Quân đội Myanmar tuyên bố hợp tác với bà Suu Kyi

Bà Aung San Suu Kyi.
Bà Aung San Suu Kyi.
TP - Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing tuyên bố tôn trọng kết quả bầu cử và mong muốn làm việc với chính phủ mới do đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, Bloomberg ngày 12/11 dẫn lời quan chức chính phủ Myanmar cho biết.

“Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nói ông sẽ chấp nhận lựa chọn của người dân Myanmar và sẽ làm việc với chính phủ mới”, Bộ trưởng Thông tin Myanmar Ye Htut cho biết. Trong một thông cáo riêng rẽ, quân đội Myanmar chúc mừng NLD “vì đang dẫn đầu kết quả bầu cử” và cho biết đã chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hòa giải dân tộc vào tuần tới. Đảng NLD đã giành chiến thắng áp đảo trước Đảng Mặt trận Đoàn kết và Phát triển (USDP) của phe quân đội trong cuộc tổng tuyển cử hôm 8/11. Việc tướng Aung Hlaing công khai bày tỏ sự tôn trọng kết quả bầu cử thực sự là bước tiến lớn làm yên lòng NLD, vốn sợ lặp lại kịch bản bầu cử năm 1990 khi NLD cũng chiến thắng bầu cử nhưng bị quân đội từ chối công nhận kết quả.

Ủy ban bầu cử Myanmar đã công bố kết quả về 2/3 số ghế trong quốc hội. NLD giành 273 ghế so với khoảng 27 ghế của USDP. NLD cần 330 ghế ở hai viện để có thể chọn tổng thống mới mà không cần phải dựa vào sự liên minh của đảng khác. Ủy ban bầu cử cho biết, việc kiểm phiếu có thể mất một tuần hoặc hơn. NLD đã giành được 80% số ghế tại Hạ viện, một kết quả đủ để bà Suu Kyi thành lập chính phủ mới và đang trên đà chiến thắng tại Thượng viện và các địa phương.

Reuters ghi nhận, cả hai nhân vật quyền lực của Myanmar là Tổng thống Thein Sein và Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing đều đã lên tiếng ca ngợi chiến thắng của bà Suu Kyi, chúc mừng bà giành được đa số ghế tại kỳ tuyển cử tự do đầu tiên trong 25 năm qua. Cả hai ông đều cam kết tôn trọng kết quả bầu cử và đồng ý với yêu cầu đàm phán hòa giải sớm, dù các bên vẫn chưa thống nhất về chi tiết.

Theo giới quan sát, cam kết của hai ông Thein Sein và Min Aung Hlaing sẽ làm dịu quá trình chuyển giao quyền lực hậu bầu cử. Đây cũng là sự hợp tác giữa các nhà hoạt động dân chủ và phe quân đội - những người đã chống lại họ suốt nửa thế kỷ qua với bàn tay sắt, trước khi chuyển giao quyền lực cho một chính phủ bán dân sự vào năm 2011. Vẫn chưa rõ một khi lên lãnh đạo chính phủ, bà Suu Kyi sẽ thỏa hiệp với thế lực từng giam cầm mình ra sao. Nhưng dường như cuộc đấu giữa bà Suu Kyi với giới quân sự còn lâu mới kết thúc. Thắng lợi của bà chỉ là tiếng còi khai trận cho một cuộc cân não khác có khi còn quyết liệt hơn thời bà bị quân đội giam cầm. Theo hiến pháp Myanmar, quân đội sẽ tiếp tục nắm quyền lực đáng kể trong thể chế chính trị.

Bản hiến pháp do chính quyền quân sự Myanmar soạn thảo quy định, ngoài việc cho phép quân đội nắm tới 25% số ghế trong Quốc hội không qua bầu cử, Tổng tư lệnh quân đội có quyền chỉ định người đứng đầu 3 bộ quyền lực gồm Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Biên giới. Mặc dù chặng đường phía trước chắc chắn sẽ nhiều chông gai, nhưng nhiều người tin rằng cuộc tổng tuyển cử lịch sử kết thúc hàng thập kỷ quân đội cầm quyền sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước Myanmar đang trong giai đoạn cải cách mở cửa ban đầu.

MỚI - NÓNG
Ninh Dương Lan Ngọc rời showbiz
Ninh Dương Lan Ngọc rời showbiz
TPO - Đại diện của nữ diễn viên cùng đơn vị quản lý nhóm LUNAS xác nhận thông tin Ninh Dương Lan Ngọc du học Australia trong vài ngày tới, tạm ngừng hoạt động tại Việt Nam.