Tác phẩm nổi tiếng vẫn không là “Bảo vật quốc gia”?

Tác phẩm “Nhớ một chiều Tây Bắc” Ảnh: Nguồn Internet
Tác phẩm “Nhớ một chiều Tây Bắc” Ảnh: Nguồn Internet
TP - Tại sao “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân hay  các tác phẩm về phố cổ Hà Nội của Bùi Xuân Phái… không có tên trong danh sách “Bảo vật quốc gia” là thắc mắc của nhiều người yêu mến hội họa Việt thời gian qua.

Ơ lĩnh vực mỹ thuật, bảo vật quốc gia bao gồm hai mảng: Tranh và tượng. Những tác phẩm hội họa được công nhận “Bảo vật quốc gia” bao gồm: Tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia Trí; Tranh sơn mài “Thiếu nữ trong vườn” của Nguyễn Gia Trí; Tranh sơn mài “Dọc mùng” của Nguyễn Gia Trí (“Thiếu nữ trong vườn” và “Dọc mùng” vẽ trên hai mặt của bức “Bình phong”); Tranh sơn dầu “Hai thiếu nữ và em bé” của Tô Ngọc Vân; Tranh sơn dầu “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn; Tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng; Tranh sơn mài “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” của Dương Bích Liên; Tranh sơn mài “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm; Tranh sơn mài “Thành đồng Tổ quốc” của Nguyễn Sáng.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chỉ ra điểm riêng  của “Bảo vật quốc gia” ở mảng hội họa: “Bảo vật quốc gia ở lĩnh vực khác, kể cả tượng, trong lĩnh vực mỹ thuật, đều không có tên tác giả. Còn 9 bức tranh được công nhận “Bảo vật quốc gia” đều có tên tác giả kèm theo”. Và rắc rối cũng nảy sinh từ đây.

Phải là bản gốc, độc bản

Ngay cả người trong giới hội họa cũng chỉ hiểu: Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản. Nhưng tiêu chí nào để công nhận một tác phẩm là “Bảo vật quốc gia” thì họ cũng lơ mơ. Ông Vi Kiến Thành cung cấp: “Theo khoản 1, Điều 1, Luật Di sản Văn hóa, sửa đổi năm 2009 thì “Bảo vật quốc gia” có những tiêu chí sau: Hiện vật gốc, độc bản; Hiện vật có hình thức độc đáo; Là tác phẩm nổi tiếng về giá trị tư tưởng, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách thời đại…” (Ở đây ông Vi Kiến Thành chỉ nhấn mạnh một số tiêu chí liên quan đến lĩnh vực mỹ thuật- PV).

Thời gian qua, một bộ phận dư luận đặt câu hỏi: Vì sao tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân không được công nhận “Bảo vật quốc gia”? Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm bổ sung danh sách những tác phẩm nổi tiếng chưa được công nhận là “Bảo vật quốc gia”: “Ngoài “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân, còn có một số tác phẩm khác rất quen thuộc, rất nổi tiếng như “Nhớ một chiều Tây Bắc”, sơn màu của Phan Kế An. Hay Bùi Xuân Phái hiện nay cũng chưa có bức nào được công nhận”.

Nguyên nhân được ông Vi Kiến Thành giải thích tường tận như sau: “Về bức “Thiếu nữ bên hoa huệ”, hiện nay không ai công khai mình đang là chủ sở hữu cả. Trong giới sưu tầm buôn bán tranh, người này mách người kia giữ”. Con trai danh họa Tô Ngọc Vân, họa sỹ Tô Ngọc Thành từng tiết lộ với báo chí, bức “Thiếu nữ bên hoa huệ” đã được bán cho nhà sưu tập đồ cổ Hà Thúc Cần với giá 15.000 đô. Song kiệt tác cũng đã bị trao đi đổi lại đến mức không ai biết đích xác hiện nay ai là chủ sở hữu thật sự của “Thiếu nữ bên hoa huệ”. Năm 2017, có thông tin, “Thiếu nữ bên hoa huệ” bản gốc thuộc quyền sở hữu của nhà sưu tập Bùi Quốc Trí, con trai nhà sưu tập Đức Minh… Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh khẳng định: “Đó chỉ là những thông tin trôi nổi. Hiện nay chủ sở hữu của “Thiếu nữ bên hoa huệ” chưa xác định rõ ràng. Thêm nữa, bức này xác định độc bản là rất khó, bởi chủ sở hữu còn không xác định được chính thức, công khai thì nó có độc bản hay không, cũng là câu hỏi đặt ra. Thực tế, trong đời sống có rất nhiều nghi ngờ bản này hay bản kia là bản gốc, cho nên hiện nay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không treo tranh đó. “Thiếu nữ bên hoa huệ” không thuộc tài sản của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Về nguyên tắc bảo tàng phải xác định được đó là tranh gốc và chủ sở hữu phải rõ ràng, họ mới có thể trưng bày. Đây là cái mắc của “Thiếu nữ bên hoa huệ”. 

