Tác giả Đừng chết ở Ả-rập Xê-út: Tôi bị đối xử như nô lệ

Tác giả Nghiêm Hương hiện công tác tại một trường Anh ngữ ở TPHCMẢnh: NVCC
Tác giả Nghiêm Hương hiện công tác tại một trường Anh ngữ ở TPHCMẢnh: NVCC
TP - Hành trình 285 ngày kinh hoàng được kể lại trong tự truyện Đừng chết ở Ả-rập Xê-út  vừa xuất bản. 

Nghiêm Hương quyết định sang Ả-rập Xê-út lao động trong một phút bốc đồng khi vừa kết thúc hôn nhân. Được đào tạo về thiết kế thời trang và nấu ăn, chị đăng ký nghề đầu bếp. Nhưng thực tế Hương bị biến thành nô lệ. Và không riêng
gì chị…

Chị đã thuộc nhóm lao động bị hành hạ ghê nhất chưa?

Không, đấy là tình hình chung. Có một cô bé đi chung với tôi tên C. Xem lén phim sex trong bếp bị bắt được nên bị nhốt, bị đánh cho tưng bừng luôn. Nhưng không trốn về được. H. ở Bến Tre, nhà chủ quy định 10h30 mới được nấu. 10h, cô xuống chuẩn bị đồ ăn, bị nhà chủ hất thẳng đồ ăn đi. Họ không cho làm vào giờ đấy. Giờ đấy phải làm việc khác. Cô ấy bị nhà chủ lấy sống dao băm vào tay. Cô bắt được con gái của bà chủ ngủ với cậu lái xe người Ấn Độ. Hai người đấy nhìn thấy. Đến lúc cô ấy ủi quần áo bị xém một khoảng trên áo trắng đi lễ, nó mang cả cái bàn là gí vào người. Bát đĩa nó đập xong bắt đền trừ vào lương. Cô đấy khổ trầy trật luôn. Công ty ở đây không giúp được gì, xui cô ấy trốn. Cô ấy trốn ra, Đại sứ quán Việt Nam đến gặp, cũng khuyên quay về. Xong nhà chủ đến đón, lại quay về
chịu tiếp.

Ngủ thì tất cả những người giúp việc sang đấy không có phòng đâu, mà họ sẽ làm cho một chỗ tạm bợ trên sân thượng hoặc nhét vào xó nào đấy. Cho nên đến nhà chủ thứ ba, người ta xây hẳn những dãy phòng cho người giúp việc thì đỡ hơn nhiều.

Chị đã làm gì để vượt qua được những ảnh hưởng tâm lý sau 285 ngày “xuất khẩu lao động”?

Tôi làm việc. Tôi làm như điên và hiện tại vẫn như thế. Mình vượt qua rồi, nhưng một số ám ảnh vẫn còn nguyên đấy. Ví dụ đi qua Thủ Đức, gặp những kiến trúc giống như bên kia, lập tức mình cảm thấy bị lấn cấn, khó chịu. Thỉnh thoảng và mới đây thôi, tôi lại vẫn nhìn thấy bà mama (người chủ thứ ba) mặc áo choàng đuổi mình, mình chạy. Nhưng khi tỉnh dậy, mình bình thường lại ngay. Hồi mới về thì sợ kinh khủng.

Một trong những cái đáng sợ khi ở bên đấy mà sách của chị đã chỉ ra là người lao động bị tước đoạt hết những phẩm giá con người?

Quyền nhân thân của mình không có luôn. Bà ấy bật tay tách một cái xong huýt sáo để gọi người khác. Bà ấy không gọi bằng tên. Thêm nữa, họ không cho mình dùng tiếng Anh, bắt phải nói bằng tiếng Ả-rập. Biết mình giỏi tiếng Anh họ cũng không cho dùng, bởi như thế là ngang bằng với họ.

Các con bà ấy du học về, muốn dùng tiếng Anh với tôi thì phải dùng sau lưng bà ấy. Các con bà ấy thì rất tiến bộ, đối xử với tôi rất đàng hoàng, tử tế, vì người ta có phải chủ mình đâu. Vì nhà quá giàu nên bà ấy cứ tập trung đi mua người. Mua chui (từ các chủ khác), chứ các đại lý bên đó không cung cấp lao động cho bà ấy nữa, vì bà ấy sử dụng người quá khắc nghiệt ai cũng biết.

Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Từ bà ấy, nhìn cách bà ấy sống, về Việt Nam, mình làm việc chuyên nghiệp hơn, có kỷ luật hơn. Ngày xưa tôi phiêu ghê lắm. Chính vì phiêu nên mới đi xuất khẩu lao động. Lên máy bay rồi, tôi mới điện cho mẹ biết là tôi đi…

Sân trước nhà bà ấy, chỉ để chở cháu bà ấy và bà ấy đi công việc thôi mà cũng 7-8 cái Rolls Royce. Đàn ông thì dùng Lincoln. Nhà vô cùng giàu nhưng họ làm việc thì quần quật. Bà đó cũng không ngoại lệ. Bà ấy dậy trước tất cả bọn tôi. Và khi bọn tôi làm, bà ấy cũng làm, chứ không đứng chỉ tay
năm ngón.

Mình cũng không thể nào nói họ khốn nạn với mình. Vì ở đây, mình có quyền nhân thân thì mình thấy như thế. Nhưng ở bên đó, họ sinh ra và ngấm đạo đấy từ bé thì cách ứng xử đó là thông thường. Đại đa số người sang bên đó lao động chấp nhận, thỏa hiệp với việc bị bóc lột. Ví dụ, họ phải làm việc 22 tiếng một ngày trong tháng Ramadan giống như tôi. Nhưng chỉ cần được chủ cho 50-100 riyal là họ lại vui như Tết, cắm đầu làm. Chỉ đến khi về nước, họ mới tố cáo qua các diễn đàn trên mạng. Tôi thì không, tôi cũng làm quần quật như trâu, nhưng tôi phải tìm cách để chuồn. Không thể nào thỏa hiệp. Hai năm ở đấy đúng theo hợp đồng thì chết!

Chị không cảm giác thù hận với những người hành hạ, thậm chí hãm hại mình tàn tệ như vậy?

Tôi không. Tôi hiểu cách họ hành xử từ đâu. Tôi không thù hận nhưng nhiều khi bị bóc lột ghê quá, mình kiệt sức về tinh thần lẫn thể chất, mình cáu. Mình là người chứ đâu phải siêu nhân hay robot. Nhưng cũng chỉ có lần bị bà ấy hắt bột tiêu vào mắt, tôi điên quá xô bà ấy từ ghế xuống thôi. Bà ấy đã một lần bị một cô người Philippines xô từ lầu 4 xuống. Bà ấy định gọi cảnh sát thì ông chồng ngăn lại và mua vé cho cô kia đi về. Ông ấy đúng là quý ông chính cống luôn.

Nhưng trong khi cả vùng biết bà ấy cư xử với người làm như thế nào thì ông ấy lại ngó lơ?

Ông ấy biết thừa tính vợ ông ấy. Nhưng trong văn hóa của người Ả-rập, không bao giờ đàn ông đụng đến việc của phụ nữ. Cai quản người trong nhà là việc của bà vợ. Kể cả bà ấy đánh chết người, ông ấy cũng không can thiệp. Ông ấy chỉ can thiệp lúc mình đi hay ở thôi. Khi mình đến thì ông ấy nhận, khi mình đi thì ông ấy trả visa. Tất cả các ông chồng khác cũng như vậy.

Cảm ơn chị.

“Họ biến mình thành một thứ gì đấy mà chính mình còn không nhận ra nữa. Mình không biết mình là ai, đang ở đâu luôn. Vật cũng không phải vật. Người cũng không phải là người”.Tác giả Nghiêm Hương

__________

Lý do Nghiêm Hương chọn Ả-rập Xê-út là vì người lao động được miễn phí hoàn toàn, không phải đóng tiền thế thân. Mọi chi phí đã có chủ bên Ả-rập lo. Nhưng mọi thứ vượt xa tưởng tượng, Hương bị sốc ngay từ khi đặt chân xuống sân bay, bị ông chủ thứ nhất rắp tâm cưỡng hiếp, bà chủ thứ hai bỏ đói. Nhà chủ thứ ba vô cùng giàu có, nhưng sự bóc lột của mama Celia còn tinh vi hơn. Công ty đưa chị đi lao động tỏ ra bất lực. Với sự giúp đỡ tận tình của một nữ lao động người Philippines, Hương may mắn thoát khỏi xứ sở Nghìn lẻ một đêm…

Tác giả Đừng chết ở Ả-rập Xê-út: Tôi bị đối xử như nô lệ ảnh 1
MỚI - NÓNG