Người thầy
“Những cuốn sách Kim Đồng do người lớn hạ cố viết cho trẻ em, những giờ văn thầy ngắc ngứ trò ngắc ngứ” là cách nhà văn Phạm Thị Hoài mai mỉa nền giáo dục và văn học thiếu nhi một thời.
Còn đây là giai thoại tôi từng kể trên báo nhà: Hồi nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, có lần ông chê Trần Ninh Hồ biên tập dốt. Trần Ninh Hồ đối đáp: Cấp 2 cấp 3 đều học Con trâu, vào đại học lại Con trâu, gì mà chả ngu!” Ông Bổng dỗi vài hôm thì xẻn lẻn: Vào đại học chúng nó cũng phải học Con trâu thật à? Thế thì ngu thật!” (Chứng tỏ ông chả vinh dự gì khi con trâu của mình được nhai đi nhai lại).
Với lớp 8A trường Trưng Vương của chúng tôi ngày ấy, không hề có “những giờ văn thầy ngắc ngứ trò ngắc ngứ” hoặc nhai lại bài học cũ mèm mà là những giờ học sướng hơn đi chơi. Theo cách nói thời thượng là “tương tác”. Luôn tương tác thầy-trò, không đần ra thụ động, cắm đầu cắm cổ ghi ghi chép chép.
Bởi vì người thầy này- Nguyễn Bắc Sơn đã quyết vận dụng những sáng kiến, cải cách giáo dục ông tích lũy bao năm vào lớp 8A (lớp 10 bây giờ).
Ôi làm sao quên được cái buổi ban đầu lưu luyến ấy. Ví dụ lần đầu tiên tôi nghe giải nghĩa từ “bài ca”: những gì đẹp nhất, hay nhất, lý tưởng nhất. “Bài ca giao thông vận tải” nghĩa là những gì hay nhất đẹp nhất lý tưởng nhất về giao thông vận tải. Sau này mỗi khi viết những phóng sự đặt tít kiểu Bài ca du lịch, lại nhớ về thuở đầu đời 8A. Cũng như tít Bài ca sư phạm trên kia. Dù khuôn khổ bài báo này không thể tải hết vẻ đẹp của nghề sư phạm và những giờ học có chất.
Những cải cách của Nguyễn Bắc Sơn không phải đồng nghiệp nào cũng tâm phục khẩu phục. Ví dụ thay vì gọi sổ “Liên lạc” thì gọi sổ “Tu dưỡng”. Trước mỗi giờ kiểm tra, mỗi đứa học trò để trước mặt tấm biển nhỏ “Lời hứa danh dự” tự tay viết, trong đó thề không quay cóp.
Chúng tôi được dạy không ghi “Lời phê của giáo viên” mà “Lời phê của thầy giáo”, mới có lễ nghĩa. Không nói cám ơn, mà cảm ơn. Được dạy về “đố kỵ giới tính” ngay những ngày đầu, nghĩa là cùng dấu đẩy nhau, khác dấu hút nhau. Ngay từ đầu, thầy nói: “Thầy cô giáo không phải là khuôn vàng thước ngọc”- điều trước đó chưa từng nghe.
Chúng tôi được tha hồ phóng bút, bộc lộ cá tính. Nhưng hay bị để ý tiểu tiết như: Tên họ phải viết ngang hàng với thứ ngày tháng. Nhớ lần viết về truyện ngụ ngôn Aesop, tôi bị trừ 1 điểm, vì can tội “ngông ngạo” ghi họ tên góc bên trái hơi cao một chút.
Trong một năm học, chúng tôi lần lượt đi dã ngoại các chùa cách Hà Nội mấy chục cây số bằng xe đạp: Chùa Hương, chùa Thầy, Tây Phương, Trầm, Trăm Gian. Có lần băng qua cánh đồng mía dừng lại nhổ trộm, bị đuổi, ném gạch và mắng với theo: “Hà Nội có tội với nhà quê!” Thời bao cấp ai chả khổ nhưng bọn Hà Nội vẫn nhung nhăng nhởn nhơ lắm so với “nhà quê”, ghét là phải.
Nguyễn Bắc Sơn cho rằng những chuyến tham quan dã ngoại và lao động dã ngoại là cơ hội tốt nhất để sát hạch năng lực tổ chức, giáo dưỡng của thầy lẫn trò. Nhớ mãi lần lao động công ích xây trường mầm non Hoa Hồng tức Việt- Bun gần hồ Hai Bà, moi đất moi cát trêu nhau trêu cả thầy, quá vui.
Ngay ngày đầu, thầy phát cho mỗi đứa một tờ giấy ghi nguyện vọng của mình, kỳ vọng gì ở thầy ở bạn, đề cao những đức tính nào nhất, và phải làm gì để có được tập thể đoàn kết vững mạnh.
Chính tả, văn mẫu và những chuyện khác
Trong câu chuyện cải cách giáo dục hôm nay, năm thứ 17 của thế kỉ 21, thoạt tiên tôi và thầy giáo cũ nói về khái niệm trường ra trường lớp ra lớp, thầy ra thầy trò ra trò- tưởng tất yếu nhưng không hẳn.
