làm mất lòng tin của nhân dân đối với chính quyền. Chính sách tiền lương cùng với chính sách cán bộ phải công khai minh bạch, đối với mỗi công việc ứng với mỗi mức lương thỏa đáng để tạo động lực cho mỗi công chức trong quá trình làm việc.
Tinh giản biên chế phải là khâu đột phá
Theo ông, làm gì để tiền lương đảm bảo tính cạnh tranh, thu hút được người tài vào bộ máy hành chính?
Trước tiên, mức lương tối thiểu vùng phải đảm bảo mức sống tối thiểu và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, chỉ số giá sinh hoạt và cung cầu trên thị trường lao động. Tiền lương công chức được cấu thành từ những thành phần cố định và thành phần linh hoạt bảo đảm cân đối và được điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhưng không làm ảnh hưởng đến tổng thu nhập của công chức.
Hệ thống tiền lương công chức phải có tính cạnh tranh với khu vực tư nhân, phù hợp với thị trường để tạo ra tính cạnh tranh cao, thu hút nhân tài: Chấp nhận chi trả lương công chức ở mức cao và bảo đảm tính cạnh tranh với khu vực tư nhân, trả lương cao tương xứng với hiệu quả công việc. Việc đề bạt công chức cũng phải căn cứ hoàn toàn vào thành tích công việc.
Điểm đặc biệt cần lưu ý là chính sách “lương sạch”. Cùng với trả lương cao, cần xây dựng một hệ thống giám sát rõ ràng và một hệ thống đánh giá công chức hiệu quả, thực chất nhằm quản lý và kiểm soát chặt chẽ thu nhập của đội ngũ công chức. Tất cả các yếu tố cấu thành tiền lương đều phải rõ ràng, không có thu nhập ngoài lương.
Nguyên tắc trả lương trên sẽ khiến cho đội ngũ công chức thực hiện một cách tự giác và nghiêm túc “bốn không”: Không được, không thể, không muốn và không dám tham nhũng. Ông Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Singapore đã từng nói: “Sự trả công thỏa đáng là nhân tố quan trọng đối với chuẩn mực liêm khiết của hàng ngũ những nhà lãnh đạo chính trị và viên chức cao cấp”. Do vậy, cần thiết phải đổi mới cơ chế quản lý ngân sách bằng việc phân quyền tự chủ tài chính đến tận cấp vụ của các bộ.
Nhiều người ví quỹ tiền lương như một miếng bánh, 5 người ăn thì no nhưng 10 người ăn sẽ đói. Ông nghĩ gì về điều này?
Việc tinh giản biên chế bộ máy hành chính nhà nước phải được coi như một khâu đột phá quan trọng. Tinh giản biên chế về số lượng nhưng phải đồng thời chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; phải coi việc đào tạo nâng cao trình độ của người công chức hành chính là một công việc hệ trọng đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế. Đồng thời, tuyển dụng những người có đức, có tài, thật sự tâm huyết với nghề nghiệp và kiên quyết đào thải những người không đủ trình độ chuyên môn, năng lực phẩm chất và thiếu đạo đức ra khỏi đội ngũ công chức.
Do vậy, cần thiết lập cơ chế tuyển dụng, đào thải công chức hành chính khoa học, chặt chẽ và nghiêm minh trên cơ sở những tiêu chuẩn cán bộ đã được xác lập. Đào tạo, tuyển dụng và đào thải là hai mặt của một vấn đề, phải gắn chặt với nhau. Tuyển dụng linh hoạt và đào thải cũng linh hoạt, phải coi đó là việc bình thường, thường xuyên trong công tác cán bộ.
Cảm ơn ông.