Nhà báo Dương Phương Vinh, Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong
Sau hơn chục năm để tóc quăn dài hoặc lỡ, quyết định cắt ngắn tôi được người bạn giới thiệu một kỳ nhân mà cô cực tin tưởng. Nhưng hẹn ba lần không xong, người ta đi nước ngoài hoặc khách đặt kín lịch mất rồi. Đến lúc bố trí được thì mình lại kiêng “mùng năm, mười bốn, hăm ba”.
Thế rồi đành chọn một hiệu có cơ sở rải ở nhiều thành phố, vào Facebook của họ thấy cũng chuyên nghiệp. Kết cục, thêm một lần nghiệm ra: tin quảng cáo thì đổ thóc giống ra ăn. Ngoài tiết mục quấn nóng làm mình suýt bỏng thì mái đầu hiện ra sau mấy tiếng vần vò trông không giống mẫu tí nào, có phần lố bịch trong tương quan với ngoại hình. Mà người Việt hay lắm nhé, làm kém làm lỗi, không như giao hẹn nhưng cứ thản nhiên thu đủ tiền, chả hề định bớt đồng nào.
Rồi kỳ nhân kia nhắn tin nói có thể chen ngang do có người hủy hẹn. Tôi đến muộn 10 phút, nom mặt ông chủ lạnh như tiền dù đã nghe rối rít giải thích là do gặp vụ cưa cây giữa đường, bị tắc một lúc.
Ngay từ đầu, anh ta lên lớp một thôi một hồi, nào là chị cứ kiêng với kỵ thì làm ăn gì, “tôi đây cũng chỉ dám kiêng mùng 1”. Anh ta thăm tóc, hỏi mới làm ở đâu. Nghe tôi hỏi nên chọn kiểu nào bèn đáp lạnh lùng “chị làm gì có lựa chọn” và nêu bật các nhược điểm của khách, đã nhược điểm lại còn làm cháy tóc và cắt hỏng bởi cái hiệu quí hóa Tuyết Phan trót đâm đầu trước đó.
Anh ta cho biết hành nghề không vì khát làm giàu. “Một ngày tôi chỉ cắt cho hai người, khách ta hoặc Tây, sang trọng hay bình dân đều thế. Tiếp ai là không bao giờ có mặt người khác”. Bỏ hàng tiếng đồng hồ trước và sau cắt để tư vấn không chỉ vụ tóc tai. Bắt đầu thao tác là tuyệt không nói chuyện.
Sau 3 tiếng đồng hồ lia ngang lia dọc và trị liệu phục hồi, mái tóc hiện ra có thể chưa hoàn hảo nhưng là sự đột phá so với tác phẩm hãm tài trước đó. Và đã nghe nói người này sẽ căn cứ không chỉ gương mặt mà cả cá tính và nghề nghiệp của khách để lựa kiểu, tôi còn thấy anh ta để tâm chuyện: mái tóc cắt mới liệu có hợp với kính của tôi không. Cuối cùng, khách ra về trong hả hê với một lô kinh nghiệm. Từ chuyện phải sấy nhẹ chứ không để khô tự nhiên thì nó mới vào nếp; nên gội đầu ở nhà vì ở hàng người ta hay gãi mạnh, hại tóc và da đầu, lượng nước lại ít không đủ sạch da đầu...
Nhìn đám tóc chết dưới sàn, tôi nói “cũng có khối tóc mà cắt đấy chứ” (sau vụ bị hỏng, tưởng còn không bao nhiêu mà cắt cắt xén xén). Anh ta: “Tôi phải gạn hết mức, tương kế tựu kế cứu lấy tóc trên cái nền người ta uốn từ trước. Và tôi vẫn tôn trọng đường ngôi của chị nhưng...”
Thuộc loại dị ứng trường phái bún mắng cháo chửi, lúc đầu nghe nhà tạo mẫu xổ ra một chặp, sốc lắm. Nhưng nghiệm ra thì anh ta nói đúng cả. Và thực sự tâm huyết với nghề. Hôm sau giới thiệu cho cô bạn, cô cũng ra về trong thỏa mãn về tác phẩm “lẽ ra nên táo bạo hơn nữa nhưng thay đổi hẳn gương mặt; hiện đại, trẻ ra mấy tuổi”. Và nhận xét kẻ tạo tác: “Người chất đấy chị ơi”.
Hồi trẻ, cùng nhau lê đầu lê thân khắp Hà thành, tôi và bạn bè thấu hiểu thế nào là sự cần thiết phải có thợ tóc và thợ may ruột. (Bây giờ gọi là nhà thiết kế, nhà tạo mẫu). Khi bạn cắt tóc hỏng, một vài tháng mới thay đổi được hoặc hớn hở đi may đo xong đến lúc lấy quần áo về thì xếp xó, hoặc mỗi cái tủ bếp mà bị thợ đánh vật mãi không xong, thì sự khéo mồm, kể cả tử tế của thợ, thành vô nghĩa. Tốn tiền bạc, công sức, thời gian. Như thằng bé cắt đã không theo yêu cầu lại biện minh không thuyết phục, cùng mấy đứa vụng về làm tôi suýt bỏng da đầu lẫn da má trên kia, lễ phép ngoan ngoãn lắm nhưng một khi chỉ nhăm nhăm lấy tiền của khách bất kể họ hài lòng hay không, và phạm lỗi nghề nghiệp lớn nhỏ, làm hỏng việc, thì có thể bị quy kết là nhân cách có vấn đề lắm chứ, xuất phát từ sự kém tài.
Còn kỳ nhân trên kia, chỉ một buổi sao có thể biết hết con người thế nào, lại hơi bẳn tính nhưng anh ta làm nghề một cách chuyên nghiệp, khiến khách hài lòng thì đó là nhân cách chứ còn gì nữa. Tài năng trong trường hợp này chính là nhân cách. Chưa kể, anh ta thực sự có tâm khi cho khách những lời khuyên hữu ích. Mỗi ngày tiếp nhõn hai mống! Kỳ khu.
Dù bạn làm gì, không nói nghề nghiệp cao siêu mà thợ may, thợ tóc, thợ làm bánh, thợ mộc, thợ nề..., hãy cố gắng đứng ở vị trí số 1 hoặc chiến đấu trong hàng ngũ số 1. Cùng lắm thì hàng ngũ số 2. Nhiều người quan niệm “hạnh phúc là làm người bình thường”- không nổi bật, không gây chú ý càng không nên là thiên tài bởi chữ tài liền với chữ tai một vần, nhưng làm người giỏi, nghệ tinh, thú vị của nó đấy.
Mang danh nhà văn mà chữ nghĩa loạng choạng, không điều khiển được nó (chữ nghĩa), xưng tên không ai biết, viết gì không ai hay thì tìm cách chuyển nghề, đỡ nhọc nhằn cho mình cho người. Nhà báo thì không cần nổi tiếng như nhà văn, nhưng người chuyên nghiệp là người sống được bằng nghề, bằng nhuận bút. Là nghệ sĩ, phải nghệ sĩ đúng nghĩa.
Xưa học cấp 2, có cô giáo dạy Văn mà cứ giờ của cô là tôi díp mắt, ngáp lên ngáp xuống. Thấy trò ngồi ngoan nhưng cứ hoen mi, cô gặng hỏi “Sao khóc? Buồn chuyện gì à”. Chả biết nói sao. Lên cấp 3 có cô dạy Hóa hiền lắm lại quí tôi nhưng cô làm tôi sợ môn Hóa. Kiểm tra miệng đầu giờ, mỗi khi cô rê bút xuống phía cuối cuốn sổ điểm, xong đưa mắt nhìn tôi là biết cô muốn gọi mình, nhưng tôi nhiều hôm không kịp học bài nên cứ ngồi đó xua tay ra hiệu, ý nói đừng gọi em cô ơi. Thế là cô cười hiểu ý, chuyển qua đứa khác. Đáng yêu thế đấy. Tôi cũng quí cô nhưng người tôi biết ơn và nhớ mãi lại là chồng cô, dạy Toán cực hay lại tận tâm, và khó tính hơn cô nhiều.
Một đồng nghiệp sắc sảo ở bản báo có lập ngôn vui vui sau nhiều năm lăn lộn trường văn trận bút: “Những thằng bất tài ý mà, nó khó thông cảm với thằng có tài lắm”. Người không xấu có thể trở nên hơi xấu là vì thế, khi so tài cao thấp. Với nhiều người, thà bạn chê họ không có nhân cách còn hơn là chỉ ra sự kém tài, bởi tài năng là điều khó, hiếm. Và tài năng có thể đối lập nhân cách, có tài có tật là bình thường nhưng khuôn khổ bài báo này không định mở rộng như vậy mà chỉ kêu gọi sự nỗ lực rèn nghề, cố gắng không phụ lòng người khác, cố gắng giỏi nhất trong khả năng có thể. Nếu bạn muốn nhận được sự tôn trọng. Cố mà không được thì mới đành chịu.