Tác giả ‘Giết con chim nhại’ qua đời ở tuổi 89

Nữ văn sĩ Harper Lee
Nữ văn sĩ Harper Lee
TPO - Tờ Huffington Post dẫn nguồn tin từ trang AL.com cho biết: vì tuổi cao sức yếu, nữ văn sĩ Harper Lee - tác giả của cuốn tiểu thuyết bất hủ “Giết con chim nhại” đã qua đời tại quê hương Monroeville (Alabama, Mỹ) ở tuổi 89.

Theo tờ Huffington Post, sức khỏe nữ văn sĩ Harper Lee đã suy giảm nghiêm trọng một thời gian dài trước khi qua đời. Bà từng bị đột quỵ năm 2007 và sau đó gần như mất khả năng nghe, nhìn.

Thông tin nhà văn Harper Lee qua đời mới đây đã được xác nhận bởi thị trưởng thành phố Monroeville (Alabama, Mỹ) - nơi nữ văn sĩ sinh ra và sống những năm cuối đời, theo BBC.

Nelle Harper Lee (sinh ngày 28/4/1926) tại Monroeville (Alabama, Mỹ). Bà là con út trong số bốn người con của ông Amasa Coleman Lee (luật sư, biên tập viên tờ báo địa phương) và bà Frances Cunningham Finch Lee.

Sau khi tốt nghiệp trung học tại Monroeville vào năm 1944, Harper Lee vào học tại trường nữ sinh Huntingdon College ở Montgomery và sau đó theo học cử nhân luật tại Đại học Alabama. Khi đang là sinh viên, Harper Lee đã bắt đầu bén duyên với nghề viết lách. Một thời gian sau, bà quyết định gác mọi việc và chỉ tập trung viết văn.

Tác giả ‘Giết con chim nhại’ qua đời ở tuổi 89 ảnh 1

Harper Lee khi còn trẻ.

Bà được biết tới nhiều nhất qua tiểu thuyết đầu tay “Giết con chim nhại” (“To Kill a Mockingbird”) xuất bản lần đầu vào tháng 7/1960. Với tác phẩm này, năm 1961, tác giả Harper Lee đã được nhận giải Pulitzer vì được ghi nhận là đã đóng góp lớn cho nền văn học Mỹ. Tiểu thuyết này được chuyển thể thành phim năm 1962.

Phải đến 55 năm sau khi xuất bản “Giết con chim nhại”, Harper Lee mới cho ra đời cuốn sách thứ hai trong cuộc đời cầm bút – “Go Set a Watchman” (“Bố trí người canh gác”), một cuốn tiểu thuyết có liên quan mật thiết với kiệt tác đầu tay của bà, hay còn được gọi là bản nháp của “Giết con chim nhại”.

Cuốn sách được xuất bản tháng 7/2015 và ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trong “Bố trí người canh gác”, nhân vật Atticus Finch đã tham dự một cuộc họp của lực lượng phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan và phản đối việc xóa bỏ phân biệt chủng tộc, tương phản hoàn toàn với hình ảnh một luật sư cao quý và luôn hết lòng bảo vệ người da đen như trong “Giết con chim nhại”.

Tác giả ‘Giết con chim nhại’ qua đời ở tuổi 89 ảnh 2

Hai tác phẩm nổi tiếng nhất (và cũng là duy nhất) của Harper Lee - "Giết con chim nhại" và "Bố trí người canh gác".

Dù gây tranh cãi nhưng những gì Harper Lee đóng góp cho nền văn học thế giới là không thể phủ nhận. Hình ảnh con chim nhại (mockingbird) được bà dùng lặp đi lặp lại trong cuốn tiểu thuyết đầu tay bất hủ đã trở thành biểu tượng của sự trong trắng và cái đẹp chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và lòng hận thù.

Cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhại” có nội dung kể về ông bố Atticus của hai anh em - Jem và Scout. Ông Atticus được chỉ định bào chữa một người tên là Tom Robinson, bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng và cuối cùng phải chịu một kết cục đau đớn chỉ vì anh là người da đen.

Sau khi tặng quà Giáng sinh cho hai anh em Jem và Scout là mấy khẩu súng hơi, ông Atticus dặn lũ trẻ là mặc dù chúng có thể “bắn bao nhiêu chim giẻ cùi xanh tùy thích”, nhưng chúng phải nhớ “giết hại chim nhại là tội ác” bởi “nó chẳng làm điều gì khác ngoài việc mang đến tiếng hót từ tận con tim cho chúng ta”.

Theo Theo Huffington Post, BBC
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.