Còn về “Phố Phái” ông Vi Kiến Thành cho biết: “Chiểu theo tiêu chí khác thì tác phẩm của Bùi Xuân Phái không bị mắc nhưng lại có tình trạng tranh bản gốc hay không phải bản gốc rất phức tạp. Người nào muốn xây dựng hồ sơ, đề nghị tác phẩm của ông Phái là “Bảo vật quốc gia” thì họ phải có hồ sơ rất đầy đủ chứng minh tác phẩm là bản gốc. Rất khó”.  Tác phẩm “Nhớ một chiều Tây Bắc” của Phan Kế An cũng rơi vào rắc rối: “Bảo tàng Mỹ thuật dự kiến làm hồ sơ để công nhận “Nhớ một chiều Tây Bắc” là “bảo vật quốc gia” rồi nhưng có nhược điểm là tác phẩm này, trong lúc Phan Kế An còn đang sáng tác, thì chính ông đã làm thêm 1,2 bản nữa. Nên chiểu theo tiêu chí độc bản là không đáp ứng được. Bất kể bức tranh nào bị mất tiêu chí gốc và độc bản thì không được công nhận”. Ông Vi Kiến Thành nói thêm: “Có không ít trường hợp tác giả chép lại tranh mình.  Đó là thói quen không hay của giới họa sỹ Việt Nam. Rất nhiều bản do chính tác giả chép, chưa nói đến nạn chép tranh do người này, người kia gây ra”.

Theo quan sát của Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, “Bảo vật quốc gia” ở mảng hội họa không bỏ sót tác phẩm nào đáng tiếc, trừ những tác phẩm đã nói ở trên. Ông Vi Kiến Thành băn khoăn nhất với tranh Bùi Xuân Phái: “Ông ấy xứng đáng được công nhận ít nhất 1,2 cái. Vấn đề là ai xây dựng hồ sơ, ai thuyết trình hồ sơ, ai có đầy đủ dữ liệu để chứng minh nó là bản gốc, độc bản”.

Thời gian đã kiểm định giá trị

Những tác phẩm được công nhận “Bảo vật quốc gia” đều của những danh họa nổi tiếng đã khuất. Vì sao? Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn: “Hiện nay chủ yếu “Bảo vật quốc gia” tính thế hệ các họa sỹ thế hệ vàng Đông Dương. Yếu tố thời gian khẳng định giá trị tác phẩm của họ. Bản thân người nghệ sỹ khi sáng tạo cũng không bao giờ nhăm nhăm tác phẩm của mình trở thành “Bảo vật quốc gia”. Đó là cả sự  cống hiến của các danh họa. Đặc biệt là cống hiến cho sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam. Mỹ thuật thế hệ vàng Đông Dương đặt viên gạch đầu tiền cho nền mỹ thuật quốc gia. Họ là những họa sỹ tên tuổi ai cũng phải thừa nhận, với thời gian càng khẳng định điều đó”.

Vì sao các họa sỹ Việt Nam đương đại chưa có tác phẩm được công nhận “Bảo vật quốc gia”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn cung cấp một cách nhìn: “Vì chưa đến tầm, ngay mỹ thuật thời đổi mới có thể gọi tên được họa sỹ nhưng tác phẩm mang tính để đời, thể hiện một dấu ấn, một cống hiến của một khuynh hướng sáng tác, sáng tạo nghệ thuật hay cả tầm ảnh hưởng của tác giả ấy trong nền mỹ thuật, không phải dễ tìm”.

Chưa thu hút sự quan tâm của người trong giới?

Họa sỹ Kim Thái, điêu khắc gia Tạ Quang Bạo đều nghe loáng thoáng về “Bảo vật quốc gia” song một tác phẩm được công nhận “Bảo vật quốc gia” trong lĩnh vực hội họa, điêu khắc cần thỏa mãn những tiêu chí gì thì các nghệ sỹ chưa để tâm, cũng chưa nghe ai phổ biến. Riêng họa sỹ Đoàn Văn Nguyên rất tích cực theo dõi thông tin xung quanh “Bảo vật quốc gia” ở mảng hội họa. Con trai của cố thi sĩ Đoàn Văn Cừ thấy vẫn còn một vài tác phẩm khác của các danh họa, hoàn toàn xứng đáng là “Bảo vật quốc gia”: “Tranh “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” của Dương Bích Liên xứng đáng rồi. Nhưng theo tôi, thầy Liên còn một kiệt tác nữa phải được công nhận là “Chiều vàng”. Hay Nguyễn Tư Nghiêm còn “ Điệu múa cổ”, Nguyễn Sáng còn “Vũ trụ”, đẹp lắm. Cái đó là đỉnh cao của ông ấy”.

MỚI - NÓNG