Sung công hàng loạt siêu xe sau vụ Dũng 'Mặt Sắt'

Bộ Tài chính khẳng định sung công quỹ những chiếc xe trong lô hàng tạm nhập từ Hong Kong định xuất sang Trung Quốc có hồ sơ không hợp lệ.
Bộ Tài chính khẳng định sung công quỹ những chiếc xe trong lô hàng tạm nhập từ Hong Kong định xuất sang Trung Quốc có hồ sơ không hợp lệ.
Dàn siêu xe của 4 đơn vị nhập khẩu từ Hong Kong không thể được tái xuất đi Trung Quốc do cơ quan chức năng phát hiện việc mua bán xe với đối tác nước ngoài là không có thực và các công ty trên không tồn tại.

Trong một văn bản gửi Phó thủ tướng Trương Hòa Bình mới đây, Bộ Tài chính cho biết 26 xe ôtô, trong đó có nhiều siêu xe sang theo đường tạm nhập tái xuất sẽ được sung công quỹ thay vì tái xuất sang Trung Quốc như mong muốn của doanh nghiệp.

Cụ thể, cách đây 3 năm, sau khi đường dây buôn lậu xe sang của Công ty Tuấn Đông do Hà Tuấn Dũng (Dũng "Mặt Sắt") làm Giám đốc bị phá, cơ quan hải quan cũng tiến hành rà soát toàn bộ 26 ôtô tạm nhập tái xuất đang tồn ở Việt Nam của Công ty Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Hải Long Thăng, Công ty Trường Giang Móng Cái, Công ty quốc tế NC, Công ty xuất nhập khẩu Đức Thịnh.

Hầu hết các công ty này đều nói tạm nhập xe từ đối tác Hong Kong (Trung Quốc) và chuẩn bị tái xuất cho một đơn vị tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi xác minh tại Hong Kong và Trung Quốc nội địa, Bộ Tài chính khẳng định việc mua bán xe ôtô của 4 công ty với các đối tác nước ngoài không có thực do các doanh nghiệp này không tồn tại. Bên cạnh đó, hồ sơ chứng từ 4 doanh nghiệp xuất trình cho hải quan để làm thủ tục tạm nhập tái xuất là giả, nhằm hợp thức hóa vận chuyển lậu hàng hóa từ Hong Kong vào Việt Nam đi Trung Quốc. "Việc này tương tự như hành vi của các doanh nghiệp trong vụ án Dũng "Mặt Sắt" mà TAND tỉnh Quảng Ninh đã xét xử và khởi tố tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới", văn bản của Bộ Tài chính nêu.

Bên cạnh đó, đề nghị xin được tái xuất lô siêu xe sang Trung Quốc của Công ty Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Long Thăng, Công ty Trường Giang, Móng Cái, Công ty Xuất nhập khẩu Đức Thịnh cũng bị từ chối. Theo Bộ Tài chính, những công ty này chỉ làm dịch vụ cho các đối tác Trung Quốc, không phải tạm nhập, tái xuất theo quy định của Luật thương mại. "Hồ sơ tạm nhập tái xuất do đối tác Trung Quốc mang sang, họ ký và làm thủ tục hải quan để hợp thức hóa cho việc vận chuyển. Các công ty này đều khẳng định không phải chủ sở hữu của lô hàng. Do vậy, các doanh nghiệp đề nghị trả hàng để tái xuất là không có cơ sở", văn bản của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn ký cho hay.

Vì không xác định được chủ sở hữu lô hàng nên cơ quan cảnh sát điều tra quyết định không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết số lô hàng này sẽ bị tịch thu để sung công quỹ.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG