Đọc những dòng chữ bằng tiếng Việt trong siêu thị của Nhật như thế này, anh có suy nghĩ gì không: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức. Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động...”.
Nhà văn Lê Minh Khuê kể: Một lần trên xe buýt, chị thấy chiếc điện thoại rất đẹp của ai vừa bỏ quên. Không kịp nghĩ ngợi, chị nói với tay phụ xe cất đi tìm cách trả lại cho người mất. Tay này mừng húm vồ lấy điện thoại rồi tháo sim vứt ngay trước mặt chị làm chị ân hận mãi, ái ngại cho chủ nhân chiếc điện thoại...
Đấy là sự cảnh tỉnh đau lòng. Trong các chuyện dân gian về thói ăn cắp của người Việt ta, tôi thấy chuyện này là ‘bố thiên hạ”, cũng do người Việt bịa ra để răn đe mình: Một hành khách trên máy bay thò tay ra cửa sổ xem trời mây này là của nước nào, thì cái đồng hồ trên tay bỗng nhiên mất béng. Anh ta kêu lên: Việt Nam rồi! Vì chỉ Việt Nam mới có ăn cắp tài đến thế!
Bây giờ hiện tượng ăn cắp đã giảm nhiều nhưng tính gian tham thì khó giảm hơn. Hai ba ngày trước, bà xã tôi từ siêu thị ra, bỗng nhiên thấy 2 kg cá mực khô loại sang để trong giỏ xe đạp điện của mình, hoảng quá, vội lấy ra đưa cho anh bảo vệ mà rằng: Không rõ ai đó đã để nhầm vào giỏ xe của tôi. Tôi gửi lại anh để có ai đến hỏi thì anh trao trả lại cho họ. Loại này ở siêu thị phải hơn 400 ngàn một cân đấy. Anh bảo vệ cầm luôn mà rằng: Bà bạn tôi gửi lại cho tôi đấy mà. Bà xã tôi bảo: Em không tin tên bảo vệ đó. Tôi cười mà rằng: Biết làm sao được....
Có một tệ nạn khác, đó là hối lộ mà ta thường gọi là “ bôi trơn tích cực” vì không thế không được việc. Thực tế cho hay rằng, ở đâu cũng có, cấp nào cũng có. Quan chế thời phong kiến nghiêm túc hơn nhiều. Một người ra làm quan, để được Thượng thư bộ Lại đeo cho các thẻ bài trước ngực anh phải thề: Một là không được chống lại vua. Hai là không được ức hiếp dân. Ba là không được ăn hối lộ. Nếu phạm một trong ba tội ấy thì chém đầu mà không phải xử.
Ở Quảng Ninh năm 1819 có ông Tham hiệp Trần Phúc Hiển, chính là chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương, chỉ vì nhận hối lộ 700 quan tiền, mặc dù đã được giảm án vì cha là Trần Phúc Nhân tử trận khi đánh vào thành Phú Xuân mang lại đại thắng cho Gia Long, song vua Gia Long vẫn khép án tử hình, bởi “Thề sao thì lại cứ sao gia hình” (thơ Nguyễn Du).
Nhà thơ Trần Nhuận Minh
Người Việt có tính hay cho nhưng cũng hay xin xỏ. Không nước nào như Việt Nam, nghệ sĩ cỡ lớn cũng đăng đàn gợi ý “quần chúng giúp đỡ tôi thì tôi rất cám ơn”. Anh viết cho con: “Lòng tốt gửi vào thiên hạ/Biết đâu nuôi bố sau này” và chẳng ngại bị làm phiền?
Văn nghệ sĩ là nghề của cái danh, có vinh dự “chúa biết mặt, dân biết tên”, phải giữ cái danh, cẩn trọng như “húp canh thổi lửa”.
