Người lập buôn Ako Dhong
Trong tiết trời hiu hiu mát của buổi chiều thu, chúng tôi đến buôn Ako Dhong, nằm cuối con đường Trần Nhật Duật (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Con đường bê tông chạy thẳng tắp từ đầu đến cuối buôn, hai bên dãy nhà dài được bao bọc bởi những hàng cây cắt tỉa tạo hình đẹp mắt, tô điểm thêm sự thanh bình cho buôn làng. Thỉnh thoảng mùi hương hoa bay qua, khiến ta phải dừng lại hít hà.
Chúng tôi tìm đến nhà trưởng buôn Y- Dhec Kbuôr (thường gọi Ama Dit, sinh năm 1958), người biết tường tận về buôn Ako Dhong. Trong khoảng sân rộng có một nhà dài bằng gỗ truyền thống của người Ê Đê, bên cạnh là một ngôi nhà xây cấp 4 theo lối kiến trúc hiện đại.
Khi nghe chúng tôi trình bày, ông than thở: “Nói thật, giờ tôi chẳng muốn tiếp báo chí, báo đài gì nữa. Chán lắm, hết đoàn này đến đoàn khác nhưng tình hình vẫn thế. Hết đề xuất rồi báo cáo nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền”.
Trưởng buôn cho biết: Tiếng Ê đê: “Ako” có nghĩa là đầu nguồn, “Dhong” là “suối”. Ako Dhong là “đầu nguồn suối”, vùng đất này bắt nguồn từ 6 con suối Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, Thun M’nung và đặc biệt là Ea Nuôl - con suối lớn nhất ở Buôn Ma Thuột. Mặc dù nằm ở thành phố nhưng buôn Ako Dhong vẫn giữ được cho mình khung cảnh yên bình, tĩnh lặng, khác xa với cái nhộn nhịp náo nhiệt ở bên ngoài.
Trước kia buôn Ako Dhong là rừng, lác đác đôi ba ngôi nhà nằm giữa khoảng rừng mênh mông, là nơi dạo chơi của các loài thú. Ngày đó tôi còn rất bé, theo chân cha mẹ đến những buổi họp buôn, ngồi nghe ông bà, kể chuyện về Ama Hrin, người đã gây dựng nên buôn Ako Dhong giàu đẹp này.
Khoảng năm 1956, có một chàng trai Ê Đê tên là Y Diêm Niê lúc đó mới 27 tuổi từ vùng đất Ma đ’rắk (Đắk Lắk) đi đến đây. Anh thấy cuộc sống của người dân nơi đây không hề giống bất kỳ một buôn Ê Đê nào. Ở đây có nguồn nước dồi dào, rừng bất tận. Lúc bấy giờ có 2 bà xơ đến mở lớp dạy chữ, làm nhà sinh không dùng nước suối chưa đun sôi để ăn uống sinh hoạt. Ngay lập tức chàng trai Ê Đê xin được giúp việc và ở lại đây lập nghiệp.
Ngày đó, cây cà phê đã được trồng tại vùng đất này. Thấy giống cây mang lại lợi nhuận rất cao, Ama Hrin đã tìm mọi cách học kỹ thuật trồng cà phê. Chẳng ngại gian nan, cuối cùng Ama Hrin đã trồng cà phê trên 40 mẫu đất của Ako Dhong. Và cũng từ đó, đồn điền cà phê đầu tiên của người Việt Nam trên đất Tây Nguyên ra đời.
Với trí tuệ hơn người, sức vóc to lớn khoẻ mạnh, Ama Hrin nhanh chóng trở thành người ưu tú nhất buôn. Ở tuổi 30, Ama Hrin đã được mọi người đặc cách làm trưởng buôn, làm chủ đồn điền. Đất ở đồn điền, Ama Hrin đem chia đều cho các hộ nhưng sản phẩm làm ra của mỗi gia đình phải được công khai chia đều cho mọi người, ai ốm đau sẽ được thêm phần và được giúp đỡ... Ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, Ako Dhong đã trở thành buôn Ê Đê sung túc nhất vùng đất đỏ Tây Nguyên.
Điều hết sức đặc biệt ở buôn Ako Dhong là, dù nằm ngay ở lòng thành phố, nhưng buôn vẫn bảo tồn được một khu rừng nguyên sinh rộng 3 ha với nhiều loại động thực vật quý hiếm. Vẻ thơ mộng, êm đềm và không kém phần hoang dã, hấp dẫn của Ako Dhong cũng chính là nhờ khu rừng này tạo nên.
Bà con không cho bất kỳ ai động đến mấy ha rừng nguyên sinh của buôn. Họ bảo đấy là nguồn sống, là dưỡng khí, là mạch nguồn của nước... đụng vào đấy là mất tất cả. Biết bao du khách ghé thăm Ako Dhong phải trầm trồ kinh ngạc trước một buôn dân tộc vừa hiện đại vừa cổ xưa.