Tôi gợi chuyện hơn ba chục năm trước thầy kể: Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khuyên học trò đừng “ở trường thì Mác-xít, ra đường thì nhăng nhít, về nhà thì phát-xít” (bắt nạt em út). Như chỉ chờ có thế, Nguyễn Bắc Sơn khẳng định: “Thủ tướng Phạm Văn Đồng chính là người chỉ ra rất sớm việc nhà trường của ta chủ yếu truyền đạt, trang bị kiến thức sách vở, kiến thức chay mà không dạy kỹ năng sống”.
Và cho biết: “Hồ Ngọc Đại có cuốn sách Về cặp phạm trù Cái và Cách. Người dạy Văn muốn giờ học sống động phải đảm bảo “cái” tức là truyền thụ kiến thức đi kèm “cách”: dẫn giải, liên tưởng, liên hệ thế nào đó để kiến thức vào đầu học sinh một cách ấn tượng, lâu quên”.
“Vậy theo ông, để học sinh yêu thích môn Văn, điều chính yếu là phải liên hệ với thực tại, với cuộc sống?” “Đúng vậy. Lâu nay môn Văn bị chán vì học sinh chỉ được truyền thụ một cách đơn giản những kiến thức cơ bản của sách giáo khoa. Mà không cụ thể hóa, hình tượng hóa, thực tế hóa cuộc sống. Nên học không vào”.
“Ông nói gì về văn mẫu? “Những bài văn xuất sắc luôn đáng tham khảo, nhưng phải hiểu rằng đó chỉ là một cách, và nó không có tác dụng với em nào lười suy nghĩ”.
“Gần đây cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân- phê bình và khảo cứu của Hoàng Tuấn Công xôn xao dư luận. Ông có quan tâm?” “Làm từ điển mà làm một mình thì không khoa học. Phải có một đội ngũ, có cộng tác viên. Nhất là không ai hiệu đính thì sai sót rất dễ xảy ra như nó đã xảy ra. Dẫn đến điều đáng tiếc là sách in đi in lại vẫn để những lỗi sai”.
Về lý do Nguyễn Bắc Sơn dạy chúng tôi ở Trưng Vương trong một khóa học vô tiền khoáng hậu- lần đầu tiên cả nước có một ngôi trường tồn tại ba cấp: Số là trước đó, cấp 1-2 Trưng Vương được chọn làm địa điểm triển lãm hoành tráng thiết bị nhà trường Liên Xô. Kết thúc đợt triển lãm, Liên Xô tặng lại toàn bộ. Trường Phổ thông Trưng Vương được thành lập để tận dụng số tài sản này, với những phòng bộ môn giá trị cho cấp 3. Nhưng cũng chỉ một năm học thì giải tán, mô hình thí điểm bị thất bại. Vì cả nước không đâu có chuyện cấp 1,2 do Phòng giáo dục quận, huyện quản lý còn cấp 3 thì Sở giáo dục Đào tạo quản lý. Nguyễn Bắc Sơn từ trường Hoàn Kiếm về vừa làm chủ nhiệm lớp chúng tôi vừa dạy Văn ba lớp, kiêm thư ký hội đồng cấp 3 và thư ký “đại hội đồng” ba cấp.
Năm đó, quả là người thầy này đã khéo léo vận dụng những kiến thức thực tế vào bài giảng. Ông khoe mình là người đầu tiên nghiên cứu và công bố di chúc Bác Hồ dưới góc nhìn ngôn ngữ (hiện ông là Ủy viên BCH Hội Ngôn ngữ học Hà Nội). Một số bài báo có tính khảo cứu khác: Tay chiêu đập niêu có vỡ; Bàn tính gẩy Trung Quốc ra đời như thế nào; Trận địa cọc Bạch Đằng đã được thi công như thế nào... vv...
Vâng, chỉ là câu chuyện học Văn, câu chuyện làm thế nào để Văn, Sử không là nỗi chán chường thậm chí sợ hãi, thế mà bao lần cải cách sách giáo khoa nói riêng, cải cách giáo dục nói chung của chúng ta vẫn loay hoay. Một người thầy không hẳn “khuôn vàng thước ngọc” như Nguyễn Bắc Sơn quả thật đã gieo vào chúng tôi niềm yêu thích môn Văn và tiếng Việt, mơ một ngày làm nghề liên quan chữ nghĩa. Những năm 60 thế kỉ trước ông từng bỏ dở việc tự học Quốc tế ngữ và tiếng Nga chỉ để nghiền ngẫm tiếng Việt, nhất là từ Hán Việt nên đặc biệt thích thú “từ nghĩa tiếng Việt”, thứ mà ai ai nhất là nhà văn, nhà báo đều cần.
“Có lần dự giờ của một giáo viên, tôi hỏi chị dạy truyện “Cây khế” này để làm gì? Vì bản chất những truyện như “Cây khế” là bi kịch chia gia tài. Cho đến giờ vẫn bi kịch, anh em đánh nhau, kiện tụng cũng vì chia gia tài. Dạy Văn phải gắn với thực tế cuộc sống. Người Mỹ dạy chuyện Lọ Lem hay lắm”.
Ông Nguyễn Bắc Sơn
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn có 21 đầu sách; từng làm Phó Hiệu trưởng trường cấp 3 Chu Văn An, Trưởng phòng Quản lý Báo chí Xuất bản Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội trước khi nghỉ hưu.