Và sự đố kị. Rất ghê gớm. Cứ như tự nhiên mình “được một cái gì” là người bên cạnh nghĩ rằng vì thế mà họ “mất một cái gì”. Ngạn ngữ ta có câu: “ Hàng thịt nguýt hàng cá” cũng là thế. Còn câu thơ của tôi viết rất thật lòng. Tôi nghiệm ra rằng mình giúp người này, người này sẽ không giúp lại được mình đâu nhưng người khác sẽ đứng bên cạnh mình lúc mình hoạn nạn. “Hãy cứu giúp để được cứu giúp”. Câu ấy có trong Kinh Thánh đấy.
Khi phát hiện việc tà, nhiều người chúng ta làm lơ, vừa vì sợ bị trả thù vừa vì “không liên quan”, một kiểu “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”. Hoặc ở thái cực ngược lại: cả làng cả tổng xông vào đánh hội đồng tên trộm chó cho kỳ chết hẳn. Theo anh tự bao giờ sự lệch chuẩn này đã nhiễm vào bộ phận không nhỏ người Việt?
Cả hai thái độ đều sai và không ai biết có từ bao giờ. Đó cũng là đặc tính của người Việt, với nền kinh tế tiểu nông, tròng trành, dễ nhảy thẳng từ cực này sang cực khác.
Người Việt mình rất lạ. Có thể đãi nhau cả bữa cơm nhưng lại đánh nhau khi chia từng lạng gạo. Có lần tôi nói rằng có người làm từ thiện hàng chục triệu đồng nhưng thấy người khác có dăm chục ngàn để trong túi ngực áo sơ mi treo trên mắc áo, không lấy cắp được là không yên tâm.
Những tấm biển như thế này ở nước ngoài làm buồn lòng những người Việt tự trọng
Thói ăn cắp đã nhiều lần làm nhục quốc thể. Tại một ga tàu điện ngầm ở Nhật có thông báo bằng tiếng Việt: “Không được trốn vé”. Vô cùng xót xa cho nước mình có bốn ngàn năm văn hiến mà lớp con cháu bây giờ... Dĩ nhiên chỉ là số ít thôi. Nhưng trước thế giới, là một người Việt Nam, anh cũng phải nghĩ là sau anh còn cả một dân tộc.
Hồi báo Tiền Phong mở chuyên mục “Người Việt phẩm chất và thói hư tật xấu” ròng rã hai năm, chúng tôi thống kê thói tật được nhiều người đề cập nhất chính là giả dối, chứng tỏ đó là căn bệnh trầm kha và cũng bị nhiều người ghét nhất. Có nhà văn cũng vừa tổng kết rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội bây giờ là bệnh giả dối. Hàng ngày sự gian trá, giả dối len vào show truyền hình, ngoài đường ngoài chợ, lời nói việc làm của các ban ngành phản ánh trên báo chí... Như một nhà văn khác cũng phát biểu rất lâu rồi: “Chúng ta đã quen nghe những lời nói dối để qua đó biết được sự thật”?
Chính nhà văn cũng góp vào “căn bệnh” đó không ít. Tôi chỉ nói về một vấn đề thời sự hiện nay, đó là viết thuê. Sách viết thuê được xuất bản ngày càng nhiều. Tập thể hoặc cá nhân bỏ tiền ra thuê viết rồi bỏ tiền ra thuê xuất bản. Họ yêu cầu thế nào, sách sẽ ra đời đúng y như thế. Còn đúng sai chả quan trọng gì.
Gần đây, một ông bạn cho biết được mời viết về ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ chia tay nhau ở biển Quảng Ninh và 50 người con trai xuống biển đã thành dân Quảng Ninh rồi, bắt đầu ở chỗ này này... Tôi không tiện nêu tên. Ông đã nhận lời, ngẫm nghĩ thế nào đành xin thôi, trả lại số tiền được đặt cọc. Dẫu sao ông cũng biết dừng lại, nếu không sẽ lại có một tập truyện sự tích, rồi vài năm sau biết đâu lại chẳng có bia đá, và rất có thể có đền thờ...
