Tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy: TKV đã thực hiện thế nào?

Tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy: TKV đã thực hiện thế nào?
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu (TCC) TKV giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12/12/2017, đến nay, TKV đã có những thay đổi, chuyển biến tích cực.

Tạp chí Than - Khoáng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trưởng Ban Tổ chức Nhân sự Tập đoàn Trần Văn Cừ (Ông T.V.C) để cung cấp tới bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về TKV sau hơn 1 năm thực hiện Đề án TCC.

P.V: Xin chào Ông! Trước tiên, xin Ông cho biết mục tiêu của Đề án TCC tại Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam?

Ông T.V.C: Mục tiêu chung của Đề án TCC là để tối ưu hiệu quả hoạt động của Tập đoàn, tối đa hoá hiệu quả sử dụng vốn mà Chủ sở hữu Nhà nước đã đầu tư vào Tập đoàn. Ngoài ra, Đề án TCC TKV còn có những mục tiêu cụ thể, đó là TCC để tinh gọn tổ chức bộ máy, sử dụng ít lao động, đổi mới về công nghệ theo hướng cơ giới hoá - tự động hoá nhằm tăng năng suất lao động, ứng dụng quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại.

P.V: Vậy hiện tại, TKV cũng như các đơn vị thành viên đã triển khai Đề án này ra sao, thưa Ông?

Ông T.V.C: Ngay từ khi xây dựng Đề án thì TKV đã đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai rồi. Khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án, Đảng uỷ và Hội đồng thành viên Tập đoàn ngay lập tức có nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án và các Tổ công tác để triển khai từng việc cụ thể. Hằng năm đều có kế hoạch triển khai tiến độ từng công việc, năm nào làm việc gì.

Năm 2018, đã triển khai thành công việc hợp nhất/sáp nhập 4 cặp chi nhánh gồm sáp nhập Công ty kho vận Hòn Gai vào Công ty tuyển than Hòn Gai, sáp nhập Công ty than Hồng Thái vào Công ty than Uông Bí, hợp nhất Công ty xây dựng mỏ hầm lò 1 và 2 thành Công ty Xây lắp mỏ, chuyển Ban Quản lý các dự án than Đồng bằng Sông Hồng thành đơn vị thuộc Viện Khoa học Công nghệ Mỏ. Chuyển đổi Công ty Tư vấn quản lý dự án thành Ban Quản lý dự án chuyên ngành mỏ than. Giải thể các xí nghiệp thuộc Công ty Môi trường để chuyển về mô hình công ty 1 cấp quản lý. Năm 2018, chúng ta cũng đã triển khai thoái vốn thành công tại Công ty CP Vận tải thuỷ, Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà và Hạ tầng, Công ty CP Đại lý Hàng hải, Công ty liên doanh khoáng sản Steung Treng; đồng thời tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ lên mức chi phối tuyệt đối tại các công ty cổ phần khai thác than. Một nội dung cũng rất quan trọng thể hiện quyết tâm TCC của Tập đoàn đó là năm 2018 đã phê duyệt Đề án TCC đến năm 2021 cho 19 đơn vị sản xuất than và 4 tổng công ty, nghĩa là không chỉ Tập đoàn mà tất cả các cấp doanh nghiệp đều phải vào cuộc.

Đặc biệt là các chương trình “Cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá” và chương trình “Tăng năng suất, giảm giá thành” đã được triển khai từ những năm trước đó, nay đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng bước đầu, thể hiện bằng các chỉ tiêu kỹ thuật, công nghệ và tài chính của Tập đoàn năm 2018 đều rất khả quan.

P.V: Tuy nhiên, việc thực hiện TCC bao giờ cũng “đụng chạm” tới 1 số cán bộ. Đâu là những khó khăn, đặc biệt là vấn đề nhân sự khi thực hiện Đề án TCC tại TKV?

Ông T.V.C: Đúng là khi TCC thì vấn đề khó nhất là giải quyết công tác nhân sự, nhất là đối với lực lượng lao động quản lý ở các đơn vị bị sắp xếp lại tổ chức. Tôi có thể chia sẻ với chị một trong những khó khăn đó là việc xử lý các mối quan hệ tác động từ bên trong, bên ngoài đối với công tác nhân sự. Vì vậy, để ổn định vấn đề tư tưởng đối với cán bộ, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị phải công khai, minh bạch trong quá trình sắp xếp cán bộ, đồng thời phải thực hiện có lộ trình, không nóng vội. Cụ thể, khi sắp xếp thì trước mắt tạm giữ nguyên vị trí cho cán bộ, sau đó đơn vị xây dựng lại định biên lao động, cơ cấu chức danh các vị trí phù hợp với mô hình tổ chức mới để trình Tập đoàn phê duyệt. Từ căn cứ đó đơn vị mới tiến hành xây dựng tiêu chí sắp xếp, phổ biến công khai, tạo sự đồng thuận rồi mới tiến hành sắp xếp theo từng bước một.

Chuyển biến lớn nhất đề án TCC đem lại là thay đổi tư duy từ các cấp lãnh đạo đơn vị cho đến người lao động trực tiếp

P.V: Với những động thái quyết liệt của những người đứng đầu Tập đoàn, sự vào cuộc đầy quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, Đề án TCC đã đem lại những thay đổi, chuyển biến thế nào trong TKV, đặc biệt với vấn đề năng suất lao động, thưa Ông?