Những gốc cổ thụ, cây xanh trong buôn được bảo vệ, già Ama Hrin cấm bán, cấm chặt ai vi phạm sẽ bị phạt nặng bằng trâu, bò. Bao nhiêu hộ gia đình Ê Đê là bấy nhiêu ngôi nhà dài vẫn còn được gìn giữ cẩn thận. Năm 2012, già Ama Hrin về với lòng đất mẹ, điều quý nhất già để lại cho đại ngàn nắng gió này là một buôn Ê Đê thấm nhuần văn hóa bản địa mà vẫn hiện đại, văn minh.
Nếu một ngày rừng biến mất
Giữa một Buôn Ma Thuột ồn ào, tấp nập đang ngày càng trở nên hiện đại, cách trung tâm thành phố khoảng 2km, buôn Ako Dhong với không gian buôn làng truyền thống, từng ngôi nhà sạch đẹp giữa khu vườn đầy thơ mộng ấn tượng và khó quên.
Hiện nay buôn Ako Dhong có 94 hộ, 53 ngôi nhà, 800 nhân khẩu sinh sống bằng nghề trồng lúa nước, trồng cà phê, làm du lịch cộng đồng, tổ chức biểu diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần... Ở đây ngoài những người dân sinh sống từ thời lập buôn, còn có những người nơi khác đến đây để lập nghiệp, mở dịch vụ du lịch, nhà hàng.
Những cây gỗ lớn hiếm hoi còn sót lại.
Đưa chúng tôi thăm buôn, ông Ama Dit thở dài: Hồi xưa đây là rừng bao quanh, thú rừng rất nhiều, nước suối chảy trong veo. Còn bây giờ rừng bị tàn phá, nước suối đục ngầu, ô nhiễm vì các hộ nuôi heo xả chất thải vào nguồn nước. Bị lấn chiếm, rừng chỉ còn lại gần một héc ta.
Dừng chân trước ngôi nhà giống như chiếc thuyền độc mộc, dẫn lên là một cầu thang bằng gỗ với 5 bậc, phía trên có đôi bầu vú thể hiện uy quyền của người phụ nữ trong gia đình, cửa luôn được đóng kín, Ama Dit kể: Trước giải phóng, cả buôn có 3 nhà dài lợp tranh phên nứa, bị Mỹ đánh bom cháy 2 nhà sàn, sau trận cháy đó nhà sàn chuyển sang lợp ngói và làm bằng gỗ.
Chị Nguyễn Thanh Thúy khách tham quan cho biết, trước đây chúng tôi vẫn được vào trong ngôi nhà dài này để tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của nó nhưng từ khi nhà trùng tu thì cửa luôn đóng kín, thật tiếc cho du khách.
Bây giờ đi dọc buôn Ako Dhong, du khách cũng không còn được chiêm ngưỡng bên bậu cửa sổ ngôi nhà dài, những đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt của người phụ nữ Ê Đê đưa thoi, kéo sợi, dệt từng họa tiết hoa văn sống động. “Gia đình tôi trước dệt thổ cẩm truyền thống của người Ê Đê, có gần chục nhân công làm, nhưng nay đầu ra sản phẩm không có, vì thế gia đình chỉ nhận dệt khi ai có nhu cầu tới đặt hàng thôi”, ông Ama Dit chia sẻ.
Thấp thoáng sau những nếp nhà dài là những căn nhà bê tông kiểu biệt thự, nhà xây mái bằng. Bà con nơi đây đã làm nhà xây sau lưng, hay bên cạnh nhà dài truyền thống. “Tâm huyết thì bà con cũng tâm huyết đấy nhưng họ cũng lại chạy theo thời đại mới.
Nhiều ngôi nhà sàn dần được bê tông hóa, nhà nước cứ khuyến cáo bảo tồn nhà sàn cổ nhưng không có chủ trương hỗ trợ cụ thể nào, dần dần bà con sẽ bỏ rơi rụng những nét văn hóa truyền thống. Có nhà dài làm từ năm 1972 đã cũ lắm, nếu sau này nó sập xuống thì người ta bỏ luôn chứ kinh phí đâu mà trùng tu”, ông Ama Dit trăn trở.
Anh Võ Tấn Hồng, nhân viên Hạt kiểm lâm thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: Diện tích rừng của buôn Ako Dhong không nằm trong quy hoạch của lâm nghiệp mà thuộc phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột nên từ năm 2008 Hạt kiểm lâm thành phố đã giao trách nhiệm quản lý cho thôn buôn với tổng diện tích là 0,95 ha. Hiện, Hạt vẫn phối hợp với thôn buôn để bảo vệ diện tích rừng còn lại.