Trong cuốn tiểu luận mới ra mắt “Thời gian lên tiếng” anh có viết nhiều về sự lộng giả thành chân trong lĩnh vực văn hóa? Theo anh chả nhẽ mọi người chỉ loay hoay bức xúc trên mạng hoặc trên trang giấy là đủ?
Chúng ta đã quá quen với cái giả dối rồi. Với mình chỉ biết “lên tiếng” thôi và thế cũng đã làm cho không ít người khó chịu. Ví như hai cụ tổ tôi được thờ ở Hòn Gai và Cẩm Phả mà tôi đã có lần nói tới. Nay tôi chỉ nói thêm những điều trước đó chưa biết để nói.
Bây giờ thì tôi hiểu vì sao 10 hộ chủ thuyền Bắc Ninh lập miếu thờ Trần Quốc Nghiễn cùng với Cá Voi ( Đông Hải đại vương) tại Hòn Gai năm 1913, vì ở thời Trần, Trần Quốc Nghiễn, con trưởng Trần Quốc Tuấn đóng quân ở vùng Kiếp Bạc, bảo vệ Kinh thành Thăng Long từ cửa ngõ Bắc Ninh. Vậy mà bia đá lại ghi Trần Quốc Nghiễn được phong đất ở Hồng Gai rồi chết ở Hồng Gai (?).
Bà vợ ông chủ mỏ Pháp, xây đền Cửa Ông tại địa điểm hiện nay, sau năm 1910, đưa Trần Quốc Tảng lần đầu tiên vào thờ năm 1916. Người viết “Sự tích đền Cửa Ông” căn cứ vào truyền thuyết Trần Quốc Tảng đóng quân và chết ở Hải Dương (?), lại cho Hải Dương xưa là Cẩm Phả nay, nên mới có chuyện: Trần Quốc Tảng đóng quân ở Cửa Ông rồi đánh ngược nước vào cửa Bạch Đằng ở ngoài hàng cọc Bach Đằng năm 1288(?). Bây giờ chuyện đó đã vào sách, vào phim, vào kịch, vào lòng người... Gỡ ra làm sao? Tuần trước Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Quảng Ninh bảo tôi là ông nói đúng đấy, có cái bia đá hiện còn ở đền Mẫu, ghi bà vợ ông chủ mỏ Pháp xây đền thờ Trần Quốc Tảng, bà này người Hà Đông. Ai cãi lại ông cứ bảo đến đó mà đọc.
Trung thực là cái giá đắt nhất phải trả để làm trong sạch hơn đời sống của mỗi chúng ta.
Cuốn “Thời gian lên tiếng” này, anh lấy câu của thi hào Hungary Sandor Petofi làm đề từ “Nhưng vào trong láo nháo cuộc đời/ Mới biết chúng ta nhầm lẫn cả” và khảo cứu, lật lại nhiều nghi án văn chương như: “Vịnh núi Mèo’ - bài thơ khắc vào núi đá Đông Triều không phải của vua Trần Nhân Tông”; “Nam quốc sơn hà’ không phải của Lý Thường Kiệt”. Tập thơ duy nhất của Hồ Xuân Hương là “Lưu hương ký” còn toàn bộ thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương đều không phải của bà mà là thơ dân gian của các ông đồ, sáng tác và nhuận sắc cùng thời truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn. Vân vân. Anh có nghĩ mấy chục phát hiện của mình sẽ làm nhiều người nản, bởi nó làm bớt đi vẻ lung linh từng có?
Tôi nghĩ không đâu. Không ai nản khi nhận ra Sự thật, càng không có ai nản khi tiếp cận Sự thật. Sự thật bao giờ cũng có sức chinh phục riêng và tôi tin mọi người sẽ nhận ra sự hấp dẫn vững bền của nó.
Tôi có câu thơ: “Ngày nào em đẹp em giòn/Em qua chó đá cũng còn vẫy tai...”. Vậy thì cần gì em phải đắp thêm vương miện lụa là. Cũng như cô gái có hàm răng đẹp, chả ai dại gì đi bịt vàng rồi bất cứ lúc nào cũng nhe răng ra cho các chàng trai xem...