Tân tổng thống Myanmar là bạn tri kỷ của bà Suu Kyi

Tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw là bạn thân của bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Washington Post
Tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw là bạn thân của bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Washington Post
TP - Ông Htin Kyaw là ai? Đó là câu hỏi dường như mọi người đều nghĩ tới từ khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giới thiệu ứng viên được rất ít người biết để tranh cử tổng thống Myanmar. Nhiều tờ báo còn đưa tin sai rằng, ông từng là tài xế.

Ông Htin Kyaw là nhân vật khá mờ nhạt trước khi đột nhiên trở thành tâm điểm chú ý. Theo đúng phong cách NLD, ông không hề nói một lời nào công khai hay tổ chức họp báo trước khi Quốc hội Myanmar bỏ phiếu. Đến tận hôm 10/3, NLD mới chính thức công bố bản lý lịch của người đàn ông 69 tuổi này.

Vì thế, trước đó rất nhiều tờ báo đã đưa thông tin sai về thân phận của ông Htin Kyaw. Lỗi lớn nhất của nhiều tờ báo lớn là đưa tin chính trị gia dày dạn kinh nghiệm này từng là tài xế. Một số chính trị gia nói với báo Irrawaddy rằng, ông Htin Kyaw đôi khi thích lái xe đưa các thành viên của đảng đi đây đó. Nhưng nhiều hãng tin, tờ báo lớn, trong đó có CNN, lại hiểu ông từng là tài xế, và cũng nói ông là người đồng sáng lập NLD. Nhưng thực tế, bố vợ ông mới là người đồng sáng lập đảng này. CNN cũng đăng ảnh một người hoàn toàn khác và nhầm là ông Htin Kyaw. Nhiều báo viết rằng, ông học ở Đại học Oxford, nhưng thực tế ông học tại Đại học London.

Chiến thắng của bà Suu Kyi

Khi được xướng tên là tổng thống đắc cử, ông Htin Kyaw hôm qua nói rằng, đó là chiến thắng dành cho biểu tượng dân chủ Aung San Suu Kyi. “Chiến thắng! Đây là chiến thắng của chị Aung San Suu Kyi. Cảm ơn rất nhiều”, ông Htin Kyaw nói.

Là Giám đốc Quỹ Daw Khin Kyi, một tổ chức từ thiện được đặt tên theo người mẹ quá cố của bà Suu Kyi, ông Htin Kyaw là bạn tri kỷ của bà Suu Kyi và là một trong số ít người được phép thăm bà khi bà còn bị quản thúc tại gia. Ông Htin Kyaw từng học ở Anh cùng bà Suu Kyi và chơi thân với chồng bà.

Giành được 360 lá phiếu trong tổng số 652 phiếu, ông Htin Kyaw sẽ bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống vào ngày 1/4, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về vị trí và quyền lực của ông. Mọi người tin rằng, ông Htin Kyaw sẽ là người lãnh đạo đại diện cho bà Suu Kyi. Bà Suu Kyi trước đó nói rằng, dù bị hiến pháp cấm trở thành tổng thống, bà sẽ trở thành người “cao hơn tổng thống”. Dù gì đi nữa, ông Htin Kyaw sẽ vẫn được lịch sử nhớ đến như vị tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar trong nửa thế kỷ qua và là người đứng đầu chính phủ đầu tiên của Myanmar được bầu cử tự do và công bằng. Sau phiên họp của Quốc hội Myanmar, bà Suu Kyi rời đi và không bình luận gì, để tân tổng thống đưa ra phản ứng đầu tiên. “Đây là chiến thắng cho người dân của đất nước này”, BBC dẫn lời ông Htin Kyaw nói ngắn gọn với báo giới.

Việt Nam chúc mừng bước tiến dân chủ ở Myanmar

Ngày 14/3, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền tổ chức cuộc đối thoại giữa các quốc gia và các tổ chức phi chính phủ với Báo cáo viên đặc biệt về tình hình quyền con người tại Myanmar trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 31. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, phát biểu với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, nói rằng, cộng đồng quốc tế cần tập trung vào hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường bảo vệ và thúc đẩy các quyền của người dân, qua đó thực hiện nguyện vọng chính đáng về hòa bình, ổn định, dân chủ và phát triển của nhân dân Myanmar. Đại sứ Nguyễn Trung Thành tái khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ đối thoại chân thành và hợp tác thực chất giữa các đối tác quốc tế và Myanamar.

Cũng tại cuộc thảo luận này, với tư cách Điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền năm 2016, Đại sứ Nguyễn Trung Thành phát biểu thay mặt Hiệp hội khẳng định tình đoàn kết của ASEAN với Myanmar, chúc mừng các bước tiến Myanmar mới đạt được trong tiến trình cải cách, dân chủ hóa và hòa giải dân tộc, trong đó có cuộc bầu cử dân chủ mới được tiến hành, và hoan nghênh thiện chí hợp tác của Myanmar với các cơ chế liên quan của Liên Hợp Quốc. ASEAN nhấn mạnh rằng, cộng đồng quốc tế cần có cách tiếp cận khách quan, không phân biệt, không tiêu chuẩn kép và chính trị hóa khi xem xét các vấn đề nhân quyền; và kêu gọi Hội đồng Nhân quyền cân nhắc lại việc xem xét vấn đề Myanmar trong chương trình nghị sự của cơ chế nay.

Ông U Myint Swe, thủ hiến khu vực Yangon, trợ lý Thống tướng Than Shew, được bầu làm Phó Tổng thống thứ nhất. Ông là ứng viên của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), do quân đội đề cử. Trong khi đó, ông U Henry Van Htee Yu, ứng viên của NLD, do Thượng viện đề cử, được bầu làm Phó Tổng thống thứ hai.

MỚI - NÓNG