Ông T.V.C: Chuyển biến lớn nhất là thay đổi tư duy từ các cấp lãnh đạo đơn vị cho đến người lao động trực tiếp. Tư duy mới bây giờ là tổ chức phải tinh gọn, phải đầu tư cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá để sử dụng lao động sống ít nhất. Tư duy mới là làm gì cũng phải chuyên nghiệp, làm những gì cốt lõi thuộc về thế mạnh ngành nghề của mình, không làm dàn trải mọi thứ. Điều mà tôi rất vui là giờ đi đến đơn vị thành viên nào cũng thế - từ hầm lò cho đến lộ thiên, sàng tuyển rồi cơ khí, điện, hoá chất, alumina - đều thấy sự chuyển biến trong việc tích cực triển khai ứng dụng tự động hoá, đầu tư thiết bị đồng bộ công suất lớn để tăng năng lực sản xuất, sử dụng ít lao động. Một điểm thay đổi lớn nữa đó là các lãnh đạo đơn vị bây giờ rất thận trọng, cân nhắc khi tuyển lao động, vì họ đã thấm thía những hậu quả do việc sử dụng quá nhiều lao động của những giai đoạn trước.

Đối với vấn đề năng suất lao động, không thể nói khác được đó là TCC đã làm cho tốc độ tăng năng suất lao động ngày càng cao. Tôi lấy ví dụ của năm 2018 so với năm 2017 để Nhà báo cùng kiểm chứng. Nếu tính NSLĐ tổng hợp toàn Tập đoàn theo doanh thu đạt 1,1 tỷ đồng/người-năm, tăng 15,8% so với 2017. Nếu tính theo sản lượng than tiêu thụ quy đổi của khối than đạt 635 tấn/người-năm, tăng 15,7% so với 2017. NSLĐ trực tiếp cũng tăng cao, cụ thể NSLĐ khai thác than lò chợ bình quân đạt 6,15 tấn/công, tăng 8,9% so với định mức và tăng 5,6% so với 2017. NSLĐ đào lò đá đạt bình quân 0,057 mét/công, tăng 9,4% so với định mức và tăng 3,6% so với 2017.

Một con số rất ấn tượng tôi muốn nhấn mạnh, đó là năm 2018, sau 1 năm thực hiện Đề án TCC giai đoạn 2, số lao động danh sách của Tập đoàn đã giảm tuyệt đối 6.129 người so với đầu năm, đã làm cho số lao động danh sách của toàn Tập đoàn giảm xuống còn 98.375 người. Như vậy, mục tiêu về tinh giản lao động mà Đề án TCC TKV giai đoạn 2 đặt ra, đó là đến hết năm 2020 lao động của TKV giảm xuống dưới 100 ngàn người, đã được hoàn thành trước 2 năm.

P.V: Thế còn công tác chuẩn bị cổ phần hóa Công ty Mẹ - TKV, hiện công tác này đã và đang được triển khai thế nào, thưa Ông?

Ông T.V.C: Đối với công tác chuẩn bị cổ phần hóa công ty mẹ - TKV, việc đầu tiên là phải xử lý đất đai và những tồn tại về tài chính trước khi tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Công tác xử lý tài chính đã và đang được Lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo triển khai rất quyết liệt. Nhưng riêng việc lập phương án sử dụng đất thì bị chậm tiến độ, vì TKV là doanh nghiệp khai khoáng quy mô lớn nên sử dụng rất nhiều đất đai, đồng thời phạm vi hoạt động khắp cả nước nên để có thể được tất cả các địa phương phê duyệt phương án xử lý nhà đất của TKV trên địa bàn họ quản lý sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Nếu chúng ta chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất thì chưa thể triển khai cổ phần hoá Công ty mẹ - TKV được. Có thể nói tiến độ cổ phần hoá TKV sẽ bị chậm. Đây là một thực tế khách quan.

TCC có ý nghĩa đặc biệt khi TKV chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản xuất than sang sản xuất và kinh doanh than

P.V: Câu hỏi cuối cùng, trong một vài thập kỷ tới, nhiệt điện than dự kiến vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn năng lượng của nước ta nên nhu cầu sử dụng than sẽ tiếp tục tăng cao trong khi năng lực sản xuất chưa được đầu tư kịp. Quan điểm cá nhân Ông về tác động của việc TCC đến vấn đề này thế nào?

Ông T.V.C: TCC thành công sẽ giúp TKV tăng được năng lực sản xuất. Bởi vì TCC thành công sẽ giúp có thêm động lực tăng được năng suất lao động lên cao hơn nữa, đồng thời tăng được lợi nhuận nên sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất. Mặt khác, quan điểm của Lãnh đạo Tập đoàn là sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh của TKV từ sản xuất than sang sản xuất và kinh doanh than. Như vậy chúng ta vừa có năng lực tự sản xuất, vừa có năng lực nhập khẩu than để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

P.V: Xin chân thành cảm ơn Ông!

MỚI - NÓNG