Tái hiện khoa cử Việt Nam xưa

Xem triển lãm khoa cử Việt Nam xưa. Ảnh: Nguyên Khánh.
Xem triển lãm khoa cử Việt Nam xưa. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Nền khoa cử nghìn năm của Việt Nam được tái hiện trong triển lãm Khoa cử Việt Nam xưa, kéo dài hết 5/4/2018 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Hơn 50 tài liệu về nền khoa cử Việt Nam tập trung quanh ba chủ đề: Lịch sử giáo dục và khoa cử Việt Nam qua các triều đại, Quốc Tử Giám-trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, Bia tiến sĩ và các Trạng nguyên tiêu biểu. Hiện vật trưng bày được chọn lọc từ khối tư liệu di sản thế giới gồm mộc bản, châu bản và bia tiến sĩ.

Người xem phần nào hình dung ra những kỳ thi đầu tiên trong lịch sử, quy chế và tính nghiêm ngặt trong từng kỳ thi, những bậc danh nhân tiêu biểu như Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia IV cho biết đây mới chỉ là một phần nhỏ trong khối lượng đồ sộ tư liệu lưu trữ, giới thiệu phần nào bức tranh khoa cử xưa.

Kể từ khoa thi cuối cùng năm 1919, người Việt càng dần xa lạ với chế độ khoa cử gắn với nền Hán học trải dài nghìn năm. Khối di sản tư liệu được UNESCO ghi nhận chính là bằng chứng được giữ gìn, bảo tồn và ngày càng chứng tỏ tính khoa học về tiến trình cha ông dùng Hán học để truyền tải giá trị tư tưởng văn hóa của Việt Nam.

Triển lãm lần này không chỉ là cơ hội cho công chúng tìm hiểu về văn hóa và lịch sử, mà còn là một trong những hình thức sinh động quảng bá di sản tư liệu thế giới. Ông Nguyễn Xuân Hùng cho biết, không chỉ trưng bày tư liệu khô cứng tại sân Đại Bái, BTC nghĩ tới việc ra sách, phối hợp truyền hình thực hiện phim tài liệu, làm các clip lan tỏa trên mạng xã hội để mở rộng đối tượng tiếp cận.

Không gian Văn Miếu-Quốc Tử Giám rất hợp cho trưng bày về khoa cử xưa, thậm chí nhiều nhà khoa học còn từng nêu ý tưởng phải có bảo tàng khoa cử tại đây. Nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích giáo dục hay khoa cử quan trọng bởi là nền tảng trí tuệ, nguồn nhân lực cao cấp của quốc gia. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá khoa học VMQTG nhắc tới ý định dựng bảo tàng khoa cử, đến nay vẫn dừng lại ở ý tưởng và kế hoạch dài hơi trong quy hoạch tổng thể VMQTG.

“Tái dựng bảo tàng sẽ khó khăn vì chúng ta trải qua nhiều biến cố, từ tiếp cận với nền văn hóa và giáo dục Trung Hoa đến thời kỳ sau này dẫn đến nhiều mất mát”, ông Dương Trung Quốc nói. Tuy nhiên ông cũng đánh giá cao tính khả thi của ý tưởng dựng bảo tàng khoa cử, bởi chúng ta có thể tham khảo mô hình ở nhiều nước Đông Nam Á, Triều Tiên, Trung Quốc với nền Nho học tương đồng, hơn thế còn có thể trông cậy ở khối dữ liệu lưu trữ không nhỏ.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia IV khẳng định trong kho tàng mộc bản triều Nguyễn chứa đựng nhiều tài liệu quan trọng về khoa cử-căn cứ vững vàng để dựng bảo tàng khoa cử. “Nếu cứ lưỡng lự và ngồi chờ, chúng ta sẽ đánh mất di sản quý. Nếu chưa thể tái dựng hoàn toàn, ta có thể làm từng phần, có sai có sửa”, ông Dương Trung Quốc nói.

MỚI - NÓNG