Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11 về việc bãi bỏ Thông tư 23/2014 ngày 18/7/2014 quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH. Trước đây, Thông tư 23 được ban hành căn cứ vào Luật Giáo dục ĐH năm 2012, trong đó, luật này quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong việc xây dựng tiêu chí của chương trình, quản lý, giám sát mức thu học phí của chương trình.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giáo dục ĐH 2018 (Luật số 34), khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao đã không được đề cập đến nữa. Với sự ra đời của Luật số 34, các cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ phát triển các loại chương trình đào tạo, trong đó có thể có cả các chương trình có tên gọi là chất lượng cao, miễn là đáp ứng các quy định chung về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH quy định tại Thông tư số 17/2021 của Bộ GD&ĐT, hướng dẫn về học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ,... Do vậy, việc bãi bỏ Thông tư 23 là cần thiết và phù hợp với bối cảnh mới. Các khóa đã tuyển sinh chương trình chất lượng cao theo Thông tư 23 trước thời điểm Thông tư 11 có hiệu lực thi hành (từ 1/12/2023) được tiếp tục thực hiện cho đến hết khóa học.
Thực tế cho thấy, từ khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 23 đến nay, các cơ sở giáo dục ĐH đều có chương trình đào tạo chất lượng cao. Ban đầu, điểm chuẩn các ngành học của chương trình này thường thấp hơn chương trình đại trà (hay còn gọi là chương trình chuẩn). Nhưng sau một thời gian, điểm chuẩn của hai chương trình đã tiệm cận và thậm chí đến nay, nhiều trường điểm chuẩn chương trình đào tạo chất lượng cao cao hơn chương trình đại trà. Không thể phủ nhận, chương trình đào tạo chất lượng cao là “nồi cơm” của nhiều trường ĐH. Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển sinh và đào tạo 100% các ngành đều theo chương trình đào tạo chất lượng cao. Năm nay học phí của các ngành của trường là 4,4 triệu đồng/tháng/sinh viên. Các trường ĐH khác, học phí chương trình chất lượng cao cao hơn ít nhất 1,5 lần đến 2 lần chương trình đào tạo đại trà.
Vẫn tiếp tục
Các trường ĐH được tự chủ xây dựng chương trình đào tạo Ảnh: Mạnh Thắng |
Nhận thức được việc Bộ GD&ĐT sẽ bãi bỏ Thông tư 23, từ đầu năm nay, khi công bố đề án tuyển sinh, một số trường ĐH đã không còn tuyển sinh chương trình đào tạo chất lượng cao như Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TPHCM. Hoặc cấu trúc lại các chương trình đào tạo chuẩn và chương trình đào tạo chất lượng cao chuyển thành “chương trình đào tạo bằng tiếng Việt” và “chương trình đào tạo bằng tiếng Anh như Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM.
PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cho biết việc bãi bỏ Thông tư 23 không ảnh hưởng đến công tác đào tạo các chương trình chất lượng cao hiện tại, cũng như tuyển sinh và đào tạo trong năm 2023 và những năm tới tại trường.
Với sự ra đời của Luật Giáo dục ĐH 2018, việc xây dựng và phát triển các chương trình chất lượng cao và các loại chương trình khác nhau thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH. Từ nay, các trường ĐH có thể dùng khái niệm “chất lượng cao” để đặt tên cho chương trình của mình mà không còn bị ràng buộc bởi những điều kiện quy định trong Thông tư 23. Điều quan trọng là, trường ĐH phải khẳng định được chất lượng của chương trình, giải trình được với các bên liên quan và toàn xã hội về những gì trường đã cam kết về chuẩn đầu ra và điều kiện đảm bảo chất lượng để tương xứng với cái tên đó.
Trong thời gian tới, nhà trường vẫn tiếp tục triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao và thực hiện cải tiến liên tục, kiểm định quốc tế định kỳ theo quy định.